Xử lý bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 23/10/2023 11:18

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, thiếu trường, lớp học, thiếu trang thiết bị dạy học diễn ra ở một số nơi.

Cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu

Sáng 23/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Báo cáo về những kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn.

Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển; quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước và phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn.

Đối thoại - Xử lý bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%).

Chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên; tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 02 bậc so với năm 2022. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ... được quan tâm đầu tư. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được chú trọng. Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy mạnh mẽ; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác thông tin, truyền thông được quan tâm, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin và tạo đồng thuận xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo còn hạn chế; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác thanh niên, trẻ em còn tồn tại một số vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ. Chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa rõ nét; nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế…

Xử lý bất cập về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn một số khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế quản lý, khai thác, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao của Nhà nước còn bất cập.

Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, thiếu trường, lớp học, thiếu trang thiết bị dạy học diễn ra ở một số nơi. Việc thực hiện sách giáo khoa, chương trình mới, chế độ, chính sách cho giáo viên còn nhiều bất cập.

Bạo lực học đường, ứng xử lệch chuẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, lạm thu đầu năm học vẫn diễn ra.

Còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, thể thao, vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn thấp trong lực lượng lao động; số người rút bảo hiểm xã hội tăng cao; tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp diễn ra khá phổ biến.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.

Tình hình tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, trong đó có những vụ việc bắt cóc, xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đối thoại - Xử lý bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên (Hình 2).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh, phòng, chống tội phạm còn nhiều thách thức, nhất là đối với tội phạm lừa đảo, tài chính, tội phạm qua mạng.

Công tác đấu tranh, ngăn chặn xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng còn khó khăn… Công tác phòng, chống cháy nổ thời gian qua gặp nhiều thách thức, nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản .

Trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Đối thoại - Xử lý bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên (Hình 3).

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 23/10.

Đối với dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội được nêu ra trong báo cáo thẩm tra, báo cáo của Chính phủ và phải gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;

Đồng thời, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 từ ngày 1/7/2024; có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

"Xử lý có hiệu quả các bất cập về sách giáo khoa, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trường học, lớp học. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.