Tổng cục Hải quan nhận định: Thời gian qua, thị trường vàng, ngoại tệ thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng, giá ngoại tệ trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của thị tường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Hiện tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ nổi lên khi giá vàng, tỉ giá ngoại tệ có sự chênh lệch so với các nước trên thế giới. Có thời điểm giá vàng miếng SJC chênh lệch cao so với giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng.
Để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại công văn số 4847/BTC-VP ngày 4/5/2024 và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới, Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch Kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tuần tra khu vực cửa khẩu biên giới thuộc địa bàn hoạt động hải quan; sử dụng mạng lưới cơ sở bí mật, nắm chắc di biến động của đối tượng, lô hàng để phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức dừng bắt đúng thời điểm.
Tổ chức xây dựng các hồ sơ nghiệp vụ cơ bản, xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiện tệ qua biên giới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị phải chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới; không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.
Các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tra chống buôn lậu để trao đổi thông tin với Hải quan các nước, Interpol, WCO, các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước và các lực lượng chức năng trên địa bàn (công an, cảng vụ, biên phòng) đề trao đổi, chia sẻ thông tin, tổ chức phối hợp tuần tra, kiểm soát, đấu tranh chuyên án, đặc biệt là các chuyên án đấu tranh với các đường dây buôn lậu vàng, chuyển tiền bất hợp pháp xuyên quốc gia; kịp thời báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động quần chúng nhân dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che cho hoạt động buộn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xây dựng, triển khai Kế hoạch này tại địa bàn quản lý trước ngày 17/5 và thời gian bắt đầu triển khai từ ngày 20/5/2024 đến 20/5/2026. Đồng thời, giao Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác thu thập, phân tích thông tin nghiệp vụ hải quan, kịp thời dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới và xây dựng các cảnh báo, hướng dẫn nghiệp vụ về phương thức thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm, điểm nóng... có rủi ro cao về buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.
Cục Điều tra chống buôn lậu là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác thu thập, phân tích thông tin nghiệp vụ hải quan, kịp thời dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới và xây dựng các cảnh báo, hướng dẫn nghiệp vụ về phương thức thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm, điểm nóng, có rủi ro cao về buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới...
Các đơn vị khác thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời phối hợp thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu vàng.
Thanh Tâm