Xây dựng ngân hàng câu hỏi tốt nghiệp THPT: Tránh việc học để đi thi

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 3, 12/12/2023 08:57

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đánh giá năng lực của học sinh thay vì chỉ kiểm tra kiến thức như trước kia, điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn đối với đề thi.

Ngay sau khi công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng ngân hàng đề thi và cấu trúc, định dạng để có thể công bố đề minh họa cho kỳ thi này. Với sự thay đổi về cách thức kiểm tra, đánh giá việc xây dựng bộ đề thi chương trình mới đòi hỏi rất nhiều sự đổi mới và khắc phục những hạn chế của phương thức cũ.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Chí Trung - Trưởng bộ môn Phương pháp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời cũng là tác giả sách Tin Học lớp 10 Cánh Diều đánh giá cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng câu hỏi đề thi khi Tin học vì đây là môn lần đầu tiên được lựa chọn để thi tốt nghiệp.

“Trước hết phải xác định, giới hạn nội dung kiến thức thi, sau đó xác định dạng thức câu hỏi trong đề thi. Câu trúc đề thi và dạng câu hỏi là hai nội dung quan trọng khi xây dựng ngân hàng đề thi, sao cho những yếu tố này đảm bảo các nguyên tắc kiểm tra được năng lực và kiến thức của học sinh”, ông Trung bày tỏ.

Theo chuyên gia, hiện nay việc xét đại học ngoài lấy điểm tốt nghiệp thì điểm học tập tại trường THPT cũng rất quan trọng vì vậy cần xem xét nội dung nào đưa vào đề thi tốt nghiệp, phần còn lại có thể dùng để kiểm tra trong các kỳ thi định kỳ.

Giáo dục - Xây dựng ngân hàng câu hỏi tốt nghiệp THPT: Tránh việc học để đi thi

Ông Nguyễn Chí Trung - Trưởng bộ môn Phương pháp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Một yếu tố nữa cần phải được quan tâm, do vì Chương trình GDPT 2018 chú trọng đến phát triển các phẩm chất, năng lực của học sinh cho nên bài toán đặt ra đề thi cũng cần phải đánh giá được điều này

Ông Nguyễn Chí Trung chia sẻ: “Với chương trình cũ chú trọng kiểm tra kiến thức nhưng hiện nay đòi hỏi các em phải biết vận dụng kiến thức để giải quyết bối cảnh thực tiễn. Điều này cũng là thách thức cho người ra đề, nếu ra chỉ để kiểm tra kiến thức thì không khó, điều quan trọng là đánh giá được năng lực của học sinh”.

Ngoài ra, cũng vẫn cần có những câu hỏi liên quan đến kiến thức thuần tuý bởi ông Trung cho rằng nếu xây dựng câu hỏi phù hợp thì thông qua những câu lý thuyết vẫn sẽ phản ánh được các năng lực của học sinh.

Cũng đồng quan điểm, thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho rằng ngành Giáo dục cần thiết kế đề thi phù hợp, xây dựng phương án tổ chức thi chặt chẽ, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để hạn chế sự can thiệp tiêu cực của con người.

Ngoài ra, dù là chương trình mới nhưng các bài kiểm tra, đánh giá của các trường, các Sở GD&ĐT hiện nay chưa có thay đổi gì nhiều, cơ bản vẫn như cũ dẫn đến rất khó để thay đổi cách dạy, cách học.

Giáo dục - Xây dựng ngân hàng câu hỏi tốt nghiệp THPT: Tránh việc học để đi thi (Hình 2).

Ông Trần Mạnh Tùng cho rằng cần xây dựng ngân hàng đề thi đáp ứng đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

"Do đó, Bộ GD&ĐT cần bắt tay ngay vào việc xây dựng, biên soạn ngân hàng đề thi đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Việc làm này rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc trong khi chúng ta chỉ còn hơn một năm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025", ông Trần Mạnh Tùng cho biết.

Cũng theo chuyên gia nhiều năm nay, chúng ta vẫn chủ yếu học để thi và thi gì học nấy, giờ dây cần quay về mục đích ban đầu của nó là học gì thi nấy. Đây là bài toán khó nhất, song nhất định phải làm, nhiều nước tiến bộ cũng đã làm được.

Ông Trần Mạnh Tùng bày tỏ: “Cần thay đổi dần cách đánh giá trong nhà trường, xây dựng ngân hàng đề thi để học sinh không cần học tủ, không cần luyện thi từ đó thay đổi cách dạy và cách học.

Tiếp theo, cần thay đổi nhận thức của người học, của xã hội về mục đích của việc học: Học để hiểu, học để làm được, vận dụng được, học cho bản thân mình. Đây là một quan niệm tích cực, học tập để tiến bộ chứ không phải chỉ để vượt qua một kì thi, thi xong thì … không còn gì”.

Sáng 11/12, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khai mạc chương trình tập huấn chuyên môn về khảo thí cho các cán bộ, giảng viên, giáo viên trên phạm vi cả nước.

Chương trình tập huấn nhằm mục đích nâng cao năng lực công tác khảo thí cho ngành giáo dục Việt Nam nhất là các Kỳ thi cấp Quốc gia.

7 phiên đào tạo sẽ tập trung vào các nội dung: Hỏi đáp về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Việt Nam; tổng quan các khái niệm về tâm trắc học; tiêu chuẩn về chất lượng và công bằng của ETS; phương pháp thiết kế đề thi lấy bằng chứng làm trung tâm; phương pháp phát triển bài thi; viết câu hỏi trắc nghiệm; đánh giá chất lượng câu hỏi; mô hình tạo đề thi từ ngân hàng câu hỏi thi.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.