Sản phẩm văn hóa Việt sẽ không còn na ná nước ngoài?

Sản phẩm văn hóa Việt sẽ không còn na ná nước ngoài?

Thứ 4, 08/02/2017 | 11:09
0
Mục đích của dự án là truyền bá và giúp người dân nhận diện được đâu là hoa văn, họa tiết của cha ông để lại. Từ nền tảng đó, chúng ta sẽ có những tác phẩm đặc trưng văn hóa thuần Việt.

Nhiều năm trở lại đây, một số chuyên gia văn hóa, mỹ thuật đã lên tiếng thừa nhận, các lĩnh vực như: phim ảnh, đồ mỹ nghệ, nội thất trang trí, thiết kế đồ họa … của chúng ta đang bị “Trung Quốc hóa”. Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do sự thiếu hụt nguồn tư liệu dẫn đến tình trạng người dân không phân biệt được đâu là văn hóa truyền thống, đâu là văn hóa ngoại lai.

Lâu dần, nhiều sản phẩm văn hóa được làm ra không những không mang tinh thần Việt mà còn bị người dân tẩy chay do “chúng cứ na ná sản phẩm của Trung Quốc, Hàn Quốc”. Chính vì thế, mới đây một dự án mang tên Hoa văn Đại Việt đã được giới thiệu tới đông đảo người yêu văn hóa truyền thống và làm nghệ thuật trong cả nước.

Đây là dự án của nhóm Đại Việt cổ phong, phối hợp với cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola, sử dụng công nghệ vector để vẽ lại và số hóa toàn bộ hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam. Bộ vector hoa văn này sẽ được cung cấp miễn phí cho cộng đồng sáng tạo Việt Nam để sử dụng trong các dự án mang tinh thần Việt và cổ trang (trang phục, kiến trúc, hội họa, minh họa…).

Nhóm tác giả kỳ vọng, thông qua dự án này, chúng ta sẽ truyền bá và giúp người dân nhận diện được đâu là hoa văn của cha ông. Từ đó sáng tạo nên những tác phẩm đặc trưng văn hóa thuần Việt, chống lại sự xâm lăng văn hóa (thông qua văn học, phim ảnh …) của các nước lân cận trong khu vực.

Văn hoá - Sản phẩm văn hóa Việt sẽ không còn na ná nước ngoài?

Một số hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam đã được in thành sách mang tên Hoa văn Đại Việt.

Nhằm làm rõ hơn ý nghĩa của dự án, PV báo Người đưa tin có cuộc trao đổi với người trong cuộc và một số chuyên gia văn hóa, lịch sử, mỹ thuật về vấn đề này.

Họa sĩ Cù Minh Khôi, chủ nhiệm dự án Hoa văn Đại Việt: Để tránh nhầm lẫn với những sản phẩm văn hóa ngoại lai

Cơ duyên để chúng tôi thực hiện dự án này là khi nhận lời tư vấn thiết kế trang phục cho bộ phim truyền hình cổ trang Phật hoàng Trần Nhân Tông (hiện vẫn chưa công chiếu – PV). Trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để tái hiện được trang phục thời nhà Trần.

Ngoài ra việc đưa hoa văn gì vào trang phục để người xem có thể nhận biết được đó là trang phục của vua, của hoàng hậu hay của quan lại cũng khiến những người thiết kế chúng tôi đau đầu. Sau một thời gian dài, chúng tôi xác định được các mẫu hoa văn và ngồi vẽ lại chúng bằng công nghệ vector để áp dụng lên những thiết kế của mình.

Văn hoá - Sản phẩm văn hóa Việt sẽ không còn na ná nước ngoài? (Hình 2).

 Họa sĩ Cù Minh Khôi, Chủ nhiệm dự án Hoa văn Đại Việt

Ý tưởng thực hiện một thư viện hoa văn online để mọi người có thể sử dụng và ứng dụng vào những sản phẩm mỹ thuật hàng ngày bắt đầu từ đây. Trong suốt hai năm qua, cộng đồng Đại Việt cổ phong ở khắp mọi miền đất nước, ở hải ngoại đã đi thu thập tài liệu. Cùng với quá trình đối chiếu, tham khảo và nhận sự tư vấn của nhiều chuyên gia lịch sử, văn hóa, mỹ thuật uy tín, chúng tôi đã xây dựng được hàng trăm hoa văn cổ ở nhiều thời kỳ khác nhau.

Qua việc làm trên, chúng tôi muốn truyền bá và giúp người dân nhận diện được đâu là hoa văn của cha ông chúng ta, từ đó xây dựng được những sản phẩm văn hóa thuần Việt, tránh nhầm lẫn với những sản phẩm văn hóa ngoại lai. 

Nhà thiết kế Nguyễn Khánh Dương: Giới trẻ rất quan tâm tới văn hóa truyền thống

Thành viên sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola, đồng thời cũng là người hợp tác với dự án Hoa văn Đại Việt cho biết: “Khi bắt đầu thực hiện dự án, chúng tôi huy động vốn bằng hình thức gây quỹ (tức là kêu gọi mọi người ủng hộ tiền trước, nhận sản phẩm sau - PV).

Điều bất ngờ là khi thông tin được đăng tải, chỉ trong vòng 2 tuần, số tiền ủng hộ đã vượt trên 100 triệu đồng. Chúng tôi không ngờ dự án lại nhận được sự quan tâm lớn đến vậy, đặc biệt là các bạn trẻ và kiều bào ở nước ngoài. Thực tế này có thấy, giới trẻ rất quan tâm tới văn hóa truyền thống chứ không hề thờ ơ như chúng ta vẫn nhầm tưởng”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Mong cả xã hội cùng chung sức

Có thể nói, một trong những khiếm khuyết của giới nghiên cứu văn hóa nói chung, trong có có giới sử học là trong thời gian dài, chúng ta ít quan tâm tới văn hóa truyền thống. Đến khi chúng ta hướng sự tập trung vào phát triển xã hội, đặc biệt là phát triển văn hóa, mọi người mới cảm nhận được sự thiếu hụt đó. Lúc này chúng ta mới đặt câu hỏi, cha ông ta sống như thế nào? Ăn mặc ra sao? Nhưng tri thức tưởng rất đời thường đó nhưng gần như bị quên lãng.

Văn hoá - Sản phẩm văn hóa Việt sẽ không còn na ná nước ngoài? (Hình 3).

 Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tôi có nói chuyện với một số chuyên gia lịch sử, điện ảnh của Hàn Quốc và họ cho biết, một nguyên lý quan trọng khi làm phim lịch sử là làm đẹp tổ tiên. Làm đẹp ở đây không phải là tô hồng mà tìm ra những vẻ đẹp từ quá khứ và chia sẻ nó với tất cả mọi người.

Nói về quá khứ không có nghĩa là lặp lại quá khứ. Vì thế tôi cho rằng, dự án này là việc làm hết sức đáng hoan nghênh dù nó mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này. Chúng ta cần nhiều hơn nữa những dự án như Hoa văn Đại Việt để có thể tạo ra những thành quả tích cực trong công cuộc làm đẹp những giá trị mà cha ông để lại.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức: Hướng tới những sản phẩm mang tinh thần Việt

Chúng ta phải thừa nhận là nhiều sản phẩm văn hóa Việt hiện đang bị “Trung Quốc hóa”. Tôi cũng thấy khả năng tiếp biến văn hóa nước ngoài và truyền tải tinh thần Việt vào đó của cha ông tốt hơn thế hệ nay rất nhiều.

Nhiều sản phẩm văn hóa hiện nay chỉ được sáng tạo và nhìn nhận dưới góc nhìn mới – xuất phát từ việc tiếp thu nền giáo dục phương Tây – nhưng lại quên mất nền tảng truyền thống. Thế nên mới có chuyện nhiều sản phẩm do người Việt làm giống hệt với đồ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ … Khả năng Việt hóa những kiến thức, kĩ thuật được du nhập từ nước ngoài ở ta vẫn còn nhiều hạn chế.

Văn hoá - Sản phẩm văn hóa Việt sẽ không còn na ná nước ngoài? (Hình 4).

 Hình ảnh chim Phượng thời Nguyễn được số hóa bằng công nghệ vector.

Nhưng những người thực hiện dự án Hoa văn Đại Việt lại khác. Tôi cho rằng ngoài tìm về kiến thức cha ông xưa, điều quan trọng hơn là họ đang tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc. Họ thúc đẩy giá trị của cha ông trở thành những giá trị của thời đại mới.

Bằng cách đưa hồn cốt Việt vào các sản phẩm đương đại, từ cái nhỏ nhất như: móc treo chìa khóa, quần áo, cốc, phong bao lì xì … cho tới những bộ trang phục, bối cảnh ở những bộ phim cổ trang … họ đã góp phần đưa giá trị Việt tới từng người dân. Và chỉ khi nào mỗi người Việt đều cảm nhận được tinh thần Việt và tự hào về nó, chúng ta mới bớt lo lắng về chuyện bị Âu hóa hay “Trung Quốc hóa”.

Đạo diễn Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc xưởng phim truyền hình Hải Phòng: Để không còn những sản phẩm na ná nước ngoài

Khi bắt tay vào thực hiện bộ phim Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng tôi thực sự rất lúng túng. Các tài liệu còn lưu giữ tới ngày nay quá ít để chúng tôi có thể tái hiện lại lịch sử cách đây gần 800 năm. Chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao tiếp cận gần nhất với bóng dáng xa xưa của cha ông mình. Nhưng nguy cơ bị rơi vào hoàn cảnh phải làm lại theo mô típ nước ngoài hoặc ăn theo những sản phẩm văn hóa ngoại lai lại hiện hữu.

Sau nhiều thời gian nghiên cứu, ê kíp làm phim cũng tìm ra được phương pháp mà tôi cho rằng, dự án Hoa văn Đại Việt chính là một sự tiếp biến khá đầy đủ. Phương pháp đó là tìm những biểu trưng văn hóa, tách bóc những họa tiết, hoa văn để đưa nó vào trang phục, dụng cụ, đồ dùng, bối cảnh… để chúng mang bóng dáng tinh thần Việt ở trong đó. Cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi thực sự khá tự hào về những gì mình đã làm được.

Xem thêm: >> Ăn mặc hở hang đi lễ chùa: Y phục xứng kỳ đức!

Phạm Thiệu

 

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Di tích quốc gia bị xâm hại khi tu bổ, tôn tạo

Thứ 7, 20/04/2024 | 08:48
Chủ đầu tư đã tự ý thay đổi một số hạng mục trong quá trình tu bổ, tôn tạo Di tích Kiến trúc- Nghệ thuật quốc gia chùa Trà Phương ở huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng.

Nhiều hoạt động tại “Biển đảo nơi Địa đầu Đông Bắc”

Thứ 7, 20/04/2024 | 08:43
Lần đầu tiên TP Móng Cái (Quảng Ninh) tổ chức Chương trình “Biển đảo nơi Địa đầu Đông Bắc” năm 2024 với nhiều hoạt động.

Trịnh Sảng lộ diện với vẻ ngoài khác lạ, sau ồn ào mất khả năng trả nợ

Thứ 7, 20/04/2024 | 08:00
Hình ảnh mới của Trịnh Sảng sau ồn ào mất khả năng trả nợ khiến nhiều khán giả ngạc nhiên với vẻ ngoài khác lạ.

“Người đàn bà khổ nhất màn ảnh” với cuộc hôn nhân 30 năm ngọt ngào, lãng mạn

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:45
“Người đàn bà khổ nhất màn ảnh Việt” – là biệt danh mà khán giả gọi NSƯT Minh Phương trong suốt nhiều năm. Thế nhưng ngoài đời NSƯT Minh Phương có cuộc hôn nhân gần 30 năm vẫn lãng mạn và ngọt ngào đáng ngưỡng mộ.

Hải Phòng: 4 điểm mới đáng chú ý tại Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024

Thứ 7, 20/04/2024 | 05:00
Lượng khán giả được mời tăng cao, địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật được thay đổi… là những điểm mới đáng chú ý tại Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2024.
     
Nổi bật trong ngày

Lễ hội thập niên sự lệ của dòng họ Nguyễn Cảnh – truyền thống văn hoá

Thứ 6, 19/04/2024 | 14:23
Dòng họ Nguyễn Cảnh, có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An.

Bản tin 20/4: Chơi một mình, bé trai suy hô hấp vì uống nhầm dầu hỏa trên bàn thờ Thần Tài

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:00
Chơi một mình, bé trai suy hô hấp vì uống nhầm dầu hỏa trên bàn thờ Thần Tài; Bé gái lớp 6 lọt danh sách 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023...

Bất ngờ ngoại hình khác lạ của MC Quyền Linh ở độ tuổi 55

Thứ 6, 19/04/2024 | 08:00
Hình ảnh MC Quyền Linh xuất hiện trước công chúng trông già nua với mái tóc và bộ râu dài. Diện mạo lạ của nam nghệ sĩ khiến khán giả không nhận ra.

Dự báo thời tiết ngày 19/4/2024: Nắng nóng gay gắt quay trở lại?

Thứ 6, 19/04/2024 | 05:00
Tin tức dự báo thời tiết mới nhất trong hôm nay (19/4). Cập nhật tin tức dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất trên Người Đưa Tin.

Đường lên Điện Biên

Thứ 7, 20/04/2024 | 08:03
Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “56 năm ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơn vắt – Máu trộn bùn non – Gan không núng - Chí không mòn…”