Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP tỉnh Bắc Giang đã và đang thổi luồng gió mới cho kinh tế khu vực nông thôn. Nhờ có OCOP mà nhiều mặt hàng, sản phẩm nông sản từ làng xã đã bước ra thị trường, mang lại giá trị kinh tế vượt xa so với trước đây. Cùng với sự định hướng, hỗ trợ, đồng hành của cấp uỷ chính quyền, các ngành chức năng, sự lan toả của chương trình còn đến từ chính các chủ thể sản xuất là doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình.
Lan tỏa chương trình Ocop từ các chủ thể
Trà hoa vàng vốn là cây bản địa, mọc hoang dã trong núi rừng Tây Yên Tử. Theo các nhà khoa học, Trà hoa vàng chứa các hợp chất có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 34%, trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% có thể xem là thành công trong điều trị loại bệnh này. Trà hoa vàng còn có tác dụng giảm triệu chứng xơ vữa động mạch, hạ đường huyết, đột quỵ; giải độc gan, thận; chống viêm, dị ứng; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu… Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (tại thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam) đã kết nối với khoảng vài trăm hộ dân trong vùng để cùng trồng và phát triển loại Trà hoa vàng quý hiếm này. Đồng thời, sản xuất sản phẩm “Trà Hoa Vàng” để cung ứng ra thị trường tới tay người tiêu dùng.
Nhằm mang những giá trị thiên nhiên cốt lõi, đồng thời để bảo tồn và phát triển giống trà hoa vàng Tây Yên Tử, HTX sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh đã nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm thiên nhiên tốt nhất đến tận tay người tiêu dùng, trong đó có sản phẩm trà hoa vàng túi lọc, với phương châm: Không hương liệu, không chất tạo màu, không chất bảo quản! Để những sản phẩm chế biến từ trà hoa vàng giữ nguyên được màu sắc, mùi vị, hàm lượng các chất trong trà mà phương pháp sấy thủ công hoặc sấy điện không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của Trà hoa vàng Hợp tác xã dược liệu Lựu Chanh đã đầu tư máy sấy thăng hoa để phục vụ sản xuất để giữ được cao nhất tinh chất tự nhiên trong hoa và vẻ đẹp bông hoa như còn tươi nguyên. Sản phẩm đóng gói đều có mã QR, logo thương hiệu.
Đến nay, Hợp tác xã có thể đưa ra thị trường khoảng 40.000 sản phẩm, doanh thu trung bình mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng. Trà hoa vàng không chỉ khoe sắc nơi núi rừng Tây Yên Tử mà đã tự tin bước lên hành trình chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Có mặt trên sàn thương mại điện tử shopee, lazada, thương hiệu Trà hoa vàng Tây Yên Tử đang vươn ra thế giới, khẳng định giá trị. Năm 2021, sản phẩm trà hoa vàng của Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Là một trong số các HTX tiêu biểu của tỉnh trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, anh Đặng Huy Phong - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Quyên Phong, thôn Hòa Sơn, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên cho biết: Dựa vào lợi thế nằm trên địa bàn vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh với quy mô lớn, được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; những sản phẩm trái cây của HTX được người tiêu dùng tin tưởng. Đặc biệt sản phẩm Ổi Tân Yên là một điển hình, đây là một sản phẩm chủ lực của HTX đạt tiêu chuẩn VietGap. Để tiếp tục quảng bá thương hiệu sản phẩm Ổi Tân Yên, HTX đã đưa sản phẩm Ổi Tân Yên tham gia đánh giá, phân hạng. Hiện tại Ổi Tân Yên đã có truy xuất nguồn gốc. Bà con nông dân tham gia sản xuất tại HTX cam kết cùng nhau xây dựng thương hiệu ổi sạch, kiên quyết loại bỏ các loại thuốc kích thích tăng trưởng, các loại hóa chất có hại mà cơ quan chức năng cấm sử dụng.
Có thể nói, hiện nay, có nhiều chủ thể HTX có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân. Trong đó, HTX Xuân Hồng là một ví dụ điển hình trong việc nỗ lực xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm “Vải thiều Lục Ngạn”. Ngay từ những năm đầu tiên Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, HTX Hồng Xuân đã đưa sản phẩm “Vải thiều Lục Ngạn” tham gia đánh giá, phân hạng và đạt kết quả 4 sao. Đến nay HTX Hồng Xuân có 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, gồm 01 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao. HTX cũng là một trong những đơn vị được cấp mã số đóng gói xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc hàng năm chiếm 90% sản lượng vải thiều xuất khẩu của cả tỉnh.
Với khát khao tiếp tục nâng cao vị thế sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, tiếp tục quảng bá thương hiệu sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, HTX Hồng Xuân đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao cấp tỉnh lên 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm “Vải thiều Lục Ngạn”.
Phát triển các sản phẩm OCOP bền vững
Năm 2023, kết quả đánh giá phân hạng đợt 1, Bắc giang có thêm 50 sản phẩm đạt chuẩn OCOP nâng tổng số sản phẩm Ocop trên toàn tỉnh hiện có 253 sản phẩm, trong đó có 33 sản phẩm 4 sao, 220 sản phẩm 3 sao, thuộc tốp đầu các tỉnh có số sản phẩm OCOP trên cả nước. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 1 sản phẩm thuộc nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (điểm du lịch sinh thái - văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã (HTX) Thân Trường, huyện Yên Thế); 1 sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân tiềm năng 5 sao và đang được Hội đồng cấp Trung ương tiến hành đánh giá, phân hạng. Về số lượng sản phẩm từng địa phương, tính đến tháng 9/2023, đã có 10/10 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP được công nhận.
Các sản phẩm OCOP được công nhận của tỉnh Bắc Giang phần lớn là các sản phẩm mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Mai… Bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Phúc Hòa; vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo… Các sản phẩm sau khi được xếp hạng đạt chuẩn OCOP phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; có trên 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm. Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp.
Đáng chú ý, Bắc Giang là một trong 5 tỉnh đi đầu cả nước về phê duyệt đề án và triển khai thực hiện Chương trình OCOP một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành và vận dụng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đến hướng dẫn quy trình triển khai, tư vấn sản phẩm, xúc tiến thương mại… Từ khi đi vào hoạt động, Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ cho trên 150 lượt HTX, doanh nghiệp với khoảng 450 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia 10 hội chợ, triển lãm, diễn đàn, sự kiện kết nối cung cầu. Nhiều doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP đã chủ động đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có trên 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối khác.
Để tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP trên thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Tỉnh Bắc Giang cũng hỗ trợ xây dựng 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện Yên Thế, Lục Nam, Việt Yên và TP Bắc Giang. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm như hỗ trợ bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, công bố chất lượng, máy móc thiết bị… qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu Sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch.
Tỉnh Bắc Giang khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương. Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình, kế hoạch, các cơ chế chính sách để hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ, bao bì, máy móc thiết bị… để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch. Trên 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm.
Có thể thấy, Bắc Giang qua nhiều năm triển khai Chương trình OCOP, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai. Bên cạnh kết quả đạt được thì một số địa phương cần mạnh dạn triển khai các mô hình hay, cách làm sáng tạo để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến các chủ thể là doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ dân ở nông thôn. Cũng như hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng các sản phẩm đặc sắc, biến sản phẩm thành quà tặng đặc trưng của địa phương. Để làm được điều đó, cần xây dựng hình ảnh sản phẩm, nâng cao hàm lượng về giá trị văn hóa đối với mỗi sản phẩm. Tập trung các giải pháp nâng cao năng lực, sự chủ động của các chủ thể theo hướng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa. Hướng đến xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là những chủ thể đóng vai trò thúc đẩy sự chủ động, kết nối giữa sản xuất và thị trường, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và manh mún
Đi cùng với các giải pháp trên, tỉnh cũng cần xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm thông qua các hội chợ, diễn đàn, sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, xây dựng các điểm, các cửa hàng giới thiệu, mua bán các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh để giúp các chủ thể quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu…
Hà Anh