Sáng 16/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024.
Chú trọng triển khai Chương trình GDPT 2018
Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Năm học 2022-2023, được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND Thành phố, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện.
Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời. Công tác chỉ đạo của Sở GD&ĐT đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể quyết tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện.
Về triển khai Chương trình GDPT 2018, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên thực hiện giảng dạy chương trình bắt buộc đối với môn Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ ở tiểu học. Điều kiện cơ sở vật chất dạy và học các môn đã cơ bản đảm bảo triển khai Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018.
Công tác chỉ đạo, lựa chọn sách giáo khoa lớp 3 được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Bộ GD&ĐT. 100% giáo viên được tập huấn trước khi đứng lớp. Các cơ sở giáo dục tiểu học đều ưu tiên lựa chọn, phân công giáo viên có trình độ, có kinh nghiệm, trách nhiệm cao dạy lớp 1,2,3.
Năm học đầu tiên tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, các nhà trường tại Hà Nội đã chủ động xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh và cha mẹ học sinh dự kiến các tổ hợp môn học trong phương án tuyển sinh. Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.
Tuy nhiên, ông Trần Thế Cương cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại của GD&ĐT Thủ đô. Trong đó có công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến mỗi số nơi còn có tình trạng thiếu trường học công lập. Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT hiệu quả còn chưa cao. Chất lượng giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giữa các quận và các huyện trên địa bàn thành phố còn khoảng cách.
Công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao hơn nhiều so với quy định tại Điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng còn những hạn chế.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo". Theo đó, tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ quan trọng.
Trong đó, những nhiệm vụ nổi bật tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, coi đây là cơ hội, là chỗ dựa và là phương thức thay đổi về giáo dục.
Hoàn thành biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, 8, 11, 12 và triển khai công tác biên soạn bộ Tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, 9 và 12. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên. Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục
Cũng tại buổi lễ, ghi nhận những thành tích đạt được của ngành giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, năm học mới 2023-2024 là năm toàn ngành giáo dục đang tiếp tục gia sức triển khai, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đổi mới; đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng đào tạo.
"Trong bối cảnh đó, với yêu cầu rất cao, ngành giáo dục Thủ đô cần nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng GD&ĐT; cần ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023-2024”, Bộ trưởng nêu.
Trong đó, một số nhiệm vụ Bộ trưởng nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt, đó là: Cần quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà toàn ngành giáo dục đã đề ra.
Tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Đặc biệt, năm học này là năm trọng tâm của quá trình triển khai Chương trình với khối lượng công việc lớn.
Trong đó tiếp tục triển khai các lớp theo đã thực hiện theo chương trình mới, triển khai mới với các lớp 4, 8, 11; chuẩn bị các điều kiện để triển khai các lớp 5, 9, 12. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; tiếp tục quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT mới một cách chủ động, chu đáo. Đặc biệt, chú ý chuẩn bị chu đáo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học cho cấp tiểu học để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.
“Giáo dục Hà Nội đồng thời cần tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ”, Bộ trưởng phát biểu.
Nhấn mạnh năm học mới có rất nhiều điểm phải làm, một nội dung được Bộ trưởng đặc biệt là mong muốn ngành GD&ĐT thành phố cần giải quyết dứt điểm để không còn hiện tượng phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký học. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, mạng internet, Thủ đô dẫn đầu cả nước, còn hiện tượng này là không nên.
“Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã rất quyết tâm trong việc này, tôi nghĩ sẽ thực hiện được trong thực tế”, Bộ trưởng chia sẻ.