Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Chiến lược dài hạn cho vị thế quốc gia

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 6, 02/05/2025 10:53

Để phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, không còn con đường nào khác ngoài đầu tư cho nhân lực.

Hiện nay, thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát triển khoa học công nghệ đã và đang trở thành yếu tố sống còn, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trước bối cảnh này, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia, là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, để bứt phá, cần có đội ngũ trí thức, lực lượng lao động lành nghề và có trình độ. Việc có một chiến lược bài bản, lâu dài đầu tư cho đào tạo nhân lực bậc cao là bài toán cần phải nhanh chóng giải quyết.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá Nghị quyết 57 nhấn mạnh, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này tạo ra sự thay đổi căn bản, khi chúng ta chuyển từ mô hình dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, sang mô hình phát triển dựa trên tri thức, kỹ thuật công nghệ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp.

Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Chiến lược dài hạn cho vị thế quốc gia- Ảnh 1.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, mặc dù sở hữu những lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, năng động, có khả năng học hỏi,thích nghi nhanh với sự thay đổi, nhưng chuyên gia cũng nhận thấy để khoa học, đổi mới sáng tạo trở thành bước đột phá, trước tiên, chúng ta phải cung ứng đủ được nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Việt Nam có nhiều người trẻ, nhưng vẫn đối mặt với thiếu hụt lao động có tay nghề cao và chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và quản lý. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Muốn đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, không còn con đường nào khác ngoài đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại biểu nhìn nhận những "điểm nghẽn" hiện nay, đó là mặc dù đã nỗ lực cải thiện, nhưng năng suất lao động trong nhiều năm vẫn còn ở mức rất thấp. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2024 ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động.

Mặc dù vậy, trước đó, chúng ta có 3 năm liên tiếp không đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Cụ thể, năm 2021, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% so với mục tiêu 4,8%; năm 2022 đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,2%; năm 2023 ước đạt 3,8-4,8% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%.

Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Chiến lược dài hạn cho vị thế quốc gia- Ảnh 2.

Mối liên hệ giữa tăng GDP và tăng năng suất lao động (Nguồn: Tổng cục thống kê).

Chưa kể đến, số lượng lao động qua đào tạo, được cấp chứng chỉ và trở thành lao động có tay nghề cao vẫn rất hiếm hoi. Việt Nam cũng đang dần bước qua thời kỳ có lợi thế cạnh tranh về dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ.

Mục tiêu Nghị quyết 57 đặt ra là đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người/1 vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm…

Đại biểu cũng cho rằng phải rất nỗ lực để đạt được con số trên, bởi, hiện nay sinh viên đại học theo học các ngành STEM chưa được như kỳ vọng.

Năm 2024, quy mô đào tạo STEM cả nước có tăng khoảng gần 11% so với năm 2023, tương ứng với trên khoảng 62.000 sinh viên theo học các ngành STEM. Số sinh viên học STEM hiện nay đang ở mức khoảng 55 sinh viên/một vạn dân, tương ứng chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo. Trong khi đó, đối với Singapore, tỉ lệ này đang khoảng 46% sinh viên đang học trong các ngành STEM, Hàn Quốc khoảng 35%, Phần Lan khoảng 36% và Đức khoảng 40%.

Trước những thách thức đặt ra, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh vai trò của giáo dục đào tạo để giải quyết bài toán chất lượng lao động.

"Không thể xây dựng được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nếu tách rời trách nhiệm của giáo dục đào tạo. Dù là ở phổ thông, đại học, sau đại học hay đào tạo nghề, giáo dục luôn là khâu then chốt, là nền tảng để hình thành nên một lực lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước", vị đại biểu chia sẻ.

Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Chiến lược dài hạn cho vị thế quốc gia- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, giải pháp này cần thời gian, qua một quá trình đào tạo dài hạn, không thể hôm nay đầu tư cho giáo dục, ngày mai có ngay nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính bởi vậy, bà Nga cho rằng cần phải kết hợp rất nhiều giải pháp trước mặt. Trước tiên, cần có chế độ, chính sách thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Với khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau với mức thu nhập ổn định. Đây được cho là một trong những lực lượng, đặc biệt đối với những nhà khoa học, du học sinh, cần có những chính sách quan tâm, thu hút hiền tài, để họ trở về Việt Nam tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo đất nước.

Ngoài ra, phải có năng lực dự báo, đi trước nhu cầu thị trường lao động trong quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng thể chế.

"Chúng ta mới chỉ đào tạo những gì đang có sẵn, mà chưa tập trung vào đào tạo cái xã hội cần. Phải có tầm nhìn dài hạn, dự báo được xu hướng phát triển để chuẩn bị nhân lực từ sớm. Đặc biệt, trong đào tạo nghề và định hướng giáo dục đại học, nếu không gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường, với doanh nghiệp, thì việc đào tạo chỉ là lý thuyết, không hiệu quả", bà Nga đề xuất giải pháp.

Về mặt hành lang pháp lý cũng cần được điều chỉnh đi trước một bước, đại biểu nhận thấy, nếu luật chưa quy định thì các cơ sở đào tạo đại học dù phát hiện, đánh giá được nhu cầu thị trường, nhưng rất khó có thể mở ngành hay tiên phong đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ quan tham mưu phải rất nhanh nhạy trong mọi lĩnh vực, chỉ ra được xu hướng, lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, ở từng giai đoạn cụ thể.

Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.