Khắc phục bất cập trong công tác lưu trữ
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, ngày 18/9, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ;
Khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật gồm 9 chương, 54 điều (tăng 2 chương 12 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Ông Tùng nêu rõ, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình.
Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 11 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm tinh thần luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Về phạm vi điều chỉnh, ông Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật để “giới hạn” phạm vi điều chỉnh đối với tài liệu lưu trữ tư theo hướng Luật chỉ điều chỉnh đối với “tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt”;
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để đưa tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.
Đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan
Góp ý vào một số nội dung Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật để quán triệt và thế chế hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, xã hội số…
Đồng thời tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các dự án Luật trong lĩnh vực này như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (về việc giải mật bí mật lưu trữ còn nhiều vướng mắc, lúng túng…);
Tiếp tục rà soát Luật Tiếp cận thông tin, tài liệu lưu trữ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng về lưu trữ điện tử, Luật Đầu tư, Luật Phí, lệ phí về hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Bên cạnh đó, cần rà soát tính đồng bộ, thống nhất các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt, Việt Nam là thành viên của một số tổ chức lưu trữ quốc tế như Hội đồng lưu trữ quốc tế, Hiệp hội Lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp…
Về đối tượng áp dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với vấn đề khu vực công, khu vực tư, cá nhân, tổ chức kinh doanh cung cấp hoạt động lưu trữ được đề cập đậm nét trong dự án Luật.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn quy định tại khoản 2 Điều 2 về sở hữu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và lo ngại bị thu hẹp đối tượng áp dụng, phạm vi so với mục đích chúng ta đặt ra, nhất là định hướng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ… Do đó, đề nghị cân nhắc nên bỏ cụm từ “sở hữu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt” tại khoản 2 Điều 2.
Về bố cục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để cấu trúc lại các điều, các chương cho hợp lý, phù hợp hơn. Đồng thời, đề nghị tiếp tục cân nhắc “phát huy tài liệu lưu trữ” thành một chương riêng hay không? Nếu tách thành chương riêng thì đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ lý do tại sao đặt thành chương riêng và thứ tự sắp xếp nên đặt trước hay sau chương về nghiệp vụ lưu trữ. Bên cạnh đó, đề nghị nên quy định chính sách của Nhà nước về lưu trữ tư.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các chương, các điều chưa thống nhất trong dự thảo Luật, càng cụ thể hóa các nội dung càng tốt, tránh quy định chồng chéo. Đồng thời rà soát, xem xét quy định về tài liệu lưu trữ lịch sử; tài liệu điện tử và tài liệu số, về điều khoản chuyển tiếp và áp dụng luật pháp.
Giải trình, làm rõ một số nội dung mà UBTVQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH.
Đặc biệt, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở các vấn đề rất hay, đó là làm sao để xây dựng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ. Muốn được vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, phải thúc đẩy, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
Cho rằng đây là luật chuyên ngành, tính bao trùm rộng, đặc thù, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, là tài nguyên quý giá của quốc gia, dân tộc, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ tiếp thu để hoàn thiện làm sao đảm bảo các nguyên tắc cơ bản nhất trong bối cảnh xu thể toàn cầu hóa, yêu cầu chuyển đổi số.
Việc sửa đổi toàn diện Luật này phải vừa kế thừa, bổ sung, đổi mới, vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, không xung đột, mâu thuẫn, đẩy mạnh chuyển đổi số, lưu trữ số, chú ý hơn xã hội hóa lưu trữ và lưu trữ ở khu vực tư....