Trăn trở giữ chân giáo viên
Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất phương án tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng. Vấn đề cải cách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực để giữ chân công chức, viên chức nói chung và cán bộ ngành y tế, giáo dục nói riêng đang nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Bên hành lang, ĐBQH Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) đã có những trăn trở với Người Đưa Tin trước tình trạng giáo viên nghỉ việc nhiều do “lương không đủ sống”.
Chia sẻ về lý do giáo viên nghỉ việc nhiều, đại biểu Minh cho rằng là bởi vì lương không đáp ứng được, nên họ không yên tâm công tác ở khu vực công.
Nói thêm về tình trạng thiếu giáo viên, đại biểu Minh cho biết: “Nói như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn như vừa rồi “Ngành giáo dục quản lý rất nhiều, chỉ có 2 cái không quản lý, đó là biên chế và kinh phí”, đây cũng là một bất cập.
Bởi, ở thành phố, giáo viên nghỉ việc, nhưng lại có rất nhiều trường tư nên vấn đề nhu cầu giữa người dạy và học vẫn có thể ổn định. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa, thì thực sự rất khó".
Là đại biểu từng công tác trong ngành giáo dục 9 năm, đại biểu đoàn Quảng Trị rất trăn trở về vấn đề làm sao để giữ chân được giáo viên.
“Làm thế nào để đủ biên chế giáo viên dạy, để có học sinh là phải có giáo viên đứng lớp, để đời sống của giáo viên phải đáp ứng được phần nào, chúng ta mới thực sự nâng cao được chất lượng giáo dục, mới không có tình trạng dạy thêm, học thêm...
Lộ trình tăng lương theo ngạch, bậc đã được tính toán từ rất lâu, tại sao chúng ta không sớm thực hiện?”, đại biểu nêu băn khoăn.
Với việc Chính phủ đang đề xuất phương án tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng, đại biểu Minh cho hay mức tăng như vậy trong bối cảnh kinh tế hiện nay là chấp nhận được. Tuy nhiên, đại biểu mong muốn được áp dụng sớm hơn.
Với lộ trình tăng lương như hiện nay, đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng chỉ đáp ứng được một phần. Bởi, từ nay đến 1/7/2023 còn rất lâu, sẽ còn “trượt giá”. Trong khi, chúng ta mới chỉ có chủ trương, thì bước ra chợ, giá đã tăng lên rất nhiều.
“Chắc chắn, đời sống của cán bộ, công chức cũng chỉ là “có niềm vui trong con số”, chứ thực tế không cải thiện được bao nhiêu”, đại biểu Minh bày tỏ.
“Theo tôi nên điều chỉnh mốc áp dụng từ ngày 1/1/2023 sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, cũng nên tăng lương theo lộ trình phù hợp, chứ không thể để những gián đoạn, dẫn đến chậm như thời gian qua”, đại biểu đề nghị.
Cần xem xét, đánh giá tác động
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đoàn Quảng Ninh cho rằng mức tăng khoảng 20,8% như vậy là phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị việc tăng lương cho đối tượng nào cũng cần xem xét, đánh giá tác động một cách đầy đủ để làm sao việc tăng lương cơ sở đối với các đối tượng trong khu vực Nhà nước, đối với công chức, viên chức, người đã nghỉ hưu. Nhất là đối với những đối tượng ở các lĩnh vực có nhiều khó khăn, bất cập về thu nhập như: đội ngũ giáo viên, y tế…
“Cần đánh giá tác động rộng rãi hơn đối với các đối tượng trong ngành y và giáo dục. Như vậy, sẽ thấy được bất cập cụ thể, làm sao để tăng lương đảm bảo phù hợp với mức thu nhập của người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước”, đại biểu Lan chia sẻ.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ngày 22/10, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) quan ngại về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hay chuyển sang khu vực tư nhân.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, khối giáo dục là 16.000 người, khối y tế là hơn 12.000 người.
Theo đại biểu Thủy, điều đáng lo ngại là trong một thời gian ngắn, chuyện nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại là điều không phải bình thường mà là một sự bất thường.
Trước thực trạng trên, đại biểu Thủy đề nghị Chính phủ mà đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc nhiều, cần làm rõ có những nguyên nhân là do đâu? Ngoài nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc còn có những nguyên nhân nào nữa không?
Bởi vì khi chúng ta đánh giá đúng, đủ nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp. Còn nếu như chỉ dừng lại ở một góc độ là nguyên nhân chưa đầy đủ, đánh giá chưa hết thì chúng ta chưa có giải pháp đúng, trúng và căn cơ chiến lược cho giải quyết vấn đề này trong thời gian tới”, đại biểu Thủy cho biết.
Phân tích rõ tình trạng thừa, thiếu giáo viên
ĐBQH Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) nêu quan điểm, hiện cấp tiểu học đang có tình trạng thiếu giáo viên các môn Tin học và tiếng Anh. Việc thiếu giáo viên không chỉ ở các tỉnh, thành phố lớn và còn xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa; huyện, xã đặc biệt khó khăn.
Trước thực tế trên, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra số liệu cụ thể, đánh giá và phân tích rõ tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.