Chiều 15/8, chương trình gặp gỡ giữa Bộ GD&ĐT và các giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học đã được diễn ra.
Nhìn thẳng vấn đề nóng của ngành
Đối với buổi gặp gỡ hôm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn hy vọng, cả hai phía - Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các nhà giáo, nhà khoa học - có thể trao đổi thẳng thắn, bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề cùng quan tâm, những vấn đề nóng của ngành, những vấn đề vướng, khó của ngành, của các cơ sở giáo dục đại học, hoạt động nhà giáo trong cơ sở giáo dục dại học.
Vấn đề bày tỏ có thể liên quan đến giáo dục đại học nói riêng, vấn đề giáo dục nói chung, vì thầy cô vừa là nhà giáo, vừa là nhà khoa học, đội ngũ trí thức của cả nước, chuyên gia trong hầu hết các lĩnh vực.
Báo cáo tổng hợp ý kiến giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết có rất nhiều vấn đề được thầy cô giáo quan tâm.
Trong nhóm vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với giáo dục đại học: Số đông các ý kiến phản ánh thu nhập của giảng viên các trường đại học, đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác. Hiện tượng giảng viên có trình độ cao bỏ việc ở trường công, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với thu nhập cao hơn đang diễn ra ngày càng nhiều…
Bên cạnh đó, các ý kiến bày tỏ mong muốn có phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý; chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ nhân viên khối phòng ban trong các trường đại học. Đề nghị sửa đổi một số điểm của Thông tư 08 về tính chế độ cho cán bộ công đoàn cơ sở giống như tính phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn nhằm động viên cán bộ công đoàn trong các trường học.
Hiểu rõ về tự chủ đại học
Tại phần trao đổi, nội dung tự chủ đại học là vấn đề nóng được quan tâm. Đại diện cho các thầy cô, PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng tự chủ trong đại học hiện nay, xã hội vẫn hiểu là tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nghĩ là tự chủ là nhà nước không hỗ trợ học phí và các hoạt động.
Đây là vấn đề cần được truyền thông để xã hội rõ, đề nghị Bộ GD&ĐT chung tay truyền thông về tự chủ đại học. Cần nhấn mạnh tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường.
“Sự thiếu đồng bộ trong điều hành tự chủ tài chính đang đặt ra khó khăn cho các nhà trường, đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan điều hành có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tại chính một cách hợp lý trong thời gian tới”, cô Huyền thông tin.
Đại diện cho Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Nguyễn Danh Nam nêu ý kiến: “Hướng tới tự chủ đại học, giảng viên các cơ sở giáo dục được độc lập trong giảng dạy và NCKH. Từ đó, có thể thấy tự do học thuật là "linh hồn" của tự chủ đại học. Việc tự do học thuật giúp người học được tiếp cận các chương trình đào tạo tốt nhất, giảng viên tốt nhất. Để thực hiện tự do học thuật, giảng viên đóng vai trò then chốt”.
Vì vậy, ông Nam cho rằng cần tạo môi trường tự do học thuật trong các trường đại học thông qua cơ chế của nhà nước, đặc biệt là qua môi trường tự chủ đại học. Đồng thời, cần có kinh phí hỗ trợ NCKH, đặc biệt là với các giảng viên trẻ giảng dạy, NCKH.
Ông Nam đề xuất Bộ GD&ĐT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tăng kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học, tạo môi trường để giảng viên làm NCKH; chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học nhằm phát huy tiềm năng của các cơ sở giáo dục và đưa lĩnh vực giáo dục đại học vươn tầm quốc tế.
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết có thể nói là tự chủ đại học là việc mà Việt Nam đã thực hiện hơn 30 năm trước và cho đến nay có rất nhiều trường đại học đã tự chủ rất là cao.
Vấn đề chúng ta nhắc đển nhiều nhất và đó cũng là điểm vướng điểm khó đó là về thể chế. Bộ trưởng đánh giá đã có nhiều quy định, hướng dẫn thi hành chi tiết để thực hiện quyền tự chủ, tuy nhiên vẫn có sự chưa đồng bộ chồng chéo giữa nhiều bộ luật khác khiến cho những quyền tự chủ của các trường đại học rất khó để thực hiện một cách đầy đủ.
“Đây là một câu chuyện cần có một quá trình điều chỉnh, riêng với Nghị định 99 thì hiện nay chúng ta đang điều chỉnh một số vướng mắc”, ông Nguyễn Kim Sơn trả lời.
Dự kiến trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ GD&ĐT xem xét, sửa đổi Luật 34, từ đó tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học được đúng hướng, có chiều sâu, thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học.
Bộ trưởng cũng đánh giá một khó khăn khác của thực hiện tự chủ là sự hiểu về tự chủ; có nơi hiểu chưa hết, không dám làm hết; có nơi hiểu tự chủ là thích làm gì thì làm - cả hai cách hiểu trên đều dẫn đến sai lệch trong quá trình thực hiện.