Phương án tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024 – 2025 tại Hà Nội đang được đông đảo học sinh, phụ huynh ngóng đợi. Song hành với đó, nhiều em hiện nay đã chủ động đăng ký và thử sức với kỳ thi thử lớp 10 vào các trường THPT chuyên trực thuộc đại học và trường THPT ngoài công lập, đặc biệt ngay từ cuối tháng 12 nhiều trường đã tổ chức, thông báo lịch thi cho học sinh đăng ký.
Là một trong những ngôi trường được đông đảo các thí sinh quan tâm và lựa chọn tham gia các kỳ thi thử vào 10 do nhà trường tổ chức, tuy nhiên trao đổi với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Phú Chiến - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cho rằng việc tham gia các cuộc thi trước ngày thi chính thức tuỳ thuộc vào nhu cầu của gia đình và năng lực học sinh.
“Thông qua các buổi thi thử các em có thể làm quen với tâm lý phòng thi, biết phân bố thời gian hợp lý, thử sức năng lực của mình, hiểu được kiến thức còn thiếu, để có được những lựa chọn phù hợp cuối cùng”, ông Chiến cho hay.
Tuy nhiên, sau mỗi lần thi, thí sinh cần có những đánh giá, xem xét và có kế hoạch ôn tập phù hợp tránh đi theo tâm lý đám đông, lấy số lượng không cần thiết.
“Học sinh và phụ huynh nên nghiên cứu kỹ thời gian thích hợp, tránh lạm dụng tham gia hết tất cả kỳ thi gây tốn kém, không cần thiết.
Đối với nhà trường chúng tôi, sau khi các em thi thử sẽ có một buổi chữa đề trực tuyến đây cũng giống như một buổi học, để các em rút kinh nghiệm có thêm kiến thức luyện đề”, TS Nguyễn Phú Chiến chia sẻ.
Với kinh nghiệm tham gia các cuộc thi và học trường chuyên, cô Nguyễn Minh Oanh – Giáo viên luyện thi IELTS tại Trung tâm Hà Vũ English AZ cho rằng không nên đi thi thử quá nhiều, thậm chí học sinh có thể lựa chọn không thi để tránh áp lực tâm lý cho các em.
“Việc thi thử là cần thiết để thí sinh hiểu được quy trình và cách thức thực hiện bài thi vào ngày tổ chức chính thức sẽ như thế nào, nhằm tăng sự tự tin và tránh việc mắc những lỗi sai không cần thiết.
Tuy nhiên, chỉ nên thi thử một lần để hiểu quy trình, không nên coi kết quả thi thử là thi thật, bởi còn bị tác động từ nhiều yếu tố khác nhau”, cô Minh Oanh đưa ra quan điểm.
Ngoài ra, theo cô Oanh việc thi thử nhiều lần sẽ gây áp lực không cần thiết cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Nếu điểm cao sẽ dẫn đến tình trạng tự tin, chủ quan bất cẩn khi thi thật nhưng khi điểm thấp lại bị tâm lý lo lắng, hoang mang khi đi thi chính thức.
Cho nên, dù là như thế nào thì cũng vẫn dẫn tới kết quả không như ý, bởi vậy thay vì tham gia hết lần thi thử này hay thi thử khác, thí sinh nên dành thời gian đó để ôn tập, nghỉ ngơi và chuẩn bị thật tốt cho kì thi thực sự đang chờ đợi.
Cũng đưa ra lời khuyên cho các em thí sinh đang ôn thi vào 10, cô giáo Nguyễn Minh Oanh cho hay: “Không nên có suy nghĩ học tủ và càng không nên học dàn trải.
Bài thi ngoài kiểm tra kiến thức, còn kiểm tra khả năng tư duy logic của học sinh, nên cái cốt lõi nhất là tư duy. Như vậy thì chỉ cần ôn bài vừa đủ, hiểu được bản chất vấn đề tránh ôm đồm nhiều kiến thức sẽ rất khó nhớ”.
Ngoài ra, học sinh cần có phương pháp ôn tập khoa học, học bài theo logic sẽ dễ hiểu và nhớ nhanh hơn là học thuộc lòng tất cả những gì thầy cô cho.
“Bên cạnh đó, khi ôn tập thì không nên bỏ qua chương kiến thức nào, nên xem lại tư duy của tất cả các dạng bài. Lưu ý, ngay cả những bài chúng ta không ngờ nhất, vẫn có thể thi vào”, cô Minh Oanh bày tỏ.
Năm học 2023 – 2024, Hà Nội có 237 trường THPT: trong đó có 124 trường công lập, 113 trường tư thục. Ngoài ra, Hà Nội có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và 50 trường trung cấp, cao đẳng nghề có tuyển sinh lớp 10. Số lượng học sinh được tuyển vào lớp 10 công lập hàng năm duy trì khoảng 60%.
Hà Nội đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học tiếp bậc THPT ở các loại hình trường khác nhau (công lập, tư thục, giáo dục thường xuyên và trường nghề).