Tăng trưởng 40% trong tháng 3/2022
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) tôm trong tháng 2/2022 đạt 244,8 triệu USD, tăng 55% so với tháng 2/2021, tính chung, 2 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt gần 558 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm 2 tháng đầu năm nay có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ các năm trước đó. Đáng chú ý, XK tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... trừ thị trường Nga do bị gián đoạn trước tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Bên cạnh tín hiệu lạc quan của những ngày đầu năm 2022, ngành xuất khẩu tôm vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch.
Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh. Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; giá cước vận chuyển vật tư tăng cao.
Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Hệ thống cấp, thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.
Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Công tác đăng ký nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hệ lụy là thiếu nhân công, giá vật tư tăng cao, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất vẫn tồn tại.
Năm 2022, ngành thủy sản phấn đấu sản xuất khoảng 260.000 - 270.000 con tôm bố mẹ (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000 con, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con). Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn, còn lại là tôm khác.
Hương Anh (Tổng hợp)