Đà giảm giá của cà phê chậm lại
Theo báo Công Thương, tháng 6/2024, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới đồng loạt giảm mạnh so với cuối tháng 5/2024.
Dưới góc nhìn của giới phân tích kỹ thuật, thực chất đây là thời điểm thanh lý vị thế trước khi tháng 7 hết thời hạn giao dịch. Với một khối lượng đã mua vào tương đương với một nửa sản lượng của Việt Nam, thị trường khó mà giữ được sự ổn định giữa các đợt thanh lý và ngừng thanh lý.
Tuy nhiên, thị trường xuất hiện yếu tố kéo đà giảm của cà phê chậm lại. Hiện nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). EUDR được đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng trong đó có cà phê.
Trên thị trường, sau đợt điều chỉnh giảm 30% vào cuối tháng 4, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch liên lục địa (ICE-EU) đã nhanh chóng quay về mức đỉnh lịch sử, trên 4.000 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam tính đến ngày 9/7 đã tăng hơn 25% so với đáy điều chỉnh vào đầu tháng 5, vượt lên mức 122.000 đồng/kg.
Giá cà phê trở lại mức cao chủ yếu do lo ngại nguồn cung thắt chặt từ hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam. Tại Việt Nam, mưa từ đầu tháng 5 không đủ để giải tỏa hoàn toàn áp lực thiếu nước do nắng nóng kéo dài 4 tháng đầu năm. Sản lượng cà phê vụ 2024 - 2025 dự kiến giảm 10 - 16% so với vụ hiện tại, xuống mức thấp nhất trong 13 năm.
Kỳ vọng sẽ đem lại niềm vui cho người trồng cà phê
Thương hiệu và Công Luận dẫn thông tin từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín tới đây sẽ giảm dần, do nguồn cung dần hết. Phải chờ sang tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại.
Theo thông tin mới nhất từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), giá hai mặt hàng cà phê tăng vọt ngay phiên giao dịch đầu tuần.
Trong khí đó, nguồn tin từ Reuters cho hay: Sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2024-2025 có thể giảm tới 16% so với vụ hiện tại do nắng nóng cực độ tại vùng trồng cà phê Tây Nguyên từ tháng Ba đến đầu tháng Năm. Như vậy, sản lượng vụ mới khả năng cao sẽ là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
Cũng mới đây, Tổng cục Thống kê ước tính, xuất khẩu cà phê trong tháng Sáu của Việt Nam chỉ ở mức 85.000 tấn, giảm mạnh 40% so với cùng kỳ năm 2023 và là tháng đi xuống thứ ba liên tiếp. Tính chung trong nửa đầu năm 2024, nước ta mới xuất đi 902.000 tấn cà phê, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Giới thương nhân cho rằng, tình trạng xuất khẩu ảm đạm và khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam có thể kéo dài đến tháng 11 năm nay, khi vụ mới bắt đầu thu hoạch.
Ghi nhận trong sáng nay (9/7), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng mạnh, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 125.900 – 127.100 đồng/kg.
Trước tình hình này, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín tới đây sẽ giảm dần, do nguồn cung dần hết. Phải chờ sang tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại. Nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt, trong khi các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê quý III dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Cộng thêm nguồn cung cà phê các nước xuất khẩu lớn trên thế giới giảm do thời tiết như Brazil sẽ khiến giá cà phê có xu hướng tăng trong thời gian tới, theo VICOFA.
Những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ đem lại “niềm vui” cho người dân trồng cà phê. Nếu so với những thời điểm cà phê dao động ở mức giá 30.000 - 40.000 đồng/kg vào những năm trước, giá cà phê hiện nay đã tăng gấp ba lần và được xem là mùa vàng của cây cà phê. Với giá cao, nhiều nông dân đang hồ hởi tăng cường đầu tư phân bón, cải tạo vườn, mở rộng diện tích vùng trồng… nhằm gia tăng sản lượng.
Đào Vũ (T/h)