Sáng nay (20/9), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi tốt nghiệp THPT 2023, triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT 2024.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.
Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức Kỳ thi khách quan, công bằng.
Kỳ thi năm nay có hơn 1 triệu thí sinh dự thi nhưng Bộ GD&ĐT đã làm triển khai sớm liên tục và xuyên suốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình chuẩn bị, tổ chức và chấm thi.
Về đề thi, theo đánh giá của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các ý kiến phản ánh về đề thi một số môn thi. Bộ đã yêu cầu các Tổ ra đề của Hội đồng ra đề thi rà soát để có giải trình cụ thể. Kết quả rà soát cho thấy đáp án của đề thi các bài/môn thi không thay đổi, ngoại trừ việc chấp nhận có 2 đáp án đúng trong một câu hỏi của đề thi bài thi môn tiếng Anh.
Với đề thi môn Lịch sử do khai thác ngữ liệu sách giáo khoa hiện hành chưa thật chặt chẽ trong một câu hỏi nhưng về cơ bản nội dung hỏi vẫn bảo đảm đúng mục đích và cấp độ đánh giá nên không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh.
Đối với mức điểm thi năm nay, Bộ GD&ĐT đánh giá qua phân tích phổ điểm cho thấy: Các số liệu thống kê cơ bản không thay đổi so với năm 2022; đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp.
Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền: các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đạt kết quả cao hơn; các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ có kết quả cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây bắc, một số tỉnh Tây Nguyên...
Phổ điểm năm nay cùng hai năm trước tương đối ổn định. Điều này nói lên việc ra đề của Bộ GD&ĐT khá chắc chắn, tạo sự ổn định cho xã hội, cho học sinh, phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học. Các môn toán, vật lý, hóa học phổ điểm không thay đổi so với các năm trước.
Môn Giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi thể hiện năng lực của học sinh, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân của học sinh đã tốt hơn. Từ kết quả kỳ thi cho thấy Kỳ thi ổn định và dần dần đã có những cải tiến để tốt hơn. Đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc là 98,88%.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết những hạn chế của kỳ thi năm nay khi trong quá trình coi thi, còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi.
Việc điều động giảng viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.
Một số Sở GD&ĐT chưa thực sự chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, vẫn còn tình trạng xin ý kiến Bộ GD&ĐT những công việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của các Sở GD&ĐT.