Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Thứ 3, 06/02/2024 07:55

Cuộc sống hiện đại với rất nhiều thách thức như áp lực công việc, tình cảm, tài chính, không bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ,… làm cho nhiều người tăng nguy cơ mắc các trạng thái bệnh lý lo âu và trầm cảm. Đây là những rối loạn tâm thần phổ biến không chỉ trực tiếp làm suy giảm chất lượng cuộc sống từ nhẹ đến nghiêm trọng của người bệnh; làm trầm trọng các bệnh lý kết hợp (như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…) và nguy hiểm hơn với việc tăng nguy cơ tự sát.

Rối loạn lo âu, trầm cảm có nguy hiểm không?

Câu trả lời là “Có”. Rối loạn lo âu, trầm cảm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, diễn tiến trở thành các bệnh lý tâm thần nặng hơn, gây khó khăn hơn trong việc điều trị, tăng nguy cơ tự sát do trầm cảm, và có thể là nguyên nhân gây ra hoặc làm nặng thêm các bệnh lý khác nguy hiểm như tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp….. Vậy, rối loạn lo âu, trầm cảm vừa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Vào ngày 22/01/2024, trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Bệnh nhân lo âu, trầm cảm, BS.CK2 Vũ Thị Lan - Phòng điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ về chủ đề “Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm: điều trị và phòng bệnh”, đã nêu lên nhiều biểu hiện cơ thể dẫn đến người bệnh chậm trễ trong tiếp cận điều trị đúng chuyên khoa gây tăng chi phí điều trị và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Biểu hiện về sức khỏe thể chất dễ nhầm lẫn với các chuyên khoa cơ thể

Hệ tim mạch: gây tức ngực, tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực, nặng, khó chịu vùng ngực…làm tăng nguy cơ mắc, tăng nặng các bệnh lý tim mạch như bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhập viện của bệnh nhân tim mạch.

Hệ hô hấp: thở nhanh nông, thở gấp, hụt hơi, cảm giác khó thở. Rối loạn lo âu làm tăng chi phí điều trị bệnh lý hen phế quản, giảm hiệu quả điều trị đối với COPD, hen…

Hệ tiêu hóa: gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, ợ hơi, trào ngược, chán ăn …tăng nguy cơ phẫu thuật ở bệnh nhân Crohn, tăng sử dụng các thăm dò nội soi đường tiêu hóa không phù hợp, tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích.

Hệ tiết niệu: tiểu nhiều lần, cảm giác tiểu khó

Hệ da cơ xương: cơn nóng lạnh, châm chích da, căng cơ, bồn chồn, bứt rứt khó chịu, đứng ngồi không yên

Hệ thần kinh trung ương: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, giảm tập trung, trí nhớ, rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân dễ khám nhầm chuyên khoa thần kinh, tăng gánh nặng chi phí y tế và chậm trễ điều trị đúng chuyên khoa

Hệ sinh dục: rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục.

img

Nguồn: freepik

Giảm chất lượng cuộc sống, công việc và mối quan hệ xã hội

Ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ xã hội: người bệnh thiếu tự tin vào bản thân và có xu hướng ngại chia sẻ; tự cô lập mình, hạn chế giao tiếp cũng như duy trì các mối quan hệ xã hội. Gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, chất lượng cuộc sống.

Rối loạn sử dụng chất: người mắc chứng rối loạn lo âu tăng nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện để giảm các triệu chứng khó chịu như lạm dụng, nghiện benzodiazepine (seduxen), lạm dụng, nghiện rượu, hoặc các chất gây nghiện khác…

Làm tăng nguy cơ tự sát: Tình trạng rối loạn lo âu không được giải quyết khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc trầm cảm, người bệnh không còn hứng thú với những hoạt động sinh hoạt thường ngày, cảm thấy chán nản, mệt mỏi. thậm chí với những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh còn có ý tưởng, hành vi tự sát, tự hủy hoại.

img

Nguồn: freepik

Làm gì để xác định bạn có đang mắc phải rối loạn lo âu, trầm cảm hay không?

Tất cả những hậu quả mà rối loạn lo âu và trầm cảm để lại như những liệt kê ở trên đã cho thấy đây là một rối loạn cần được quan tâm, phát hiện và điều trị sớm đúng chuyên khoa sức khỏe tâm thần là điều rất cần thiết. Do đó, nếu có dấu hiệu nghi ngờ bạn hoặc người thân đang mắc rối loạn lo âu, trầm cảm, bạn hoặc người thân có thể thực hiện các bước sau:

Bước đầu tiên chính là sàng lọc khả năng có mắc lo âu, trầm cảm hay không thông qua các triệu chứng có thể nhận biết được. Tại https://grapsy.vn/benh-nhan/, bạn sẽ tự sàng lọc được khả năng bạn có đang mắc lo âu, trầm cảm hay không bằng việc trả lời những bảng câu hỏi tự đánh giá và tầm soát rối loạn lo âu, trầm cảm được cung cấp bởi website trên.

Tiếp theo, dựa trên kết quả sàng lọc, bạn sẽ tự đưa ra lựa chọn thích hợp tiếp theo như đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán xác định cũng như được điều trị kịp thời khi cần thiết.

Nguyễn Quốc Chinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.