Chiều nay (11/3), Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018.
Khẩn trương hoàn thành trong năm 2024
Phát biểu nhấn mạnh về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Việc xây dựng ngân hàng, thư viện đề thi là bước rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của kỳ thi.
Đặc biệt phải đảm bảo ngữ điệu đề thi không theo bộ sách nào, dù học bộ sách nào học sinh đều làm được và đánh giá được năng lực của các em. Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu đã đề ra như giảm áp lực, đảm bảo khách quan, đủ cơ sở, căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng tuyển sinh”.
Thứ trưởng cũng đánh giá cần phải tập trung nghiên cứu, bởi thời gian không còn nhiều, cần có nhiều bên tham dự, có ý kiến, trao đổi chuyên môn để xây dựng được một kỳ thi tốt đẹp. Bởi nếu làm không tốt, không chặt chẽ thì rất dễ xảy ra những điều không đáng có.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, Bộ GD&ĐT đang rất khẩn trương chỉ đạo, tính toán để trong năm 2024 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị cho kỳ thi năm 2025.
Theo ông Chương, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo GDPT 2018.
Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học tại các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan QLGD. Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
“Trong quá trình tổ chức, Bộ GD&ĐT có vai trò chỉ đạo chung, văn bản, hướng dẫn, kế hoạch. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức kỳ thi và đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi. Chịu trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi”, ông Huỳnh Văn Chương cho hay.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xét công nhận tốt nghiệp.
Xây dựng ngân hàng đề thi có tính mở
Đưa ra thông tin về cấu trúc định dạng đề thi và thư viện đề thi có tính mở, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà cho biết cấu trúc và định dạng đề thi vẫn sẽ có tính kế thừa và phù hợp thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018
"Tính kế thừa của đề thi ở chỗ, môn Ngữ văn hình thức tự luận, các môn còn lại hình thức trắc nghiệm. Đề thi vẫn giữ một phần câu hỏi có dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, đề thi sẽ phát triển thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018”, ông Nguyễn Ngọc Hà phát biểu.
Cụ thể, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đối với dạng câu hỏi đúng/sai sẽ kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi. Kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phần loại rất cao.
Dạng trả lời ngắn xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận. Xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống 1,975 điểm (môn Toán), 2,35 điểm (Lý, Hóa, Sinh,...).
“Mặc dù một câu hỏi nhưng 4 lệnh hỏi khác nhau, tương đương với 4 câu trắc nghiệm như các bài thi hiện này, điều này cho phép chúng ta đánh giá được đồng thời nhiều điều kiện năng lực của học sinh, điều này phù hợp tinh thần Chương trình GDPT 2018”, ông Nguyễn Ngọc Hà phát biểu.
Cùng với đó, cấu trúc mới vẫn giữ nguyên 40 lệnh hỏi (hầu hết các môn) nhưng giảm được số tờ giấy thi, các môn chỉ tối đa 4 trang A4 nên đề thi trình bày đủ trên một tờ A4.
Điểm nổi bật nhất, phải kể đến dịnh hướng xây dựng ngân hàng đề thi có tính mở, theo giải thích của đại diện Bộ GD&ĐT nếu như hiện nay chúng ta đang làm đề thi theo kiểu từ khâu soạn thảo đến phiên bản đầu tiên đều tập trung chuyên gia xây dựng và có tính bảo mật cao.
“Quá trình đóng như vậy rất khó tiếp cận những nguồn đề phong phú ở các địa phương, internet, rất dễ có nét tương đồng với các đề thi trước đó. Ở đây, từ năm 2025 đề thi có tính mở khi thực hiện phát huy trí tuệ của các ngành từ các Sở, các địa phương từ những đề thi của các thầy cô giáo, nhà trường trên cả nước. Từ đây sẽ có lượng câu hỏi lớn, phong phú, có chất lượng cao. Nếu chúng ta thu nhập được thì sẽ tiết kiệm thời gian, công sức”, ông Hà nêu rõ.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, những đề thi, câu hỏi phải trải qua quá trình đánh giá, thông qua cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT để phân tích đề thi bằng lý thuyết khảo thí.
Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.