Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 ghi nhận doanh thu cả năm 2023 đạt 118.280 tỉ đồng (hoàn thành 88% kế hoạch năm), giảm 11% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu online đóng góp 14% trong tổng doanh thu, đạt 16.899 tỉ đồng.
Giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng vẫn đang ghi nhận ở mức cao, lần lượt là 95.759 tỉ đồng và 20.917 tỉ đồng (chiếm tổng cộng 97% doanh thu). Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của MWG chỉ còn gần 167 tỉ đồng, trong khi lãi ròng năm 2022 gần 4.100 tỉ đồng. Đáng nói, đây là lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2013 đến nay.
Báo cáo tài chính quý IV/2023 ghi nhận doanh thu cả năm 2023 đạt 118.280 tỉ đồng (hoàn thành 88% kế hoạch năm), giảm 11% so với năm 2022
Theo báo cáo kinh doanh cả năm 2023, MWG cho biết ưu tiên hàng đầu trong thời gian qua là tập trung giữ chân khách hàng, bảo vệ doanh số và gia tăng thị phần khi tình hình sản xuất và việc làm kém khả quan đã tác động đến thu nhập, niềm tin và xu hướng tiêu dùng của người dân.
Theo đó, doanh thu của chuỗi Thế giới di động (bao gồm cả Topzone) và Điện máy xanh năm 2023 đều giảm so với cùng kỳ, lần lượt đạt hơn 28.000 tỉ đồng và 55.000 tỉ đồng.
Sau khi tái cấu trúc để vận hành tinh gọn bằng cách đóng cửa gần 200 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh hoạt động không hiệu quả vào quý IV/2023, đến hết năm 2023, chuỗi Thế giới di động (bao gồm Topzone) chỉ còn 1.078 cửa hàng, giảm 112 cửa hàng so với đầu năm, Điện máy xanh còn 2.190 cửa hàng, giảm 94 cửa hàng.
Trái ngược với tình hình kinh doanh không mấy tích cực, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động lại lọt nhóm dẫn dắt thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch 30/1, cổ phiếu MWG tăng 1,79%, lên 45.400 đồng/CP.
Theo giới chuyên môn, thời gian qua mã MWG của Thế Giới Di Động đang là một trong những mã dẫn đầu danh mục mua ròng của khối ngoại. Trên thực tế, cổ phiếu MWG đã bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài săn lùng trở lại kể từ tháng 12/2023.
Đây là tin vui cho ông lớn bán lẻ sau hơn một năm bị các nhà đầu tư xa lánh, chủ yếu do kết quả kinh doanh kém khả quan. Khoảng thời gian trước đó, cổ phiếu MWG hiếm khi nào rơi vào trạng thái hở “room” ngoại.
Cùng MWG, còn có một loạt cổ phiếu “cứu nguy” cho VN-Index trong phiên. Trong số đó, BCM đứng vững vị trí đầu trong nhóm dẫn dắt thị trường, tăng mạnh nhất nhóm VN30 với mức 5,2%, đóng cửa với giá 65.300 đồng/cổ phiếu. GVR, HDB, MWG, OCB, VHM, VGC… lần lượt theo sau.
Trong kịch bản tích cực, thanh khoản tiếp tục gia tăng và dòng tiền tham gia vào thị trường trở nên sôi động hơn, chỉ số đang có nhiều cơ hội chinh phục ngưỡng cản gần quanh mốc 1.180 điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.200 - 1.210 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng một phần tỷ trọng trading ngắn hạn trong các nhịp rung lắc, ưu tiên các cổ phiếu sẵn có trong danh mục và các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngành ngân hàng, dầu khí và bán lẻ.
Chứng khoán VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỷ trọng đối với những cổ phiếu đang có xu hướng thu hút dòng tiền tốt thuộc các nhóm ngành như bán lẻ, hóa chất, phân đạm. Với diễn biến hiện tại, dòng tiền sẽ liên tục luân chuyển giữa các nhóm ngành nên các nhà đầu tư vẫn có thể duy trì chiến lược giao dịch T+, hiện thực hóa lợi nhuận đối với cổ phiếu đã chạm kháng cự và cân nhắc giải ngân từng phần đối với những cổ phiếu đang có sự tích lũy tốt tại vùng hỗ trợ.
Tương tự, Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.
Tuấn Kiệt