Giá nhà vẫn neo ở mức cao, doanh nghiệp bất động sản nên “chấp nhận giảm giá bán”

Thứ 4, 20/12/2023 13:54

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhiều chủ đầu tư giảm giá chung cư cao cấp bằng chính sách chiết khấu, khuyến mãi, song không đáng kể, giá nhà vẫn 'neo' cao. Do đó, đơn vị này cho rằng, DN nên giảm giá bán nhà thuận theo kinh nghiệm "thà bán lỗ còn hơn vay lời"

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bất động sản thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: phải cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đại diện HoREA, các doanh nghiệp "đến nay chưa triển khai tích cực" như nhận xét của Thủ tướng. Trong khi đó, từ năm 2018, hiệp hội đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu ở thực, có tính thanh khoản cao và bền vững.

img

HoREA đề nghị doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở

Hiệp hội đề nghị doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không "neo giữ giá cao".

Đồng thời, doanh nghiệp tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng trên thị trường bất động sản để tăng niềm tin thị trường, tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp, thuận theo kinh nghiệm "thà bán lỗ còn hơn vay lời".

Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân. Doanh nghiệp cũng tham gia thực hiện chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 để có thể tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thương mại thông thường.

Đặc biệt, theo HoREA, đối với các dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp, một số doanh nghiệp chủ đầu tư đã thực hiện giảm giá bán nhưng mức độ giảm giá chưa đáng kể, chủ yếu là các chủ đầu tư thực hiện chính sách chiết khấu và khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng để "cố neo giữ giá".

Một số dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện thì có trường hợp dự án ban đầu là nhà ở bình dân, trung cấp nhưng chủ đầu tư "tút" lại, chuyển thành dự án nhà ở gắn mác cao hơn, thậm chí "đánh vống" là nhà ở cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận.

img

Theo HoREA, nhà chung cư tăng giá một phần vì có những dự án bình dân, nhưng chủ đầu tư "tút" lại, chuyển thành dự án nhà ở gắn mác "cao cấp"

Vì vậy, thị trường bất động sản thiếu hẳn loại nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân. Đồng thời, thị trường cũng rất thiếu nhà ở xã hội do việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng gặp vướng mắc pháp lý, mà thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội còn khó hơn cả dự án nhà ở thương mại.

Bên cạnh đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, HoREA còn đề nghị doanh nghiệp bất động sản cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân, giá vừa túi tiền, phù hợp với thu nhập của người dân. Đồng thời, tham gia thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 để có thể tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Hiệp hội đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để tăng nguồn cung dự án nhà ở. 

Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ quy định chi tiết các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định tại Điều 34 Luật Nhà ở 2023, để chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính xét duyệt dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư có sử dụng đất.

Đồng quan điểm, chỉ ra “nút thắt” của thị trường BĐS thời điểm này, ông Lực cho rằng thị trường vẫn còn những "điểm tối", như tỷ lệ nợ xấu bất động sản tăng từ mức 1,72% cuối năm ngoái lên mức 2,89% tính đến tháng 9/2023, song vẫn ở dưới mức 3% trong tầm kiểm soát.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi nhanh, trong năm 2024 sẽ có khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức đỉnh điểm đáo hạn của tháng 9/2023.

Ông Lực cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp tục đưa ra các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đúng và trúng, kèm giải pháp, không kêu ca. Doanh nghiệp cũng phải quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận giảm giá bán, đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, phân khúc để giảm bớt rủi ro.

Tuấn Kiệt

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.