Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Bắc Ninh xác định văn hoá là vừa là điểm tựa, vừa là nền tảng tinh thần; văn hóa gắn với mọi hoạt động, mọi lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Phát triển văn hoá vừa là động lực phát triển vừa là đích đến cho quá trình phát triển kinh tế xã hội bền vững của Thành phố và góp phần đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi về thăm tỉnh Bắc Ninh đã chỉ rõ, phát triển kinh tế của Bắc Ninh phải đi đôi với coi trọng, phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội; đặc biệt chú trọng nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Bắc Ninh nói riêng cũng như nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, theo đúng tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, làm cho văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", "soi đường cho quốc dân đi". Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh là một trong những tỉnh, thành phố trong cả nước sớm tổ chức Hội nghị triển khai và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung Ương về văn hóa đi vào cuộc sống. Ngày 29/8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết 71-NQ/TU về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững".
Là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của tỉnh Bắc Ninh, UBND thành phố Bắc Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 12/12/2022 về thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh; Nghị quyết 25, nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 22 về văn hóa với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương, đồng thời phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân,thu hẹp về khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, đối tượng dân cư trên địa bàn; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; Bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, ưu tiên phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tiềm năng, lợi thế; Tập trung đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút, trọng dụng nhân tài để phát triển văn hóa, con người thành phố Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Bắc Ninh bền vững.
Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, thành phố luôn dành sự quan tâm phát triển về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong đó phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, các phòng, ban, đơn vị và sự phối hợp của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tổ chức xã hội, mục tiêu tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn diện.
UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh và thành phố về thực hiện các nội dung phong trào, đặc biệt là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và củng cố tổ chức bộ máy Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường; nhà văn hóa - khu thể thao khu phố. Triển khai thực hiện tiêu chí Khu dân cư sạch theo quy định của thành phố; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Vì thành phố Bắc Ninh sạch” gắn với chương trình “10 phút góp phần làm sạch thành phố”; các phong trào điển hình như: “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ,... Phong trào giúp nhau giảm nghèo phát triển mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,7%,..
Đặc biệt, chú trọng nhân rộng gia đình văn hóa, xóm, bản, khu dân cư văn hóa. Tính đến hết năm 2022, toàn thành phố có 48.871/50.031 gia đình đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (97,7%); 114/114 khu phố đăng ký đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa" (100%) ; 19/19 phường đăng ký “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh” (100%). Phấn đấu đến năm 2030, 91% trở lên số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; 90% trở lên Khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá, trong đó có ít nhất 5% số mô hình điểm Khu dân cư văn hóa tiêu biểu; 90% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; 78% trở lên phường đạt chuẩn đô thị văn minh; 100% các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện tốt quy định về văn hoá công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% các khu dân cư thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng hoạt động bảo tồn phát huy giá trị văn hoá địa phương
Thành phố Bắc Ninh được mệnh danh là vùng đất của lễ hội và di tích với 203 di tích, trong đó 98 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, 43 di tích xếp hạng Quốc gia, 55 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh; hơn 80 lễ hội truyền thống được tổ chức và 31/44 làng Quan họ gốc.... UBND thành phố đã và đang huy động tối đa nguồn lực, tận dụng mọi giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá địa phương nhằm khai thác đúng cách, các di sản này không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho cộng đồng mà còn trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội cho thành phố nói riêng, cho tỉnh Bắc Ninh nói chung.
Đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố Bắc Ninh duy trì tổ chức các chương trình giao lưu "Canh hát Quan họ đêm Rằm" hàng quý; Phấn đấu 100% các làng Quan họ gốc có quỹ đất được đầu tư, phục dựng Nhà thực hành Quan họ (Nhà chứa Quan họ); Có từ 50% trở lên di tích trên địa bàn thành phố được xếp hạng; Nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong việc công nhận các di tích cấp Quốc gia đặc biệt như: Chùa Dạm, Đền Bà Chúa Kho, khu Thủy tổ Quan họ đồng thời tăng cường đầu tư, quản lý, khai thác giá trị du lịch văn hóa tâm linh; Quan tâm hỗ trợ, tu bổ, chống xuống cấp cho 35-40 di tích được xếp hạng trên địa bàn thành phố; Hoàn thành việc phục dựng Phiên chợ Âm dương.
Đối với đề án "Phục dựng Phiên chợ Âm Dương” đây là nét văn hóa đặc trưng mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của người dân Kinh Bắc với ý nghĩa tâm linh cần lưu giữ và bảo tồn được địa phương bắt đầu thực hiện vào năm 2022 trong bối cảnh tình hình Covid còn diễn ra phức tạp vào 3 tháng đầu năm. Dù cơ bản đã thực hiện theo cách được các cụ truyền lại, nhưng là năm đầu phục dựng, nên chợ vẫn còn ở quy mô nhỏ và các mặt hàng chưa phong phú nhưng bước đầu đã tạo được tín hiệu tốt trong nhân dân và du khách.
Thách thức và giải pháp cho sự phát triển văn hoá
Bên cạnh thành tựu đã đạt được, vẫn còn những bất cập, khó khăn trong quá trình phát triển văn hoá tại địa phương mà cần thẳng thắn nhìn nhận, phân tích để đưa ra giải pháp phù hợp như: Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động ở một số đơn vị cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; Ý thức chấp hành của người dân chưa cao; Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ; Việc vận hành chuyển đổi số còn gặp khó khăn khi vẫn còn đơn vị chưa kịp thời tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên thiết bị di động,...
Cùng với nhiệm vụ chú trọng xây dựng kinh tế, thành phố Bắc Ninh đang đứng trước những thách thức về cơ chế, về nguồn lực. Để giải quyết được những vấn đề này, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới như: Tăng cường công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố, các hoạt động tuyên truyền chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh và thành phố; Đẩy mạnh phát triển phong trào văn hoá văn nghệ; thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao; Tăng cường công tác xây dựng gia đình trên địa bàn, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội.
Giữa kinh tế xã hội và văn hoá có một sợi dây liên kết bền vững, thành phố xác định tập trung đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thời gian tới, Đảng bộ, UBND thành phố Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành và người dân để tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong phát triển văn hóa nhằm thực hiện thắng lợi về các mục tiêu kinh tế xã hội và văn hoá đã đề ra./.
Hà Anh