Đến chiều tối ngày 4/11, cơn bão số 12 (tên quốc tế là bão Damrey) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển ra khỏi khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước khi suy yếu, bão số 12 đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và một số tỉnh của Tây Nguyên.
Theo thống kê ban đầu, tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã có 4 người chết, 5 người mất tích. Trong khi đó, tại thị xã Ninh Hòa của tỉnh này cũng có 6 người chết và 2 người mất tích. Ngoài ra, huyện Diên Khánh và TP.Cam Ranh cũng ghi nhận có 1 người chết.

Một bè nuôi thuỷ sản của người dân trôi dạt vào bờ biển Nha Trang. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Tại TP.Nha Trang bước đầu ghi nhận có 2 người chết. Số lượng nhà bị tốc mái lên đến 6.800, trong đó có đến 33 nhà sập hoàn toàn.
Về nông nghiệp, toàn tỉnh Khánh Hòa có 3.748ha lúa bị ngập, 1.300ha mía bị đổ ngã, 1.200ha mỳ bị thiệt hại, 1.119ha hoa màu bị ngập, gần 1.500 bè bị trôi (chủ yếu ở huyện Vạn Ninh và TP.Nha Trang), 112 chiếc ghe thuyền bị đánh chìm.
Ngoài ra, tỉnh này còn ghi nhận có khoảng 4 tàu cá bị đánh chìm, hàng trăm lồng bè bị hư hỏng.
Trong khi đó, tỉnh Phú Yên cũng ghi nhận 1 người tử vong sau bão. Cụ thể, theo ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh này, thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 1 người chết tại huyện Đồng Xuân, 5 người mất tích, 4 người bị thương ở TP.Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu.

Hàng ngàn lồng bè của người dân bị chìm, trôi ngoài khơi chưa thể tiếp cận. (Ảnh: Báo Phú Yên).
Theo thống kê ban đầu từ UBND tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có 50 tàu cá bị chìm; 2 lồng nuôi tôm hùm bị cuốn trôi, 16 nhà bị sập; trong đó: Huyện Tuy An 5 nhà; huyện Sông Cầu 7 nhà; huyện Sông Hinh 2 nhà; TP.Tuy Hòa 2 nhà và khoảng 1.000 ngôi nhà bị tốc mái.
Ngoài ra, tại huyện Sông Hinh có khoảng 1.000ha cao su bị ngã; huyện Sơn Hòa khoảng 17.000ha mía bị hư hại; huyện Tuy An và TP.Tuy Hòa có hơn 277ha hoa màu và lúa bị hư hại. Bên cạnh đó, hàng trăm trụ điện trên toàn tỉnh và 1 trạm biến áp tại huyện Tuy An bị ngã đổ.
Tỉnh Bình Định, đến chiều 4/11, toàn tỉnh có 17 tàu bị chìm, 2 tàu bị mưa bão cuốn trôi. Mưa bão cũng khiến 1 người chết, 4 người bị thương; 81 ngôi nhà dân bị sập, 95 ngôi nhà tốc mái; 379ha lúa bị ngã đổ, 21,6ha lúa giống gieo sạ bị trôi, 100 con gia cầm bị chết, 10 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi…
Nhà cửa của người dân xã Yang Mao, huyện Krông Bông bị sập. (Ảnh: Báo Đắk Lắk).
Tại tỉnh Đắk Lắk, cơn bão số 12 đi qua đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản, đặc biệt là các huyện phía Đông Nam và phía Nam của tỉnh như: Huyện M’Đrắk, huyện Ea Kar, huyện Krông Năng và huyện Krông Bông.
Huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), có 10 ngôi nhà bị tốc mái, 2 hộ dân phải sơ tán do nhà có nguy cơ bị sập. Ngoài ra, thôn 11 của xã Cư Yang có 23 hộ dân bị cô lập vì đường vào thôn chia cắt. Huyện Krông Năng có 4 ngôi nhà tốc mái, 1 nhà xây cấp 4 bị sập và một số diện tích cao su bị đổ gãy.
Trong khi đó, huyện Krông Bông ghi nhận 1 người chết, 2 người bị thương, 108 ngôi nhà bị sập, 612 ngôi nhà bị tốc mái, 300 ngôi nhà bị ngập và chia cắt, hàng nghìn hecta các loại cây trồng của người dân bị ngập lụt, đổ gãy, giập nát và mất trắng.

Khu vực dân cư mới Đưng Ksi, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bị mưa bão nhấn chìm. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã ghi nhận số người chết sau cơn bão. Theo đó, ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh này cho biết, tại huyện Lạc Dương đã có 2 người chết và trên 50 ngôi nhà bị sập, hơn 100ha nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao bị hư hại. Mưa bão cũng làm khu tái định cư Đưng Ksi (xã Đạ Chais, Lạc Dương) bị ngập với diện tích 50ha, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Tại đây có một căn nhà bị sập, 39 căn khác của người dân bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ.
Hiện, các tỉnh có cơn bão lịch sử quét qua vẫn đang nỗ lực khắc phục những thiệt hại nặng nề.
Hà Nguyễn (tổng hợp)