Bất chấp những khó khăn trong nước, giới phân tích nhận định Nga vẫn d tăng dần ảnh hưởng ở Syria, Libya và Đông Địa Trung Hải trong vài tháng qua. Động thái này đã được thúc đẩy một phần bởi những diễn biến gần đây, đặc biệt là sự mở rộng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, nó cũng được xây dựng dựa trên nền tảng vị thế hiện có của Moscow ở Syria và nhiều năm âm thầm mở rộng ảnh hưởng ở Libya. Mục đích lâu dài của Điện Kremlin là chống lại sự bao vây của phương Tây bằng cách củng cố hiện diện chính trị và quân sự ở sườn phía Nam của NATO.
Kịch bản Syria có tái hiện?
Theo chuyên gia Anna Borshchevskaya từ Viện Washington, kể từ khi bắt đầu sự can thiệp của quân đội vào năm 2015, Nga đã giành được quyền kiểm soát không phận Syria bằng cách thiết lập chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), sử dụng tên lửa đất đối không S-400, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, tên lửa hành trình chống hạm và thiết bị tác chiến điện tử.
Thời gian gần đây, hạm đội Địa Trung Hải của Nga cũng tăng cường sức mạnh khi bổ sung một số tàu chiến đến khu vực, bao gồm tàu tuần dương tên lửa Moskva – được NATO gọi là sát thủ diệt tàu - đến hội tụ với ít nhất mười tàu được trang bị tên lửa Kalibr uy lực khác.
Không những vậy, Moscow cũng đang rục rịch thành lập thêm căn cứ không quân mới ở tỉnh Raqqa, quản lý cùng với quân đội Syria. Căn cứ này có khả năng giúp Nga đẩy lùi sự bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ gần đó, tăng vị thế của chính mình hơn nữa.
Thành trì Idlib là trở ngại cuối cùng trong cuộc chiến Syria, Moscow đã gửi khoảng một chục máy bay chiến đấu MiG-29 tiên tiến tới căn cứ Hmeimim để tiếp ứng cho quân đội Syria.
Với những lợi thế sẵn có ở Syria, Nga dường như đã sử dụng quốc gia này làm bàn đạp cho các kế hoạch tại Libya. Thời gian qua, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner (Nga) đã đến hỗ trợ tướng Khalifa Haftar trong cuộc chiến chống lại Chính phủ của Hiệp định Quốc gia (GNA).
Trong khi phía Mỹ tin rằng Nga đã cử máy bay MiG-29 và Su-24 đến Libya như một giải pháp lật ngược tình thế cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Haftar sau những thất bại gần đây. Tuy nhiên, Nga phản bác hoàn toàn cáo buộc này.
"Ván bài" nào sẽ "lật ngửa"?
Giới phân tích phương Tây tin rằng, việc Nga tăng cường ảnh hưởng ở Libya có thể là sự lặp lại chiến thuật năm 2015 ở Syria, với mục tiêu trong tương lai có thể là thiết lập chiến lược A2/AD của mình tại sườn phía Nam NATO.
Như tướng Jeffrey Harrigian, chỉ huy không quân Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi phân tích, dự báo vào cuối tháng 5, “nếu Nga có được căn cứ trên bờ biển Libya, bước hợp lý tiếp theo là họ triển khai các chiến lược A2/AD dài hạn”.
Ý nghĩa của một kịch bản như vậy được cho là rất quan trọng đối với Nga. Thứ nhất, nó có thể mang lại cho Moscow một lợi thế địa chiến lược so với NATO thông qua các giải pháp răn đe, đồng thời tăng cường sức mạnh của Nga và làm phức tạp các hoạt động quân sự của phương Tây trên một khu vực rộng lớn hơn.
Điều này đã được nhìn thấy ở Syria, khi sự tự do cơ động của NATO ngày càng bị hạn chế hơn hơn so với trước, đồng thời các hoạt động tác chiến điện tử của Nga ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, giả thuyết về việc thiết lập A2/AD ở Libya sẽ là một bước đi phức tạp và Moscow sẽ gặp nhiều bất lợi so với ở Syria.
Moscow cũng phải đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ hơn ở Libya. Sự hậu thuẫn của Ankara gần đây đã thay đổi cán cân trường theo hướng có lợi cho GNA. Để chống lại hải quân Thổ Nhĩ Kỳ một cách hiệu quả sẽ yêu cầu Nga phải triển khai các hệ thống tầm xa.
Nhìn lại lịch sử, trong quá khứ, cả đế quốc Nga và Liên Xô đều không thành công trong việc giành được vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Địa Trung Hải hoặc thay đổi cán cân quyền lực khu vực.
Dường như, việc ngăn chặn sự bành trướng của phương Tây là động lực sâu sắc nhất trong hành động của Tổng thống Putin.
Giả thuyết đưa các hệ thống phòng không vào Libya để lập A2/AD có thể là một bước đi không tưởng về mặt thực tế, nhưng viễn cảnh đó không phải là không thể xảy ra nếu xét trong trường hợp ở Syria.
Moscow có thể đặt ra một lý do cần thiết để làm như vậy, ví dụ như cần một hệ thống phòng không bảo vệ nhân viên quân sự của mình ở Libya. Đó cũng là lý do Nga từng sử dụng để đưa S-400 vào Syria.
Nói cách khác, đây là một "trò chơi dài hạn" và Nga có thể tìm cách giành được ảnh hưởng của mình một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra có như những "kịch bản" và dự báo hay không, vẫn phải chờ vào những nước cờ mà Nga sẽ lựa chọn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23/6 nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng ở Libya không thể giải quyết bằng các giải pháp quân sự, theo Sputnik.
"Tôi đã thảo luận vấn đề này với nhiều đồng nghiệp và họ đồng ý rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột này. Đây là tinh thần chính trong tất cả các nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua và các tuyên bố được thông qua tại nhiều sự kiện, bao gồm hội nghị Berlin được tổ chức vào tháng 1", ông Lavrov nói trong cuộc họp báo được tổ chức sau cuộc hội đàm với các ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong vài năm qua, ưu thế của bất kỳ phe nào ở Libya chỉ là tạm thời, tình hình trên mặt đất luôn thay đổi và phe tấn công chưa bao giờ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán, nhà ngoại giao Nga nêu quan điểm.
"Vì vậy, tôi không thấy lựa chọn nào khác ngoài ngừng bắn ngay lập tức và giải quyết tất cả các vấn đề khác thông qua đàm phán, dựa trên sự thấu hiểu đạt được trong tuyên bố được thông qua tại hội nghị Berlin", ông Lavrov nói thêm. Ngoại trưởng Nga kêu gọi các thế lực nước ngoài ở Libya thúc đẩy một cuộc đối thoại nội bộ ở Libya.