Xuất khẩu tôm trong 2 tháng cuối năm chưa thể phục hồi

Xuất khẩu tôm trong 2 tháng cuối năm chưa thể phục hồi

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 6, 24/11/2023 10:54

VASEP đánh giá, từ cuối quý III, giá tôm nguyên liệu trong nước đã tăng lên do tác động cung cầu trong nước, chưa phản ánh được sự ấm lên từ các thị trường tiêu thụ.

Dẫn số liệu từ Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, tính tới tháng 10/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 10, xuất khẩu tôm đạt 318 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ.

VASEP cho biết, nhu cầu thị trường thấp, lạm phát, tồn kho tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, xung đột ở Đông Âu và Trung Đông là những yếu tố ảnh hưởng không tốt tới xuất khẩu tôm của Việt Nam và xuất khẩu tôm toàn cầu trong năm nay. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu và giá xuất khẩu đều giảm, càng làm tăng thêm thách thức cho cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến. 

Từ cuối quý III năm nay, giá tôm nguyên liệu trong nước đã có dấu hiệu nhích lên. Các chuyên gia nhận định, đây là tin vui cho bà con nông dân, tuy nhiên giá tăng chủ yếu do tác động cung-cầu trong nước, chứ chưa phản ánh được nhiều sự ấm lên từ các thị trường tiêu thụ.

Tháng 10/2023, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng dương ở các thị trường như Mỹ, Canada, Bỉ, Đài Loan, Thụy Sỹ. Các thị trường nhỏ như Đài Loan, Thụy Sỹ được đánh giá tốt khi xuất khẩu sang 2 thị trường này tăng trưởng dương lần lượt 21% và 11% trong 10 tháng đầu năm nay.

Các chuyên gia VASEP nhận định, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 21% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Kể từ tháng 7 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số, liên tục đến tháng 10. 

Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay vẫn giảm 20% đạt 589 triệu USD do mức sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm nay. Mỹ là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong 4 tháng.

Tính chung 3 quý đầu năm, Mỹ nhập khẩu 575.538 tấn tôm, trị giá 4,7 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình của 9 tháng đầu năm đạt 8,25 USD/kg, giảm 12% so với cùng kỳ.

Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đang tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm, dự kiến 2 tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng.

Bên cạnh đó, VASEP cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 10/2023 đạt 63 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng dương trong 3 tháng liên tục từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại mức giảm trong tháng 9 và 10. 

Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính, với mức sụt giảm 5% đạt 517 triệu USD trong 10 tháng của năm 2023.

Theo chuyên gia VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Trung Quốc không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Ecuador. Trong khi, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc đang có xu hướng chững lại do giá xuất khẩu giảm quá mạnh. Điều này có thể hỗ trợ cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng cuối năm nay lấy lại được đà tăng trưởng dương. Theo số liệu của ITC, nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đạt 5,7 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam trong 2 tháng cuối năm nay vẫn chưa thể phục hồi tăng trưởng dương mặc dù mức sụt giảm sẽ có phần thu hẹp lại so với các tháng trước đó.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.