Xây dựng cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư
Huyện Kiến Thụy nằm ở khu vực Đông Nam của Tp.Hải Phòng, nổi tiếng với du khách từng đến với địa phương này là các đặc sản gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp như: Cá mòi kho Thái Tín, Chả cá chày Đại Hợp, Rượu Đế vương, bánh đa Đông Phương, Cá Mòi viên sườn sụn sốt cà, Gạo ruộng rươi, mật ong hoa rừng ngập mặn, nấm Đông trùng hạ thảo, trà sen và tinh bột củ sen…
Ngoài ra, huyện Kiến Thụy là một trong những địa phương có lợi thế và tiềm năng rất lớn để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp khi sở hữu quần thể sông Đa Độ, núi Đối, núi Trà Phương với diện tích hàng chục ha; hàng trăm ha rừng ngập mặn tại xã Đại Hợp; hơn 100 ha đầm thủy sản tại xã Kiến Quốc...
Bên cạnh đó, huyện Kiến Thụy còn nổi tiếng là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi phát tích Vương triều nhà Mạc (1527-1592); nơi có tiếng trống Kim Sơn kháng Nhật; nơi khởi đầu của cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp.
Tiêu biểu nhất là khi Kiến Thụy có bờ biển dài tới 6,76km; có 2 con sông lớn chảy qua là Văn Úc (12,8km), Đa Độ (20km), đã hình thành hơn 2000 ha đất bãi bồi ven sông, ven biển, tiềm năng kinh tế, du lịch nông nghiệp vô cùng rộng mở.
Mặc dù sở hữu lợi thế vô cùng lớn nhưng ngành du lịch tại huyện Kiến Thụy phát triển chưa tương xứng. Theo thông tin từ UBND huyện Kiến Thụy, năm 2022, địa phương đón hơn 50.000 lượt du khách, chỉ bằng 1/140 lượt khách du lịch đến Tp.Hải Phòng trong năm (hơn 7 triệu lượt).
Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Duy Minh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kiến Thụy, cho hay, ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, nguyên nhân chủ yếu là địa phương chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh du lịch nông nghiệp.
Để gỡ khó cho ngành du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói chung, ngày 28/6/2023, UBND huyện Kiến Thụy ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về thúc đẩy phát triển du lịch huyện nhà. Theo đó, huyện Kiến Thụy dự kiến khôi phục và phát huy giá trị một số ngành, nghề truyền thống liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như chế biến nước mắm Quần Mục, nấu rượu thủ công Xuân Đông, bánh đa Lạng Côn. Bên cạnh đó, phối hợp Sở Du lịch Tp.Hải Phòng triển khai thí điểm một số mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Ông Phạm Tiến Thuật - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng thông tin: “Thời gian tới, huyện Kiến Thụy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư các khu, điểm du lịch. Đồng thời, xem xét xây dựng cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư vào phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng”.
Mở cơ chế, tạo cơ hội
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hải Phòng, không chỉ huyện Kiến Thụy kể trên, mà tiềm năng du lịch của Tp.Hải Phòng nói chung đến nay vẫn chưa được khai thác, phát huy. Hiện trên địa bàn Tp.Hải Phòng chưa có điểm du lịch nông nghiệp nào được công nhận. Trước đây, Tp.Hải Phòng cho phép triển khai thí điểm hai điểm du lịch nông nghiệp là Trường Thành Farm và Du lịch đảo Bầu (cùng huyện An Lão, Tp.Hải Phòng). Đến nay, hai điểm du lịch này đã hết thời hạn thí điểm mà vẫn chưa triển khai tiếp.
Nói về nguyên nhân khiến du lịch nông nghiệp Tp.Hải Phòng phát triển “chậm” nhiều năm qua, ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.Hải Phòng, cho rằng, hiện có nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn đầu tư vào du lịch nông nghiệp nhưng không thực hiện được do có quá nhiều rào cản.
Bởi để xây dựng điểm du lịch nông nghiệp, chủ đầu tư phải hoàn thiện hệ thống thăm quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống. Trong khi đất tích tụ là đất nông nghiệp mà theo quy định của pháp luật không được phép xây dựng công trình kiên cố. Đối với công trình tạm phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, ngày 11/5/2023, UBND Tp.Hải Phòng ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, hiện Sở Du lịch Hải Phòng đã hoàn thiện Kế hoạch triển khai Đề án trình UBND Tp.Hải Phòng phê duyệt.
Theo đó, Tp.Hải Phòng phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất hai điểm du lịch nông thôn được công nhận là điểm du lịch theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Tp.Hải Phòng dự kiến hỗ trợ mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù, sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP theo mô hình chuỗi liên kết cung ứng với sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp.
Theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, dự kiến thành phố sẽ trích ngân sách tổng cộng 24 tỷ đồng, trung bình 3 tỷ đồng/năm được lồng ghép trong kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, sự nghiệp của các sở, ngành trong dự toán chi ngân sách hằng năm cho du lịch nông nghiệp.
Các huyện trên địa bàn Tp.Hải Phòng dự kiến chi 8 tỷ đồng ngân sách, trung bình 1 tỷ đồng/năm phục vụ chương trình OCOP. Đồng thời, xem xét huy động các nguồn thu hợp pháp và vốn xã hội hóa khoảng 72 tỷ đồng, trung bình 9 tỷ đồng/năm cho phát triển du lịch nông thôn.
Đồng thời, Tp.Hải Phòng sẽ nghiên cứu, xem xét ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó có tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình tích tụ ruộng đất cũng như xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp.
Hiện một số cá nhân, doanh nghiệp không chỉ tại huyện Kiến Thụy mà các địa phương khác của Tp.Hải Phòng, đặc biệt là một số doanh nghiệp đã triển khai mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn nhưng chưa đáp ứng các quy định pháp luật của địa phương đang xây dựng lại các đề án phát triển mô hình du lịch cho phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch của địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Lúc này đây, cần lắm sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để tháo gỡ các vướng mắc đối với mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn cũng như sớm xem xét, giải quyết các đề án, đề xuất của doanh nghiệp về để thúc đẩy mô hình du lịch này.
Xây dựng mô hình du lịch gắn với địa phương
Đại diện khu trải nghiệm Bigsun - bà Phạm Thị Kim Ân chia sẻ: “Thời gian qua, do chưa biết cơ quan hướng dẫn nên chúng tôi cứ loay hoay trong việc xây dựng mô hình du lịch để phù hợp lợi thế địa phương và tuân thủ quy định pháp luật. Chúng tôi mong muốn được chính quyền cho phép thí điểm mô hình du lịch canh nông, quảng bá các sản phẩm truyền thống của Hải Phòng đến các du khách trong nước và quốc tế, cũng như tạo công việc ổn định cho người dân địa phương”.
Minh Hòa