Đầu ngày 28/10, quân đội Ukraine đã công bố trên Facebook một bản tóm tắt về tình hình ở Kherson, nơi các lực lượng Ukraine và Nga đã chuẩn bị trong nhiều tuần cho một trong những trận chiến ác liệt nhất kể từ đầu cuộc xung đột.
Trong ngày qua, các lực lượng Ukraine đã bao vây Kherson từ phía Tây và tấn công căn cứ của Nga ở hữu ngạn (bờ Tây) sông Dnipro (còn gọi là sông Dnepr)
Trong số 4 khu vực mà Tổng thống Vladimir Putin gần đây tuyên bố sáp nhập vào Liên bang Nga, Kherson được cho là quan trọng nhất về mặt chiến lược. Nó kiểm soát cả tuyến đường bộ duy nhất đến bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 và cửa sông Dnipro, con sông rộng lớn ngăn cách khu vực này với phần còn lại của Ukraine.
Nga đã kêu gọi người dân ở Kherson sơ tán đến khu vực an toàn hơn trước khi Ukraine tiến hành phản công.
Người đứng đầu chính quyền Crimea, ông Sergey Aksyonov, cho biết trên dịch vụ nhắn tin Telegram rằng công tác sơ tán người dân Kherson đến các vùng của Nga đã hoàn tất.
Ông cũng cho biết, ông Sergei Kiriyenko, Phó Chánh Văn phòng thứ nhất của ông Putin, đã đến thăm Kherson, dừng lại ở bến phà nơi hàng trăm người đang được sơ tán.
Ông Kiriyenko, một trong những quan chức quyền lực nhất Điện Kremlin, người đồng thời là cựu giám đốc công ty điện hạt nhân Rosatom, cũng đã gặp gỡ các nhân viên tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gần đó.
Trong khi đó, quân đội Ukraine cho biết trong bài đăng trên Facebook hôm 28/10 rằng các lực lượng của họ ở Kherson đã tiêu diệt 44 quân nhân Nga trong 24 giờ qua, đồng thời phá hủy một kho đạn và một nhà chứa máy bay có trang thiết bị.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cho biết địa hình khó khăn và thời tiết xấu đã cản trở bước tiến của họ ở Kherson.
Hôm 27/10, nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh thân cận của ông Putin, cho biết 23 binh sĩ Chechnya đã thiệt mạng và 58 người bị thương trong một cuộc tấn công bằng pháo của Ukraine trong tuần này ở Kherson. Sau cuộc tấn công, lực lượng Chechnya đã tiêu diệt khoảng 70 binh sĩ Ukraine, ông Kadyrov nói.
Reuters không thể xác minh các báo cáo chiến trường.
“Chưa từng có tiền lệ”
Một quan chức của Moscow vừa ra cảnh báo nhắm vào các vệ tinh thương mại phương Tây đang hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Điều này làm dấy lên tranh cãi xung quanh việc bảo vệ an toàn cho các vật thể trên quỹ đạo.
Phát biểu tại một sự kiện không gian tại LHQ hôm 26/10, ông Konstantin Vorontsov, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại về “xu hướng cực kỳ nguy hiểm” đang nổi lên hàng đầu trong cuộc xung đột ở Ukraine: Mỹ và các đồng minh đã và đang sử dụng “các yếu tố của cơ sở hạ tầng không gian dân sự, bao gồm cả thương mại, cho các mục đích quân sự”.
Ông cảnh báo rằng “cơ sở hạ tầng bán dân sự như vậy có thể được coi là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa”. Ông Vorontsov kêu gọi thảo luận quốc tế về tình hình để ngăn chặn “một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn trong không gian”.
Các chuyên gia cho rằng một cuộc tấn công nhằm vào các vệ tinh thương mại trong cuộc chiến ở Ukraine có thể làm leo thang căng thẳng giữa Nga và Mỹ.
“Đây là một lời đe dọa hoàn toàn mới mẻ đối với chúng tôi”, bà Michelle Hanlon, đồng giám đốc chương trình Luật Hàng không và Vũ trụ của Đại học Mississippi, cho biết. “Luôn có cảm giác rằng điều này có thể xảy ra, nhưng chưa ai từng thực sự nói ra thành tiếng về nó như thế này”.
Quân đội Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào công ty SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk về Internet băng thông rộng được truyền từ mạng vệ tinh Starlink trên quỹ đạo thấp của Trái đất. Các công ty Mỹ như Maxar đang ghi lại hình ảnh cuộc chiến từ vệ tinh trên quỹ đạo. Và hàng chục nghìn thiết bị liên lạc ở Ukraine dựa vào mạng truyền thông vệ tinh của công ty Mỹ Iridium.
Theo luật xung đột vũ trang, cuộc tấn công của Nga vào vệ tinh của một công ty tư nhân của Mỹ có thể được coi là một hành động chiến tranh mà Mỹ có thể đáp trả, bà Hanlon nói.
Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết hôm 27/10 rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng của Mỹ sẽ được đáp trả, nhưng ông không đi vào chi tiết.
Ông Brian Weeden, một nhà phân tích chính sách không gian tại Secure World Foundation, cho biết các khía cạnh pháp lý của tất cả những điều này thực sự rất khó hiểu vào lúc này, đơn giản vì nó là “chưa từng có tiền lệ”.
Một số diễn biến khác
Hàn Quốc chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết hôm 28/10, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo về những hậu quả tiêu cực đối với quan hệ hai nước nếu Seoul gửi vũ khí cho Ukraine. “Chúng tôi đã cung cấp nhân đạo và hỗ trợ hòa bình cho Ukraine nhưng không bao giờ có vũ khí sát thương”, ông Yoon nói với các phóng viên. “Đó là vấn đề chủ quyền, và chúng tôi đang cố gắng duy trì quan hệ hòa bình với tất cả các nước trên thế giới, bao gồm cả Nga”.
Moscow cho rằng các điều khoản của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga đã không được đáp ứng, và họ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc liệu thỏa thuận có nên được gia hạn hay không. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nói với các phóng viên hôm 27/10 rằng phương Tây đã không thực hiện các bước đầy đủ để giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với các ngành hậu cần, thanh toán và bảo hiểm của Nga để tạo điều kiện cho xuất khẩu của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 27/10 cho biết Mỹ chưa thấy bất cứ dấu hiệu gì cho thấy cuộc tập trận hạt nhân thường niên “Grom” (Sấm sét) của Nga có thể là vỏ bọc cho một đợt triển khai vũ khí hạt nhân thực sự. Ông Austin nói với các phóng viên: “Chúng tôi chưa thấy bất cứ điều gì khiến chúng tôi tin rằng, tại thời điểm này, đó là một loại hoạt động vỏ bọc”.
Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành thắt chặt luật quản lý việc buôn bán và vận chuyển súng để giúp ngăn chặn vũ khí bị buôn lậu tới tay các băng nhóm tội phạm trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu vũ khí, hãng tin AP cho biết hôm 2/10. Theo AP, Ủy ban châu Âu - Cơ quan điều hành EU - ước tính rằng khoảng 35 triệu vũ khí lậu đang nằm trong tay dân thường trên toàn khối 27 quốc gia. Khoảng 630.000 khẩu súng được liệt vào danh sách bị đánh cắp trên cơ sở dữ liệu an ninh và biên giới của EU.
Lầu Năm Góc đang gửi cho Ukraine gói vũ khí mới trị giá 275 triệu USD và các khoản viện trợ khác, trong một động thái nhằm thúc đẩy nỗ lực đánh bật các lực lượng Nga ra khỏi các khu vực quan trọng ở miền Nam khi mùa đông đang cận kề, các quan chức Mỹ cho biết hôm 27/10. Các vị quan chức này cũng cho biết, không có loại vũ khí mới nào trong gói viện trợ này, dự kiến sẽ được công bố trong ngày 28/10. Thay vào đó, viện trợ của Mỹ chủ yếu nhằm vào việc dự trữ hàng nghìn viên đạn cho các hệ thống vũ khí đã có ở Ukraine, bao gồm cả Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao, được gọi là HIMARS, mà Ukraine đã sử dụng thành công trong cuộc phản công chống lại Nga.
Minh Đức (Theo Reuters, The Guardian, AP)