Phát triển làng nghề xứ Kinh Bắc gắn với sản phẩm OCOP

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 2, 23/10/2023 15:38

Sau hơn 5 năm, chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm; từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia Chương trình.

Gắn sao cho sản phẩm làng nghề

Một trong những làng nghề xứ Kinh Bắc được nhắc đến nhiều là làng gốm Phù Lãng. Làng gốm Phù Lãng là một làng nghề cổ truyền chuyên sản xuất gốm như Gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh...), gốm gia dụng (lọ, bình, chum, vại…), gốm trang trí (bình, ấm hình thú, chậu hoa, tranh gốm…). Nhờ sự khéo tay, tinh tế và tỉ mỉ của người thợ gốm đã tạo nên những sản phẩm gốm với lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc nhưng chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Trong mấy năm trở lại đây, làng nghề Phù Lãng có nhiều sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao không chỉ khẳng định giá trị sản phẩm mà còn góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát triển làng nghề gốm cổ Phù Lãng . Qua đó, giúp phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực đưa ngành du lịch của địa phương phát triển đa dạng, có sức hấp dẫn riêng.

Đời sống - Phát triển làng nghề xứ Kinh Bắc gắn với sản phẩm OCOP

Gốm Phù Lãng: Cho đất nở hoa

Gốm Ngọc là một trong những cơ sở có các sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh (OCOP) năm 2021.Tại cơ sở sản xuất đồ gốm của nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc, được đắm chìm trong không gian làng gốm cổ truyền với những đôi lọ lục bình, tượng gốm và những bức tranh gốm bắt mắt. Các sản phẩm của Gốm Ngọc không chỉ mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao mà còn phù hợp trang trí không gian nội, ngoại thất tại các khách sạn, nhà hàng, nhà vườn, khu resort…

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở khu 3 (phường Thị Cầu) là một trong số các gia đình còn giữ nghề làm bánh khoai, bánh ngũ sắc truyền thống. Bánh khoai là đặc sản không nơi nào có, mà cũng chỉ những bàn tay tài, khéo của người Thị Cầu mới làm ra bánh đủ độ giòn, béo, thơm ngon nức tiếng, từng được tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietking) và tổ chức Top Việt Nam (Viet Top) bình xét là một trong 100 món ăn ngon nhất Việt Nam.

bà Nhung kể rằng, cũng chẳng nhớ bánh khoai, bánh ngũ sắc được người dân Thị Cầu làm từ bao giờ, song từ đời cụ, đời ông, bố mẹ bà đã làm bánh để ăn và mang tặng vào dịp Tết. Có thời kỳ, ở Thị Cầu nhà nhà làm bánh, mỗi mùa thu đến, khắp các ngõ, xóm tiếng chày giã bánh rộn ràng, người người cười nói hân hoan. Sau này, điều kiện kinh tế phát triển, hơn nữa trên thị trường xuất hiện nhiều loại kẹo bánh ngon, số người làm bánh khoai, bánh ngũ sắc giảm dần và hiện nay chỉ còn một số ít gia đình còn giữ nghề.

Đời sống - Phát triển làng nghề xứ Kinh Bắc gắn với sản phẩm OCOP (Hình 2).

Sản phẩm bánh khoai, bánh ngũ sắc của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh) được đánh giá là sản phẩm OCCOP cấp tỉnh hạng 4 sao.

Ngoài việc làm bánh để gia đình, họ hàng thưởng thức thì từ nhiều năm trước, do nhu cầu của xã hội, gia đình bà làm bánh để bán trên thị trường. Làm bánh khoai, bánh ngũ sắc khá vất vả, cơ bản làm thủ công rất cầu kỳ và tỷ mỷ. Tất cả các nguyên liệu làm bánh khoai, bánh ngũ sắc của cơ sở đều bắt nguồn từ thiên nhiên. Bánh ngũ sắc sử dụng nguyên liệu chính là gạo nếp, công đoạn đồ xôi, cán bột cũng như làm bánh khoai nhưng khác về gia vị. Để tạo các màu sắc khác nhau đối với bánh ngũ sắc, cơ sở sử dụng các nguyên liệu như quả dành dành, lá nếp, quả gấc… Khi rán xong thì đổ thêm nước sốt được làm từ mật với mỡ thỏi, rắc thêm lạc, vừng rang vào. Bánh ngũ sắc được đổ theo khuôn hình chữ nhật, khi sử dụng cắt thành những miếng nhỏ, khi ăn sẽ thấy độ xốp, giòn và ngậy. Cả bánh khoai và bánh ngũ sắc đều mang những hương vị riêng, không giống với các loại bánh khác. Hiện nay bánh khoai, bánh ngũ sắc của gia đình bà được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chứng nhận 4 sao.  

Với mong muốn phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm đúc, khảm đồng Đại Bái đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước, nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Nguyễn Văn Đông, không chỉ nỗ lực sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã hấp dẫn mà còn tích cực tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, sản phẩm tranh Trống đồng Đông Sơn, bộ đồ thờ đồng Ngũ sắc đã được cấp Giấy Chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2021, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo nên thương hiệu riêng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Để tiếp tục giữ vững thương hiệu và phát triển sản phẩm Ocop bền vững, cơ sở sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa nhiều sản phẩm có giá trị tham gia vào chương trình OCOP. Đễ hỗ trợ các chủ thể mong rằng các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện sản phẩm Ocop có thể từng bước xuất khẩu ra thị trường thế giới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương. Anh Đông chia sẻ thêm.

Khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã phát triển được 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có nhiều sản phẩm xuất phát từ những làng nghề, nghề truyền thống, bắt nguồn, chứa đựng những nét văn hóa truyền thống gắn với sinh hoạt của người dân. Ngoài các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng OCOP, ở các địa phương vẫn còn hàng chục sản phẩm đang được hoàn thiện thủ tục công nhận. Với mỗi sản phẩm mới, chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng không chỉ dừng lại ở sự hữu hình như tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

Chương trình đã tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Theo ông Lưu Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh: toàn tỉnh hiện đang có 61 làng nghề, trong đó có 41 làng nghề truyền thống. Những năm qua, các nghề, làng nghề luôn được tỉnh quan tâm, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ngành nghề nông thôn phát triển đạt sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Ðề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025” tại Làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh Ðông Hồ (thị xã Thuận Thành), làng Quan họ cổ Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh). Tỉnh thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ cho du khách trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc sống nông thôn tại Phù Lãng, Ðông Hồ, Viêm Xá và vùng phụ cận; thực hành các công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (gốm, tranh dân gian), nghi thức, lề lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm.

Đời sống - Phát triển làng nghề xứ Kinh Bắc gắn với sản phẩm OCOP (Hình 3).

Du khách trải nghiệm với cuộc sống làng nghề gốm Phù Lãng

Việc triển khai Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025” không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, hệ thống các di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, có trách nhiệm, mang bản sắc đặc trưng văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc mà còn bảo tồn văn hóa, giới thiệu hình ảnh đẹp về văn hóa địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Giải pháp nâng tầm sản phẩm OCOP trong làng nghề truyền thống mà ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra hiện nay là hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì sản phẩm. Địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, nâng tầm chất lượng sản phẩm lên 4 sao, 5 sao.

Thông qua chương trình OCOP, các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và đầu tư xử lý môi trường làng nghề để bảo đảm phát triển bền vững...

Có thể thấy, các làng nghề của Bắc Ninh đã và đang phát huy những giá trị truyền thống to lớn, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của xứ Kinh Bắc. Do đó, cần có sự bắt tay, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nước, chính quyền địa phương với những người làm nghề để tiếp tục phát triển, gìn giữ làng nghề, thúc đẩy gia tăng tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động ngoại thành, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương./.

Hà Anh

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.