Vợ chồng chị Minh (35 tuổi), trú tại Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng đều ở Hòa Bình xuống Hà Nội học và lập nghiệp. Chồng chị làm nhân viên kỹ thuật ở quận Đống Đa, còn chị làm nhân viên kinh doanh cho một doanh nghiệp ở Ba Đình.
“Hai vợ chồng đều học Đại học ở Bắc Từ Liêm nên từ thời sinh viên đã ở trọ ở khu phố Nhổn. Sau này ra trường, mặc dù xin được việc ở xa, cách khu trọ hơn chục km nhưng vẫn chọn ở khu đó vì phòng trọ giá rẻ, lại thoáng đãng”, chị Minh kể.
Sau hơn 8 năm lấy nhau, đi làm và tích cóp, hai vợ chồng chị tiết kiệm được gần 500 triệu đồng và quyết định tìm mua đất ở Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội), cách chỗ chị thuê trọ khoảng 6km vào năm 2015.
Mảnh đất 2 mặt ngõ được chị Minh bán năm 2018.
Theo chị Minh, mảnh đất anh chị mua ô tô đỗ cách đó chừng 10 mét, hai mặt rất thoáng mặc dù chỉ rộng 32m2. “Hai vợ chồng tôi mua để đó, dự định tích cóp thêm tiền rồi sẽ xây nhà”, chị Minh nhớ lại.
Năm 2018, sau khi tích cóp thêm được hơn 200 triệu cùng sự giúp đỡ của hai bên nội, ngoại, vợ chồng chị Minh quyết định xây nhà.
“Tôi đã đi hỏi thăm hàng xóm về thủ tục kéo điện, lắp nước, nhờ cả bạn bè giới thiệu người thiết kế căn nhà. Vậy mà hai vợ chồng lại quyết định bán đất để mua nhà nội thành chỉ trong một tháng”, chị Minh nói.
Theo chị Minh, vợ chồng chị quyết định bán đất mua nhà nhanh như vậy là vì nghĩ rằng từ Hoài Đức đến chỗ hai vợ chồng làm quá xa, việc di chuyển mỗi ngày mất hàng giờ đồng hồ, chưa kể tắc đường, khói bụi, nắng, mưa. Nhà xa, ngày nào hai vợ chồng cũng phải nhờ hoặc thuê người đón con vì về muộn.
Hơn nữa, mảnh đất hai vợ chồng chị mua với số tiền 485 triệu đồng, sau 3 năm đã tăng lên 960 triệu đồng. Trong khi đó, căn nhà chị định mua đã xây sẵn, gồm 3 tầng, 1 tum, 2 phòng ngủ lại ở nội thành, cách công ty của hai vợ chồng trong bán kính chỉ 2-3km.
Bán mảnh đất ngoại thành, vợ chồng chị Minh mua được nhà nội đô, thuận tiện đi lại. (Ảnh minh hoạ).
“Có nhà sẵn ở không phải vất vả xây, sổ đỏ đàng hoàng, giá chỉ 1,3 tỷ đồng, hầu như mua nhà hai vợ chồng không phải vay thêm họ hàng, nội ngoại nên tôi quyết luôn”, chị Minh cho hay.
Vợ chồng chị Minh mua được căn nhà nội thành, chuyển từ căn phòng trọ 20m2 chật hẹp ra ngôi nhà 3 tầng, đi làm chỉ mất từ 10-15 phút di chuyển. Hơn nữa, cuối tuần hay lúc rảnh rỗi, cả gia đình có thể đi Bờ Hồ, Lăng Bác hay Hoàng Thành Thăng Long chơi bất kỳ lúc nào mà không ngại đường xa.
Tuy nhiên, càng ở đâu, chị Minh càng nhận thấy những điểm hạn chế của ngôi nhà này khiến chị hối hận.
“Ngôi nhà mặc dù cách mặt phố Đội Cấn chỉ chừng vài chục mét nhưng lối vào chỉ một xe máy đi vừa nên tất cả các hộ trong ngõ đều phải gửi xe bên ngoài. Mỗi khi có hàng hóa gửi đến, tôi đều phải đi bộ để ra lấy”, chị Minh nói.
Những ngôi nhà cũ kỹ nằm sâu trong hẻm nhỏ, thiếu ánh sáng và chật hẹp. (Ảnh minh hoạ).
Chưa kể, khi chị Minh sinh thêm đứa con thứ 2, cần tắm nắng hàng ngày thì chị nhận ra cả căn nhà chỉ mỗi tum tầng 4 mới có ánh nắng chiếu vào. Hơn nữa, căn nhà mặc dù có 3 tầng nhưng diện tích sàn chỉ 14m2.
“Nhà giữa phố nhưng không ai chơi với ai, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm cả ngày, không vui như ở ngoại thành. Chưa kể, cả khu đều xây dựng đã lâu nên cực kỳ bụi bặm. Hầu như ngày nào cũng lau chùi nhưng vẫn thấy một lớp bụi mỏng bám trên đồ dùng gia đình. Tất cả tổng hợp lại khiến tôi cảm thấy bí bách, khó chịu vô cùng”, chị Minh thở dài
Vừa qua, khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ khiến 56 người tử vong đã khiến chị càng thêm hối hận khi bán mảnh đất rộng rãi, thoáng mát ở Hoài Đức để mua căn nhà cũ có diện tích nhỏ, lối đi vào chật hẹp ở nội thành.
“Căn nhà của tôi đang ở, bây giờ nếu bán cũng rất khó. Có bán được thì giá hầu như không tăng nhưng mảnh đất tôi bán đi cách đây 5 năm ở Hoài Đức thì giá đã tăng gấp đôi rồi. Hai vợ chồng càng nghĩ càng thấy tiếc và hối hận vì quyết định năm đó của mình”, chị Minh buồn rầu nói.
Nhiều gia đình vẫn lựa chọn tìm mua căn hộ ở sâu trong các ngõ, ngách tại nội thành vì thuận tiện cho việc đi lại, sinh sống. (Ảnh minh hoạ).
Theo TS. Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, khi mua nhà, người mua thường quan tâm đến nhu cầu thực tế của bản thân, không phụ thuộc vào thị trường lên hay xuống.
“Đã là nhu cầu thực tế, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện mưu sinh, sinh hoạt của cả gia đình thì đắt họ cũng mua vì gần chỗ kiếm tiền, gần chỗ mưu sinh, gần bố mẹ hoặc thuận tiện cho con cái đi học. Khi nhu cầu của bản thân tăng lên, không còn cảm thấy phù hợp thì có thể bán bất động sản này đi để mua bất động sản khác”, ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, tầm tiền trên dưới 1 tỷ thì có thể vay mượn thêm rồi tìm mua những ngôi nhà cũ, diện tích nhỏ, ở sâu trong ngõ ngách tại các quận nội thành hoặc những căn chung cư thương mại ở ngoại thành có xác định quyền sở hữu.
“Tuỳ thuộc vào thu nhập và điều kiện hoàn cảnh của mình để mua nhà cũ có thể cải tạo hoặc những căn chung cư ở xa. Tránh mua bất động sản bằng cảm xúc và vay mượn quá khả năng tài chính của mình”, TS. Nguyễn Hữu Cường nhận định.
Tấn Phát