Bóng đá là một môn thể thao độc đáo. Bất chấp sự phổ biến toàn cầu, trong công thức thành công của một nền bóng đá, vai trò của yếu tố dân số chưa bao giờ được đề cao. Ví dụ cụ thể, Uruguay chỉ với dân số chưa đến 4 triệu người, xếp hạng 132 thế giới, vẫn 2 lần vô địch World Cup, 15 lần đăng quang Copa America.
Ngày nay, Uruguay vẫn là một trong những đội tuyển quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Nền bóng đá này liên tục sản sinh những ngôi sao bóng đá hàng đầu như Diego Forlan, Edison Cavani, Luis Suarez, Federico Valverde hay mới nổi lên gần đây là Darwin Nunez, tân binh đắt giá nhất lịch sử Liverpool với mức phí chuyển nhượng lên tới 100 triệu euro.
Một dẫn chứng sinh động khác là Croatia. Quốc gia thành lập năm 1991 và dân số hiện tại cũng chỉ trên dưới 4 triệu dân này nhanh chóng định danh trên bản đồ bóng đá thế giới với những chiến tích vang dội tại World Cup. Năm 1998 tại Pháp, với thế hệ Davor Suker, Boban, Prosinecki v.v., đội bóng áo sọc ca-rô đỏ trắng đã vào tới tận bán kết. 20 năm sau tại Nga, thế hệ Modric, Rakitic, Mandzukic còn thành công hơn tiền bối khi lọt tới tận chung kết. Nhờ màn trình diễn chói sáng tại World Cup, Luka Modric đã giành được danh hiệu Quả bóng vàng cao quý.
Ngược lại, có những quốc gia đông dân nhất thế giới lại không sở hữu nền bóng đá hùng mạnh. Bằng chứng nhãn tiền là hai đất nước tỷ dân duy nhất trên hành tinh: Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài vấn đề thể chất thua kém của người châu Á so với châu Âu, Phi hay Mỹ, một vấn đề nổi cộm khiến bóng đá Ấn Độ hay Trung Quốc kém phát triển ngay trên chính lục địa vàng là bóng đá không phải môn thể thao phổ biến tại những quốc gia này.
Nói cách khác, dân Ấn Độ và Trung Quốc không đam mê bóng đá cuồng nhiệt như các quốc gia khác. Thế nên mới có chuyện bóng đá Trung Quốc dù rót hàng triệu triệu USD để đầu tư cho môn thể thao vua nhưng thành tích trên trường quốc tế vẫn thê thảm. Đơn cử như chiến bại 1-3 của đội tuyển quốc gia đông dân nhất thế giới trước đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022.
Kết hợp hai yếu tố dân số và niềm đam mê, có lẽ Ấn Độ và Trung Quốc chưa thể sánh với Indonesia, một quốc gia đông dân và hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Về dân số, xứ Vạn Đảo có khoảng 270 triệu dân, xếp thứ tư thế giới. Về đam mê môn thể thao vua, dân Nam Dương xếp thứ hai không ai dám đứng nhất ở châu Á.
Bằng chứng là từ trẻ nhỏ đến ông lão, bóng đá như thể một tôn giáo ở xứ Vạn Đảo. Chảo lửa Bung Karno (hay trước đây gọi là Senayan, địa ngục Đông Nam Á) là nỗi ám ánh đối với mọi đối thủ làm khách của Quái điểu Garuda. Giải VĐQG Indonesia cũng là giải quốc nội được theo dõi nhiều nhất tại châu Á. Và theo ghi nhận, kỷ lục về số lượng khán giả đến sân cổ vũ tại Indonesia lên tới 150.000 người, con số tưởng chừng chỉ xuất hiện tại Nam Mỹ.
Không chỉ thu hút sự hâm mộ đông đảo và nhiệt thành, bóng đá Indonesia còn có bề dày lịch sử phát triển. Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) đã được thành lập ngót nghét 1 thế kỷ, từ năm 1930. Không chỉ vậy, xứ Nam Dương còn là đại diện châu Á đầu tiên tham dự vòng chung kết World Cup dưới cái tên Đông Ấn Hà Lan. Đó là giải vô địch bóng đá thế giới 1938.
Lúc bấy giờ, bóng đá châu Á còn chưa hình thành. Bởi vậy vòng loại World Cup khu vực châu Á chỉ có 2 đội tham dự là Đông Ấn Hà lan và Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản đã rút lui khỏi vòng loại vì chiến tranh với Trung Quốc và đại diện xứ Nam Dương nghiễm nhiên có vé. Tại vòng chung kết, Đông Ấn Hà Lan, với quân số chủ yếu là những cầu thủ bản xứ cộng một số cầu thủ đến từ Hà lan và cầu thủ gốc Hoa, đã để thua Hungary hùng mạnh tại Stade Velodrome, Reims với tỷ số 0-6, dưới sự chứng kiến của 9.000 người hâm mộ. Cho dù thất bại nặng nề nhưng dự World Cup là bệ phóng cực kỳ vững vàng để bóng đá Indonesia phát triển, ít nhất là so với các quốc gia trong khu vực lẫn châu lục.
Ngoài chiến tích là đội tuyển quốc gia châu Á đầu tiên dự vòng chung kết World Cup, một mốc son khác trong lịch sử bóng đá Indonesia là tại Thế vận hội 1956, đội bóng này đã cầm hòa Liên Xô, đội bóng sau đó đã giành tấm huy chương vàng.
Cũng cần nói thêm, so với các quốc gia lân cận và kể cả châu lục, nền tảng thể chất của người Nam Dương được đánh giá cao. Các cầu thủ Indonesia được đánh giá nhanh, khỏe và khéo. Nhiều gương mặt nổi danh khắp khu vực như Bambang Pamungkas, Kurniawan Dwi Yulianto, Hendro Kartiko v.v.. Không những thế, nhiều tuyển thủ Hà Lan từng góp mặt trong trận chung kết World Cup 2010 mang trong mình dòng máu Nam Dương. Đó là thủ quân Giovanni van Bronckhorst, hậu vệ John Heitinga hay tiền vệ Demy de Zeeuw.
Nhưng, quá khứ hào hùng của bóng đá Nam Dương đã ngủ vùi suốt 30 năm qua, nếu lấy mốc lần cuối cùng đội tuyển Indonesia giành được một danh hiệu lớn. Đó là tấm huy chương vàng môn bóng đá nam SEA Games 1991 tại Philippines. Hiện tại, đội tuyển Indonesia đang đứng thứ 155 trên bảng xếp hạng FIFA, đứng thứ 5 tại Đông Nam Á. Và cho dù được đánh giá là đội tuyển mạnh trong khu vực, Quái điểu Garuda chưa từng đăng quang AFF Cup, cho dù Thái Lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam đều lần lượt lên ngôi. Tại Asian Cup, Indonesia cũng chưa bao giờ vượt qua được vòng bảng…
Trở lại với vấn đề vĩ mô, bóng đá Indonesia hội tụ quá nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, từ dân số đông đảo, sự hâm mộ nhiệt thành, thể chất ưu việt (so với khu vực). Thậm chí tờ DW của Đức còn đánh giá tiềm năng phát triển của xứ Vạn Đảo còn trên cả Ấn Độ hay Trung Quốc trong danh sách những gã khổng lồ bóng đá châu Á đang ngủ quên. Vậy tại sao bóng đá Indonesia giẫm chân, đúng hơn là thụt lùi suốt 30 năm qua? Câu trả lời nằm ở thượng tầng.
Trong quá khứ, các vấn đề ngoài sân cỏ đã kìm hãm sự phát triển của bóng đá Indonesia. Những doanh nhân đầu tư vào bóng đá nhằm khai thác “lợi nhuận” từ niềm đam mê mãnh liệt và khổng lồ của người hâm mộ xứ Nam Dương hơn là đầu tư cho sự phát triển lâu dài.
Ông Nurdin Halid chính là hiện thân cho sự mục ruỗng của giới chức bóng đá Indonesia. Vị chính trị gia này là chủ tịch PSSI giai đoạn 2003 đến 2011. Năm 2004, ông này bị bỏ tù vì liên quan đến bê bối phân phối dầu ăn nhưng đằng sau song sắt vẫn tiếp tục điều hành bóng đá đất nước vạn đảo. Điều đáng nói, ông Halid còn bị cáo buộc tích lũy tài sản bất hợp pháp cho bản thân và các cộng sự thân cận. Trong đó có khoảng 100 triệu rupiah, tương đương 11.000 USD, số tiền tài trợ của chính phủ để phát triển một đội bóng ở phía đông tỉnh Kalimantan.
Sau khi Nurdin Halid bị loại bỏ, bóng đá Indonesia lại rơi vào tình trạng tranh giành quyền lực giữa hai hiệp hội bóng đá, trong đó tồn tại một lúc hai giải đấu là VĐQG Indonesia (Indonesia Premier League – IPL)) và Indonesia Super League (ISL), giải đấu không được PSSI và FIFA công nhận. Vì vậy, đội tuyển Indonesia từng bị FIFA cấm tham dự các giải đấu quốc tế từ năm 2014 đến 2016. Một quan chức của PSSI thừa nhận: “Đây rõ ràng là khoảng thời gian thật tồi tệ với PSSI và bóng đá Indonesia. Có quá nhiều người tham gia vào việc điều hành, với mỗi người một ý đồ và kế hoạch riêng”.
Một vấn đề khác của bóng đá Indonesia và vấn nạn báo lực. Vì yếu kém trong khâu quản lý nên PSSI không thể kiểm soát lượng quá lớn người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, dẫn đến tình trạng cực đoan trong cổ vũ. Theo ghi nhận, Indonesia là quốc gia có tỷ lệ côn đồ bóng đá cao nhất châu Á. Năm 1994, một thảm kịch từng xảy ra tại nước này khiến 74 CĐV thiệt mạng.
Dàn xếp tỷ số cũng là vấn nạn kéo dài đối với bóng đá Indonesia, khi chỉ mới năm ngoái có 6 cầu thủ bị treo giò vì cố tình làm sai lệch tỷ số trận đấu. Vào năm 2019 thì một số quan chức của PSSI, bao gồm cả vị chủ tịch lâm thời Joko Driyono bị bắt.
Bức xúc trước những vấn nạn của bóng đá nước nhà, nhiều cuộc biểu tình được CĐV Indonesia tổ chức. Hendri Mulyadi, một CĐV còn được ca tụng như người hùng vì hành động lao vào sân trong trận đấu giữa đội tuyển Indonesia và Oman. “Tôi rất thất vọng về đội tuyển Indonesia. Họ không bao giờ thắng, chỉ có hòa hoặc thua”, anh này nói. Chỉ hòa hoặc thua cũng chính là thực trạng chung của cả nền bóng đá Indonesia suốt 30 năm qua.