Du lịch Tây Ninh - Bài toán giữ chân du khách

Du lịch Tây Ninh - Bài toán giữ chân du khách

Thứ 2, 04/09/2023 | 15:05
0
Dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng Tây Ninh còn thiếu các loại hình kinh tế ban đêm như chợ đêm; các khu vui chơi, giải trí,...nên khó giữ chân du khách.

Theo báo Quân đội nhân dân, Tây Ninh tiếp giáp với Tp.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và có hơn 260km đường biên với nước bạn Campuchia với hai cửa khẩu quốc tế, có hệ thống giao thông khá thuận lợi để kết nối với các địa phương và Campuchia. Đây là tiềm năng để Tây Ninh phát triển du lịch, nhất là du lịch quốc tế. Đặc biệt, Tây Ninh còn có thiên nhiên phong phú, di tích lịch sử văn hóa đa dạng là tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch, như: Du lịch tâm linh tại tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, du lịch về nguồn tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao tại hồ Dầu Tiếng; du lịch mua sắm tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Xa Mát...

Những năm qua, ngành Du lịch Tây Ninh đã khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có; định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, tỉnh xác định được trọng điểm thu hút đầu tư, tập trung phát triển địa điểm du lịch chính tại Khu Di tích Lịch sử Văn hóa-Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen… nhưng vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch theo như kỳ vọng.

Chưa giữ chân được du khách

Chia sẻ với Vietnam+, chị Nguyễn Hoàng Yến (ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết hằng năm, chị cùng gia đình đều tổ chức đi hành hương tại núi Bà Đen và Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Khoảng hơn 3 năm gần đây, ngọn núi này gần như đã “lột xác,” hút khách du lịch gần xa.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trở lại Tây Ninh tham quan, các điểm du lịch nơi đây cũng không thay đổi nhiều; đặc biệt việc tìm kiếm các điểm vui chơi, các món ăn đặc sản của Tây Ninh ngày càng khó khăn hơn. Đa phần chị và gia đình sau khi hành hương đều trở về trong ngày, không lưu trú lại.

Ông Phùng Thế Bảo (ngụ Tp.HCM) cho rằng Tây Ninh hiện chưa có các điểm du lịch về đêm đặc sắc để thu hút khách du lịch lưu trú. So với các điểm du lịch khác, việc chi tiêu khi tham quan tại Tây Ninh rất ít (chưa được 50% so với các điểm du lịch ở các tỉnh, thành phố khác).

Ông Bảo cũng cho biết năm 2022 ông từng lưu trú tại Tây Ninh một đêm, nhưng buổi tối cũng chỉ đi lang thang khu vực trung tâm thành phố Tây Ninh hóng mát, uống cà phê rồi về ngủ.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trần Thị Huy Hoàng, du khách đến Tây Ninh phần lớn quan tâm đến sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, với tâm điểm là Khu Di tích lịch sử Văn hóa-Danh thắng và du lịch núi Bà Đen và Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Tỉnh còn thiếu các loại hình kinh tế ban đêm như chợ đêm; các khu vui chơi, giải trí, hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật có quy mô lớn, hiện đại... nên khó giữ chân du khách lưu trú dài ngày. Việc chi tiêu của du khách khi đến Tây Ninh chưa nhiều, doanh thu du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Trong khi đó, theo báo Tây Ninh, hiện ngành du lịch Tây Ninh đang còn không ít tồn tại, hạn chế như hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tại các di tích lịch sử - văn hóa còn thiếu: Bãi đỗ xe chung cho du khách, thiếu các nhà hàng ẩm thực, nơi chuyên bán đặc sản Tây Ninh... Lao động trong các doanh nghiệp du lịch còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là kỹ năng phục vụ và ngoại ngữ.

Ngoài ra, chất lượng, hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa cao, quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch; thiếu sự tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại các sự kiện. Việc gắn kết du lịch với giới thiệu sản phẩm hàng hóa của địa phương còn hạn chế...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế trên. Trong đó, về khách quan, Tây Ninh là một tỉnh mới phát triển du lịch, nguồn lực phát triển du lịch của địa phương còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ để phát triển du lịch hầu như chưa có nên việc triển khai còn lúng túng. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng xấu đến doanh thu, hoạt động phát triển du lịch, khiến cho giai đoạn 2020 – 2021, số lượng khách du lịch giảm mạnh, hiệu quả hoạt động du lịch thấp, người dân không có nguồn vốn đầu tư cho du lịch.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ, tình hình kinh doanh còn khó khăn dẫn đến doanh thu thấp.

Nguồn lực đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch của tỉnh còn khó khăn. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Nhận thức của người dân về phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch còn chưa bảo đảm.

Thêm vào đó, công tác xã hội hóa đầu tư phát triển dịch vụ du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều vào các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Một số hộ kinh doanh còn khó khăn về kinh tế nên chưa có điều kiện để tham gia công tác xúc tiến quảng bá du lịch của đơn vị mình...

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới

Theo kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch giai đoạn 2023-2025 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành vào tháng 8/2023, tỉnh sẽ có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch.

Kinh tế - Du lịch Tây Ninh - Bài toán giữ chân du khách

Cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen do Tập đoàn Sun group đầu tư là điểm nhấn của du lịch Tây Ninh. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Trao đổi với Vietnam+, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Trần Thị Huy Hoàng cho biết trong thời gian tới, điểm nhấn của du lịch Tây Ninh được tỉnh xác định là sản phẩm du lịch văn hóa gắn với Khu Di tích lịch sử Văn hóa-Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển Khu Du lịch Núi Bà Đen với nhiều sản phẩm đặc sắc, giữ vai trò trung tâm, có sức lan tỏa lớn, dẫn dắt phát triển du lịch các điểm đến toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong khẳng định tỉnh xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh chọn Khu Di tích Lịch sử Văn hóa -Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen là trọng điểm đầu tư, tạo động lực lan tỏa cho du lịch của tỉnh.

Mục tiêu năm 2025, Núi Bà Đen đạt chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối, lan tỏa cho địa phương và vùng Đông Nam Bộ. Mục tiêu doanh thu du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 35.000 tỷ đồng, khách tham quan đạt 37 triệu lượt.

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, theo ông Võ Đức Trong, Tây Ninh đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng môi trường du lịch; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển du lịch.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới mang nét đặc trưng văn hóa độc đáo của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tại các điểm đến, quyết tâm đưa Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Song song đó, Tây Ninh định hướng phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm gồm: Khu Di tích Lịch sử Văn hóa-Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng và Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam với các điểm đến mang tính kết nối, lan tỏa khác, trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng của tỉnh Tây Ninh.

Địa phương giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là các di tích cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: Nghề làm bánh tránh phơi sương Trảng Bàng, Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh, Múa trống Chhay dăm, Lễ kỳ yên đình Gia Lộc, Lễ Vía bà Linh Sơn Thánh mẫu Núi Bà Đen... từ đó phát triển, triển khai thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo khách tham quan.

Đồng thời, tỉnh tổ chức các lễ hội, các sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi và tìm ra hướng đi mới cho Ngành Du lịch của tỉnh; tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách du lịch.

Tây Ninh đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mới như: du lịch đường sông, du lịch sinh thái (Hồ Dầu Tiếng, Sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn), du lịch về nguồn, nhằm phát huy giá trị Vườn Di sản ASEAN-Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn. Tỉnh tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, điểm đến du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, liên kết tour tuyến du lịch giữa các tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, nhằm đưa du lịch đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân khác nhau.

Tây Ninh tiếp tục mời gọi nhà đầu tư vào các dự án đầu tư du lịch, các cơ sở hạ tầng giao thông, các dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở vật chất du lịch để kết nối, bổ trợ cho Khu Di tích Lịch sử Văn hóa-Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen.

Mục tiêu đến năm 2025, Khu Di tích Lịch sử Văn hóa-Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam Bộ.

Trong 7 tháng năm 2023, du lịch Tây Ninh thu hút trên 3,7 triệu lượt khách tham quan, tăng 10,4% so cùng kỳ, đạt 74,2% so với kế hoạch; với tổng doanh thu du lịch 1.575 tỷ đồng, tăng 66% so cùng kỳ, đạt 87,5% kế hoạch năm 2023.

Minh Hoa (t/h)

Khách đến núi Bà Đen Tây Ninh tăng mạnh, du lịch cả nước đón nhiều tín hiệu

Thứ 4, 09/02/2022 | 15:20
Nếu như trong 4 ngày Tết Nguyên Đán 2021 (tính từ 29 tháng Chạp đến mùng 2 Âm lịch), lượng khách tham quan chỉ đạt hơn 78.000 lượt thì trong năm Nhâm Dần, số lượng người “xông đất” núi Bà Đen (Tây Ninh) đã tăng theo cấp số nhân.

Quảng Ninh và Hải Phòng “bắt tay” nhằm đột phá về phát triển du lịch

Thứ 6, 24/09/2021 | 16:55
Khi dịch bệnh Covid-19 ở Quảng Ninh và Hải Phòng dần được khống chế, đây là lúc cả 2 tỉnh thành ngồi lại với nhau để “bắt tay” phát triển du lịch.
Cùng chuyên mục

Tây Ninh: Hộ kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị phạt hơn 90 triệu đồng

Thứ 6, 03/05/2024 | 15:21
Tỉnh Tây Ninh vừa xử phạt hơn 90 triệu đồng đối với một cơ sở do sản xuất, kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tin vui giá đậu tương chạm mức cao nhất 3 tuần

Thứ 6, 03/05/2024 | 14:50
Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới gần 5%.

Bình Phước: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 407 triệu USD trong tháng 4

Thứ 6, 03/05/2024 | 14:29
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt 407,3 triệu USD, tăng 7,58% so với tháng trước và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

[E] Trái phiếu xanh - thành tố quan trọng cho phát triển bền vững

Thứ 6, 03/05/2024 | 14:00
Tài chính xanh đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
     
Nổi bật trong ngày

4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Thứ 6, 03/05/2024 | 07:00
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD.

Tp.HCM: Doanh thu du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ước đạt 3.235 tỷ đồng

Thứ 5, 02/05/2024 | 05:56
Ngày 30/4, Sở Du lịch Tp.HCM cho biết doanh thu dịp lễ 30/4 - 1/5 của ngành du lịch thành phố ước đạt 3.235 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá vàng 3/5: Vàng trong nước đi ngang

Thứ 6, 03/05/2024 | 10:48
Giá vàng thế giới giảm trở lại xuống 2.304,4 USD/ounce, thấp hơn hôm qua 21 USD. Tại thị trường trong nước, vàng SJC chủ yếu đi ngang.

Giá vàng 2/5: Vàng SJC giảm về 84,7 triệu đồng/lượng

Thứ 5, 02/05/2024 | 10:17
Sáng 2/5, giá kim loại quý trong nước đồng loạt giảm từ 200 - 600 ngàn đồng/lượng, ngay sau kỳ nghỉ lễ dài ngày kết thúc.