Trong những năm gần đây, ngành logistics luôn thuộc hàng top khi có mức điểm chuẩn cao mặc dù hiện có khoảng gần 50 trường đào tạo nhóm ngành này và ngày càng được mở thêm qua các năm. Cùng với nhóm ngành công nghệ thông tin, logistic được cho là lĩnh vực có tiềm năng lớn hiện nay.
Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực.
Cũng theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam, có từ 60 - 80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp.
Lựa chọn chương trình phù hợp
Mặc dù nhu cầu lớn, thị trường đa dạng nhưng theo chuyên gia, thí sinh cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo cũng như yêu cầu chuẩn đầu ra của từng trường đại học, bởi không phải trường nào cũng đào tạo logistics giống nhau. Đặc biệt cần dựa vào năng lực của bản thân để chọn ngành phù hợp.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, mỗi trường sẽ có những cách thức đào tạo khác nhau, cần tìm hiểu phương pháp đào tạo của từng trường, quan tâm nội dung đào tạo có phù hợp với điểm mạnh của mình hay không.
Điều quan trọng thứ hai không chỉ đối với nhóm ngành logistics hay bất kỳ nhóm ngành, theo ông Ngọc, các em cần phải tham khảo nhu cầu thị trường lao động để hiểu được sau khi ra trường mình sẽ đáp ứng được vị trí nào.
Phân tích cụ thể đối với ngành logistics, PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc cho biết, về cơ bản sẽ có 2 nhóm ngành chính đó là doanh nghiệp dịch vụ logistics và nhóm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - thương mại.
“Các doanh nghiệp thương mại làm nhiều hơn về quản lý chuỗi cung ứng, nhóm còn lại làm nhiều về dịch vụ logistics, giao dịch nhiều với các đối tác, các hãng vận tải... Chính vì sự kết nối rộng như vậy, ngành này cần người làm phải có tư duy cao, có kỹ năng liên quan đến giao dịch, thông thạo ngoại ngữ và các nghiệp vụ liên quan. Những thí sinh có điểm mạnh về kỹ năng mềm và ngôn ngữ có thể cân nhắc theo học", PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc cho hay.
Thị trường cần nguồn lao động lớn
Cũng trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đánh giá, hiện có 3 nhóm lao động đang rất “khát” nguồn nhân lực.
Thiếu nhất vẫn là nhân lực quản lý cao cấp, ông Hiệp cho biết các doanh nghiệp đều đang rất cần nhân sự giữ vị trí cao vì rất hiếm người có kinh nghiệm quản lý đặc thù trong ngành logistics.
Nhóm thứ 2 là các lao động được đào tạo chất lượng cao và có kinh nghiệm trong vị trí nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu, nhân viên phụ trách ngân hàng, nhân viên khai thác cảng,… Nhóm thứ 3 là những công nhân có trình độ để thực hiện các công việc vận tải, lái các thiết bị trong cảng.
Đối với triển vọng nhu cầu lao động của ngành này trong thời gian tới, ông Hiệp dự báo từ nay đến năm 2030 cần ít nhất 200.000 lao động có đào tạo ở trình độ đại học đối với ngành logistics, những lao động có trình độ dưới đại học chắc chắn sẽ cần nhiều hơn.
"Không chỉ nhu cầu cao, ngành này cũng mang lại mức thu nhập khá trong xã hội và có xu hướng ngày càng mở rộng", ông Hiệp nói.
Nói về việc đào tạo hiện nay, ông Hiệp cũng cho rằng có rất nhiều trường có ngành này nhưng mới chỉ đào tạo được một vài khoá, vì vậy chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Đây cũng là ngành có số điểm tuyển sinh cao, điều này cũng thể hiện sự lựa chọn theo đúng nhu cầu xã hội.