Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Đại học đóng vai trò "lò luyện" nguyên khí quốc gia

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 7, 03/05/2025 07:54

Cơ sở giáo dục đại học được đánh giá là lực lượng tiên phong, nòng cốt cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, còn nhiều thách thức để các trường thực hiện sứ mệnh của mình.

Thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Một trong những bước đi quan trọng, là việc xây dựng dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045.

Mục tiêu của đề án là chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực STEM có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

"Trong quá trình thực hiện, giáo dục đại học được đánh giá là lực lượng tiên phong. Các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mà còn đóng vai trò tổ chức khoa học công nghệ, nơi tập trung phần lớn các đội ngũ các nhà khoa học của đất nước trong nghiên cứu", PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh về vai trò của các trường đại học.

Nhằm tạo không gian phát triển, mới đây nhất, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học được quy hoạch theo từng vùng, từng lĩnh vực cụ thể theo trên cơ sở ưu tiên các chương trình đào tạo STEM, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia làm động lực.

Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Đại học đóng vai trò "lò luyện" nguyên khí quốc gia- Ảnh 1.

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.

Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN cho biết: "Trong thời gian qua, các trường đại học của Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao.

Các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực điện – điện tử, kỹ thuật điện tử và liên quan đến chip bán dẫn và vi mạch, công nghệ nano, công nghệ sinh học, Hóa dược, công nghệ vật liệu mới và các công nghệ cao về chăm sóc sức khỏe,…đã được triển khai ở nhiều trường đại học lớn như 2 ĐHQGHN, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Bách Khoa Tp. HCM, Đại học Y Hà Nội,…"

Ông Nguyễn Đình Đức thông tin chỉ lấy ví dụ riêng ở ĐHQGHN, cơ cấu tuyển sinh các ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ và Y dược năm 2013 chỉ chiếm có 8%, thì sau 10 năm, năm 2023, tỉ lệ này đã tăng lên 31%. Tỉ lệ tuyển sinh vào các ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học máy tính và công nghệ thông tin trong toàn quốc đã tăng nhanh và chiếm tỉ lệ trên 24% trong năm 2023.

Các công bố quốc tế và số lượng các nhóm nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam cũng tăng lên rất nhanh trong những năm gần đây. Riêng lĩnh vực kỹ thuật công nghệ đã chiếm 21% tổng số bài công bố quốc tế của Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, ở Việt Nam có hơn 1000 nhóm nghiên cứu, thì trong số đó các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và công nghệ thông tin đã chiếm gần 40%.

Là một trong 5 trường trong quy hoạch được được tập trung đầu tư, nâng cấp để trở thành trường trọng điểm về kỹ thuật, công nghệ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng đang gấp rút thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Đại học đóng vai trò "lò luyện" nguyên khí quốc gia- Ảnh 5.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ: "Nghị quyết 57 là kim chỉ nam đưa đất nước phát triển hùng cường vào kỷ nguyên vươn mình, trong đó trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học là rất lớn lao để biến Việt Nam thành Việt Nam trở thành trung tâm (hub) nhân lực toàn cầu, tham gia sâu rộng vào chuỗi công nghệ của thế giới, có vị thế quan trọng trong bản đồ tri thức của nhân loại".

Nhà trường này cũng đã nhanh chóng mở thêm các ngành Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ vi mạch bán dẫn, AIoT (kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật). Sinh viên theo học những ngành này sẽ được tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến, với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, có sự trợ giảng bởi AI, có sự bảo trợ của các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC, VinAI, Nvidia, Intel, Google, Qualcomm….

Người học sẽ có tối thiểu 30% các môn học trực tiếp bằng tiếng Anh và có ít nhất 1 học kỳ doanh. Các em được kỳ vọng là thế hệ sinh viên được đào tạo theo hướng nhân tài, thực hiện Nghị quyết 57.

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Phạm Văn Song – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho rằng ở đây cần xác định rõ các cơ sở giáo dục đại học không chỉ là đơn vị đào tạo đơn thuần, mà phải đóng vai trò nòng cốt, tiên phong và dẫn dắt trong quá trình phát triển đất nước.

Nếu thực sự đổi mới, sáng tạo và hành động quyết liệt, các trường đại học sẽ trở thành "lò luyện" nguyên khí quốc gia, cung cấp đội ngũ trí thức, nhà khoa học đủ sức tham gia và dẫn dắt công cuộc phát triển đất nước trong kỷ nguyên số và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, trước sứ mệnh đó, các cơ sở giáo dục đại học đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

Theo ông Phạm Văn Song hiện hệ thống pháp luật và các văn bản quy phạm pháp lý trong lĩnh vực giáo dục hiện chưa bắt kịp tốc độ phát triển và yêu cầu đổi mới. Không ít trường vẫn loay hoay trong mô hình quản trị cũ, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, dẫn đến lúng túng trước làn sóng chuyển đổi số và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Đại học đóng vai trò "lò luyện" nguyên khí quốc gia- Ảnh 6.

PGS.TS. Phạm Văn Song – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông.

"Chưa kể, nguồn nhân lực giảng dạy có trình độ tiến sĩ, có công bố quốc tế hoặc kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, hiện còn rất hạn chế. Nhiều giảng viên và nhà khoa học giỏi đã lựa chọn ra nước ngoài hoặc khu vực tư nhân làm việc do môi trường học thuật trong nước chưa thực sự hấp dẫn, khiến bài toán đào tạo nhân lực chất lượng cao càng thêm nan giải", ông Phạm Văn Song chia sẻ.

Một thách thức khác được ông chỉ ra là việc xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học thực thụ. Hiện nay, nhiều trường đại học vẫn thiếu một hệ sinh thái nghiên cứu bài bản – từ cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm hiện đại cho đến mạng lưới hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Hệ quả là phần lớn sản phẩm nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở lý thuyết, thiếu tính ứng dụng thực tiễn và thiếu cơ chế hỗ trợ để chuyển giao công nghệ ra đời sống.

Về giải pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông đề xuất các trường cần có một chiến lược tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học công nghệ trong khoảng 5-10 năm.

Xây dựng các chương trình liên ngành, tích hợp kỹ năng số, tư duy sáng tạo và trải nghiệm thực tiễn. Mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, cung cấp học kỳ thực tập, và tài trợ các dự án nghiên cứu ứng dụng. Đặc biệt, chương trình cần theo hướng cá nhân hóa giáo dục, bằng cách sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để thiết kế lộ trình học tập phù hợp với từng sinh viên, nâng cao hiệu quả đào tạo.

Ươm mầm nhân tài trong kỷ nguyên mới: Đại học đóng vai trò "lò luyện" nguyên khí quốc gia- Ảnh 7.

Định hướng quy mô đào tạo và lĩnh vực trọng điểm của các đại học quốc gia, đại học vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo với các trường đại học cũng là một trong những công việc cần phải làm thời gian tới, PGS.TS Lê Khắc Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đánh giá: "Mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được nhìn nhận không chỉ là cầu nối giúp sinh viên tìm kiếm việc làm trong và sau quá trình học tập, mà phải được phát triển thành một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng hành cùng nhau trong suốt hành trình đào tạo".

Theo ông Cường khi doanh nghiệp chủ động tham gia vào các khâu then chốt như thiết kế chương trình giảng dạy, đặc biệt là các học phần thực hành đến phản biện học thuật và cập nhật công nghệ. Nhà trường sẽ có điều kiện tạo ra những chương trình đào tạo sát thực tiễn, giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế công việc.

Điều này là cách để khắc phục tình trạng "lệch pha" giữa kiến thức hàn lâm và kỹ năng nghề nghiệp chính là sự phối hợp chặt chẽ, hai chiều, thường xuyên và có hệ thống giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây không chỉ là hướng đi thiết thực mà còn là chiến lược lâu dài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng biến động.

Mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW đến năm 2030 nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.