Sau 5 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ để chương trình thực sự là “đòn bẩy” góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.
Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trong tỉnh. Thông qua chương trình, nhiều sản phẩm gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân các địa phương đã được đánh thức trở thành những sản phẩm thế mạnh, tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo việc làm cho lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Chương trình OCOP đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm địa phương. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia vào chương trình đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất. Từ đó phát triển cơ sở quy mô, hiện đại với những sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng. Cùng với đó, không ít sản phẩm trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụ ở quy mô nhỏ, nhờ được gắn sao OCOP đã mở rộng thị trường, thậm chí vươn ra thế giới...
Đến nay, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao, đặc biệt tỉnh cũng đã có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia, 01 sản phẩm điểm du lịch của gần 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó khoảng 88,3% sản phẩm của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 11,7% sản phẩm của các hộ gia đình; doanh thu ước tính trên 800 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân một HTX đạt khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm.
Ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, huyện Yên Dũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các phòng, ban chuyên môn cùng phối hợp để từng bước đưa các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng của địa phương thành các sản phẩm tiêu chuẩn OCOP. Huyện luôn quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tích cực tuyên truyền vận động nông dân có ruộng tham gia liên kết sản xuất mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện thành lập các HTX nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện được phát triển gắn với xây dựng tiêu chí OCOP để nâng tầm giá trị.
Ông Dương Văn Phong, phó phòng kinh tế huyện Yên Dũng, cho biết: Tại huyện Yên Dũng, sau khi Chương trình OCOP lan tỏa sâu rộng, nhiều hộ dân, doanh nghiệp chủ động đăng ký tham gia. Chương trình rất thiết thực, tạo ra sự thi đua của các xã, thị trấn và giữa chủ thể sản xuất, hình thành thói quen sản xuất hàng hóa thay thế cho quy mô nhỏ lẻ. Hầu hết các chủ thể tham gia chương trình OCOP đều có doanh thu tăng từ 15-20% so với trước. Nông sản của huyện đã có mặt tại nhiều cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị trong cả nước với các sản phẩm chủ yếu là gạo thơm, dưa lưới, dưa chuột baby, rau xanh, tinh bột nghệ…Khi các sản phẩm mở rộng quy mô sản xuất, đã có thêm hàng trăm lao động được tạo việc làm ổn định. Đến nay, 19 sản phẩm OCOP của huyện đều có sự phát triển vượt trội về sản lượng, có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, mẫu mã bao bì, tem truy xuất được quan tâm, khẳng định được tên tuổi và chất lượng trên thị trường...Từ đó, nâng cao thu nhập cho các chủ thể sản xuất, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho lao động ở nông thôn và đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông thôn.
Điển hình HTX Rau sạch Yên Dũng được thành lập từ năm 2016, diện tích sản xuất ban đầu chỉ vỏn vẹn 14ha. Đến nay, sau 7 năm phát triển, HTX đang “sở hữu” tổng diện tích canh tác hơn 65ha, trong đó có 17ha chăm sóc theo mô hình nhà lưới công nghệ cao và bón phân tự động. Đây cũng là HTX đầu tiên của tỉnh Bắc Giang cũng như của huyện Yên Dũng đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất nông sản.
Bà Trần Thị Thu trang – Phó giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng cho biết: HTX đầu tư các trang thiết bị hiện đại trong nhà màng, áp dụng quy tắc sản xuất 5 không: không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không thuốc diệt cỏ, không biến đổi gen và không kích thích tăng trưởng vào sản xuất và hướng đến nhu cầu của xã hội. Hiện nay, HTX đang sản xuất khoảng 60 sản phẩm rau củ quả trong đó chủ lực là một số giống trồng trong nhà màng, nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế và chất lượng cao. Trong đó có 6 sản phẩm được đánh giá, chứng nhận OCOP là: dưa lê, dưa lê Hàn Quốc, dưa kim hoàng hậu, dưa thiên nữ, dưa lưới, dưa baby.
“Sản phẩm của HTX được chứng nhận OCOP đã được quảng bá rộng rãi trên phạm vi cả nước. Khi được công nhận OCOP, khách hàng sẽ rất quan tâm. Hàng hóa đảm bảo chất lượng, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn so với các sản phẩm cùng loại. Nhờ chất lượng sản phẩm được đảm bảo, công ty đã có sự tăng trưởng rất nhanh về mặt thị trường dù chịu không ít sự cạnh tranh". Bà Trang chia sẻ thêm
Chương trình OCOP cũng thực sự là “bà đỡ” của các sản phẩm nông nghiệp ở huyện Việt Yên, giúp chủ cơ sở tiếp cận với quy trình chế biến sâu, đầu tư nghiêm túc cho kinh tế nông nghiệp. Sau 4 năm triển khai thực hiện toàn huyện có 23 sản phẩm trong đó có 3 sản phẩm 4 sao và 20 sản phẩm 3 Sao
Hợp tác xã Vân Hương, Thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện có cả 3 sản phẩm đạt Ocop 4 sao là: Rượu Nếp cái hoa vàng, Rượu Cúc hoa tửu, Rượu Nếp ngâm hạ thổ.
Hợp tác xã Vân Hương được thành lập vào năm 2001 trên nền tảng là cơ sở sản xuất rượu Vân đã rất nổi tiếng do nghệ nhân Nguyễn Văn Tường làm giám đốc. HTX hiện có 10 thành viên, tập chung vào phát triển sản xuất rượu đạt ATVS TP, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm “sạch”, chất lượng của người dân cả nước, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tưởng đón nhận, đánh giá cao về chất lượng.
Rượu Vân được sản xuất từ gạo nếp cái hoa vàng kết hợp với men gạo và 35 vị thuốc bắc quý hiếm do nghệ nhân Nguyễn Văn Tường dày công nghiên cứu đã tạo nên đa dạng các sản phẩm rượu Vân vô cùng thơm ngon, hấp dẫn, đắm say lòng người. Đặc biệt rượu của HTX Vân Hương được tách lọc, khử độc tố bằng dây chuyền tinh luyện hiện đại bậc nhất giúp cho rượu trở nên tinh khiết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó mang lại cho quý khách hàng một sản vật tiến vua với hương vị nguyên bản, đậm nét văn hóa vùng trung tâm Kinh bắc cổ xưa.
Cùng với đó là mẫu mã bao bì đẹp, sang trọng phù hợp làm quà biếu, tặng, sử dụng trong những buổi tiệc hội họp. Là sản phẩm được Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn “Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng - năm 2011”, đạt giải nhất 3 năm 2007, 2008, 2009 cuộc thi liên hoan tuyển chọn Rượu Việt Nam do Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, Bộ Công Thương và Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt nam bình chọn tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang với quyết tâm nâng tầm sản phẩm đặc sản quê hương.
Để tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm của HTX trên thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho các hội viên, HTX Vân Hương chú trọng đầu tư mở rộng chuỗi sản xuất theo quy chuẩn, mở rộng thị trường hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Do đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Tường mong muốn các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước qua đó tạo điều kiện cho chủ thể có cơ hội tìm kiếm đối tác thương mại, đầu tư làm cơ sở cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm của mình.
Có thể khẳng định, các sản phẩm OCOP đã giúp chuyển biến mạnh tư duy của người nông dân từ sản xuất thuần túy sang tư duy về kinh tế sản xuất. Sản phẩm OCOP của các chủ thể được cải thiện về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống nhận diện, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Việc chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện cho các chủ thể nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế, rất cần các chủ thể tham gia Chương trình OCOP có cách làm mới, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và thị trường tốt hơn. Mặt khác tiến tới từng bước nâng cao chất lượng nông sản sớm được công nhận, cần có chính sách hỗ trợ và giải pháp đồng bộ để các hợp tác xã HTX tiên phong trong xây dựng sản phẩm OCOP; kết nối giữa sản xuất và thị trường, khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Hà Anh