Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố chỉ tiêu vào lớp 10, năm nay đối với các trường chuyên trên địa bàn đều tăng chỉ tiêu so với những năm trước.
Theo đó, 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên tuyển gần 3.000 học sinh, tăng hơn 300 so với năm ngoái.
Cụ thể, chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển 820 em, tổng số lớp chuyên là 22, tăng 6 lớp so với với năm ngoái. Tương tự, trường THPT Chu Văn An tăng 5 lớp chuyên, từ 10 lên 15. Trường chuyên Nguyễn Huệ cũng tăng 3 lớp. Trường THPT Sơn Tây giữ ổn định.
Việc tăng chỉ tiêu cũng tạo thêm cơ hội cho các em vào môi trường đào tạo đặc thù, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cha mẹ cần hiểu đúng về trường chuyên.
Theo trường chuyên khó phát triển toàn diện
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Minh Tuấn – Giảng viên khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục, ĐHQGHN đánh giá phụ huynh cần nhận diện, đánh giá được năng lực của con em mình để quyết định học trong môi trường nào.
“Chúng ta đang nghĩ vào trường chuyên là những bạn học sinh có năng lực tốt nhưng đánh giá đó chưa được đúng đắn. Hay cho rằng học giỏi toán là học giỏi tất cả các môn điều đó cũng là không phải.
Bố mẹ cần có tư duy toàn diện hơn để đánh giá năng lực của các con, không phải chỉ quan tâm con có tư duy logic hay không mà cần có năng lực cảm xúc, thể thao, mỹ thuật”, ông Đặng Minh Tuấn cho hay.
Theo thầy giáo giá trị ở trường chuyên nằm ở chỗ tư duy logic ở tầm sâu, con phải có năng lực chịu được áp lực, học được cách tự học, tự đọc để đào sâu suy nghĩ. Nhưng khi thi vào trường chuyên thường tập trung vào các môn chuyên không đánh giá năng lực của các em ở nhiều mặt. Đối với chương trình học, chỉ có môn chuyên là được học kiến thức nâng cao, các môn còn lại nội dung học sẽ vẫn giống như hệ đại trà.
“Nhưng vì tập trung quá nhiều về môn chuyên nên thời gian hiểu biết về xã hội hạn chế, các em phải tự tìm hiểu những kiến thức xã hội, bổ sung trải nghiệm”, ông Tuấn bày tỏ.
Ở đây gia đình cần hiểu rõ, khi xác định thi vào trường chuyên sẽ phải trải qua thời gian ôn tập và kỳ thi khắc nghiệt, nếu chỉ học kiến thức ở trong sách giáo khoa bình thì không thể có cơ hội vào trường chuyên. Đây là kỳ thi để trải nghiệm khả năng, dù kết quả ra sao thì phụ huynh và học sinh vẫn cần giữ vững tinh thần vì còn nhiều cơ hội ở phía trước.
Chia sẻ thêm về việc năm nay các trường chuyên tăng số lượng chỉ tiêu, ông Tuấn cho rằng trường chuyên không nên nhân rộng về số lượng và chỉ tập trung vào số học sinh chất lượng, đảm bảo yêu cầu của môi trường này, bởi nhiều em có tư duy không phù hợp, không cần thiết phải vào môi trường đào tạo đặc biệt như vậy mà có nhiều sân chơi rộng hơn. Cùng với đó, số lượng học sinh theo môn chuyên và sau này làm nghề theo đúng môn đã học có tỉ lệ rất ít.
Nghiên cứu kỹ các nguyện vọng xét tuyển
Là một trong những trường chuyên được số lượng lớn học sinh và phụ huynh quan tâm, tư vấn về công tác tuyển sinh năm nay, TS.Nguyễn Phú Chiến - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết năm nay có một số về quy chế xét tuyển.
Theo đó, theo Thông tư mới, đây là năm đầu tiên trường chuyên mới thông tư không có hệ không chuyên. “Điều này ít nhiều sẽ khiến cho phụ huynh bối rối khi đăng ký nguyện vọng bởi trước đây nếu không đỗ hệ chuyên các em vẫn có cơ hội đỗ hệ không chuyên của nhà trường”, TS.Nguyễn Phú Chiến bày tỏ và cho rằng, với sự thay đổi này nhà trường khuyên các cha mẹ cần phải tính toán kỹ trong việc đăng ký nguyện vọng môn chuyên.
Ngoài ra, nhiều em có xu hướng nộp nhiều hồ sơ cho lớp chuyên khác nhau, tuy nhiên nhà trường cũng sẽ tổ chức đăng ký xác nhận 1 nguyện vọng cuối cùng vào khối chuyên, thông qua đây học sinh sẽ biết được số lượng thí sinh có cùng nguyện vọng với mình.
Về bài thi, năm nay, để thi vào Trường chuyên Ngoại ngữ các em phải trải qua 3 phần thi gồm, Đánh giá năng lực ngoại ngữ với thời gian 90 phút (60 câu trắc nghiệm, 1 câu tự luận); Đánh giá năng lực Toán và KHTN thời gian 55 phút (35 câu hỏi trắc nghiệm); Đánh giá năng năng lực Văn và KHXN thời gian 55 phút (20 câu trắc nghiệm và 2 câu hỏi tự luận).
Nhà trường cũng tổ chức thi thử khoảng 3 lần và sẽ được các thầy cô trong trường chữa và giải thích đáp án. “Phụ huynh có thể quan tâm theo dõi các kỳ thi thử. Ngoài ra, các em có thể dễ dàng tìm kiếm trên các trang mạng đề tham khảo của từng môn để ôn tập.
Nội dung thi không vượt quá chương trình GDPT, nếu học chắc chương trình thì sẽ không quá lo lắng để giải quyết yêu cầu đề bài, tuy nhiên vẫn cần luyện thêm kỹ năng như làm bài trắc nghiệm, phân bổ thời gian, tự tin và có sức khoẻ tố để hoàn thành bài”, TS.Nguyễn Phú Chiến đưa ra lời khuyên cho thí sinh.
Mặc dù theo học hệ chuyên nhưng ngay sau khi đỗ vào trường, các em sẽ căn cứ vào tổ hợp nhà trường xây dựng để được lựa chọn tổ hợp, khối học phù hợp cho định hướng thi đại học sau này.
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội diễn ra ngày 8-10/6. Thí sinh thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ vào ngày 8-9/6, thi môn chuyên vào ngày 10/6.
Theo thống kê, năm nay Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 so với năm ngoái. Khoảng 60% học sinh được vào công lập, còn lại vào trường tư, giáo dục thường xuyên và học nghề.