Xúc tiến thương mại và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 4, 20/12/2023 17:25

Trong 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Trung Quốc đạt 155,8 tỷ USD, dự báo cả năm 2023, thương mại hai chiều sẽ đạt mức như năm 2022.

Thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 20/12, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Thương mại Vân Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam).

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Việc gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu, tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù đại dịch Covid-19 và những xung đột bất ổn của tình hình thế giới đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì ổn định và kinh tế đã phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan.

Hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Kinh tế vĩ mô - Xúc tiến thương mại và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

 Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương (Ảnh: MOIT).

Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 155,8 tỷ USD, dự báo cả năm 2023 thương mại hai chiều sẽ đạt mức kim ngạch như hai Bên đã đạt được trong năm 2022.

Song ông Hải đánh giá, tuy có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng với dân số 47 triệu người, nhưng hợp tác tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với Vân Nam còn chưa xứng với tiềm năng của hai bên, năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Vân Nam mới chỉ đạt 3,2 tỷ USD và trong 10 tháng năm 2023 thương mại hai chiều chỉ đạt 2,2 tỷ USD, chiếm tỉ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Thông tin tại Hội nghị, ông Đàm Vỹ - Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam là một quốc gia quan trọng tại châu Á, đồng thời cũng là nước thành viên quan trọng của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và RCEP (Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực).

Thương mại Vân Nam - Việt Nam từ 17,74 tỷ năm 2016 tăng trưởng ổn định đến 35,21 tỷ Nhân dân tệ năm 2020, tăng trường bình quân năm là 18,7%, từ năm 2021 đến nay, tuy nhiên do ảnh hưởng của Covid-19, thương mại song phương đang giảm xuống.

Kinh tế vĩ mô - Xúc tiến thương mại và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Hình 2).

11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 155,8 tỷ USD (Ảnh: VGP).

Trong năm 2023, thương mại Vân Nam - Việt Nam liên tục hồi phục, tháng 1 đến tháng 10 kim ngạch xuất khẩu đạt 15,174 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 14,45% tổng kim ngạch thương mại giữa Vân Nam và các nước thanh viên RCEP.

Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, cho đến tháng 11/2023, Vân Nam có 53 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp loại phi tài chính; tổng kim ngạch đầu tư theo thỏa thuận của phía Trung Quốc là 360 triệu Nhân dân tệ, tổng kim ngạch đầu tư luỹ kế thực tế là 220 triệu Nhân dân tệ với các lĩnh vực đầu tư chính là ngành chế tạo, nông nghiệp và khai khoáng.

Cũng tại Hội nghị, Ban Tổ chức tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Có khoảng 80 công ty, tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia hội nghị.

Tại đây đã diễn ra Lễ ký kết 3 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về lĩnh vực nông sản, thực phẩm. Thông qua việc kết nối, trao đổi này, các doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu xuất, nhập khẩu của nhau, xác định được đối tác tiềm năng, để từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.