50 năm cởi trần, bỏ nhà xây ở lều rơm

50 năm cởi trần, bỏ nhà xây ở lều rơm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Mấy chục năm nay ông không hề mặc áo, chỉ độc một chiếc quần xà lỏn. Ngôi nhà tình thương được chính quyền xây cho thì không ở, chỉ ở trong túp lều rơm dựng tạm. Ăn uống thì tạm bợ, ấy vậy mà ông không hề ốm đau, ít khi phải dùng đến một viên thuốc dù đã ở cái tuổi gần tám mươi tuổi.

"Ở lều cho mát"

Người dân thôn 3, xã Bình Giang (Thăng Bình, Quảng Nam) ai cũng biết đến người đàn ông kì dị này. Họ tận tình chỉ đường cho chúng tôi đến tận nơi. Phải đi qua một lối nhỏ hầu như không có người đi lại, chằng chịt gai góc xương rồng, và cả những cây cối ngã đổ chắn lấy lối đi, chúng tôi mới vào được nhà của ông.

Theo nhiều người dân cho biết, ông tên là Lê Để (SN 1935) không vợ con, không họ hàng thân thích. Giờ ông chỉ sống một mình trong những túp lều tự làm lấy được ông gọi là nhà. Khi nghe chúng tôi giới thiệu là nhà báo, ông cởi mở chia sẻ luôn. Ông bảo "từ nhỏ ở nhà lợp mái rơm rạ quen rồi, giờ ở nhà xây, nhà mái tôn không được, thấy lạnh lẽo lắm". Rồi sau đó ông cười rất tươi và vồn vã mời chúng tôi thăm quan "cơ ngơi" của ông.

Sự kiện - 50 năm cởi trần, bỏ nhà xây ở lều rơm

Dị nhân đứng giữa cơ ngơi của mình

Cơ ngơi của ông có ba căn lều: Một căn chính để ở và sinh hoạt, một bếp và một kho. Căn nhà chính của ông thực chất là một túp lều rơm cao không tới một thước rưỡi, chỉ vừa với dáng người thấp nhỏ chừng 1,4m của ông. Chúng tôi sau khi ngó đầu vào nhìn thì đành xin phép đứng ngoài và trò chuyện. Nhà của ông được chia khu rất cụ thể, một lều được dựng lên làm chỗ ngủ, bên trong không có chăn chiếu mùng mền gì, chỉ có chiếc chõng tre ngắn và nhỏ để ông ngủ mỗi tối, hay những lúc thấy trong người mệt mỏi.

Một chiếc lều khác cách đó không xa được ông dùng làm bếp. Bếp của ông cũng chẳng có gì ngoài hai chiếc thùng đựng nước xin được, hai chiếc nồi nấu nhỏ xíu, mấy chiếc bát mẻ và đôi đũa, cái thìa dùng để ăn cơm. Cách đó một đoạn chừng mười bước chân là một chiếc lều khác ông dựng lên để làm nhà kho. Chiếc lều này nhỏ xíu không đủ cho ông chui vào. Trong nhà kho của ông cũng chẳng có gì ngoài chiếc nón rách ông dùng để đội khi trời mưa, cùng những thứ đồ vật lặt vặt hư hỏng khác. Tất cả những chiếc lều trên đều được ông đi nhặt rơm rạ trên đồng về rồi tự tay dựng lên.

Hàng ngày, ông chỉ đánh độc một chiếc quần đùi được người ta mang cho. Ông không mặc áo, không phải vì không có áo mặc, mà như dị nhân cho biết thì: "Mặc áo vào không quen, thấy ngứa ngáy lắm. Mặc lại nóng nữa nên bỏ hết rồi!", nói rồi ông cười hềnh hệch ra chiều thú vị lắm. Mà quả thật, tìm khắp trong nhà ông cũng không thấy một chiếc áo nào.

Theo ông cho biết thì bất kể lúc nào, mùa đông hay mùa hè, trời nóng hay trời lạnh ông đều cởi trần trùng trục ra như thế. Điều đặc biệt hơn là ông cũng chỉ có duy nhất một chiếc quần đùi đang mặc trên người. Ông bảo: "Nhiều quần áo làm gì! Cần mặc cái quần này là đủ. Mặc lâu nó rách thì người ta lại cho cái quần khác. Mặc lâu lâu rồi giặt một lần cho tiện chứ nước đâu, bột giặt đâu mà giặt. Giặt nhiều vải chóng mục, không thích!", ông Để lý giải với chúng tôi như vậy khi ngồi bên căn bếp đang nấu nước mời khách.

Nước mời khách của ông được nấu trong chính chiếc nồi ông vẫn thường dùng nấu cơm, không hề cần rửa ráy gì, vì ông bảo nước có vị gạo, vị cơm uống vào nó mới thơm, mới ngon được. Lúa gạo, con người cũng do trời đất sinh ra nên cứ để như thế thôi. Chúng tôi ngại ngần cầm chiếc bát đựng nước ông đưa cho mà không dám uống… vì sợ.

Giận vì được... tặng nhà

Giữa khuôn viên của những căn lều ấy là một ngôi nhà nhỏ được xây cách đây hơn chục năm. Theo nhiều người dân cho biết, đó là nhà tình thương mà chính quyền địa phương cùng người dân chung tay góp công góp sức làm nên cho ông lấy chỗ trú ngụ những lúc mưa gió bão bùng. Ấy thế mà ông không ở. Nhiều lần ông định đập bỏ ngôi nhà ấy đi vì thấy "chướng mắt quá!", nhưng rồi lại thôi.

Nói về chuyện này, ông cười: "Người ta bảo tôi điên khùng, nhưng không phải đâu. Tại tôi không thích ở nhà xây đấy thôi. Ở nhà lá như thế này vừa mát, lại không có tiếng ồn như nhà kia có hơn không?!”. Khi chúng tôi nói ở nhà xây an toàn hơn, mưa gió không sợ, ông không nói lại nhưng lắc đầu nguầy nguậy ra chiều không ưng ý. Có lẽ ông đã quá "chán" với những lời khuyên kiểu như thế?

Trong căn nhà xây bên những chiếc lều ẩm thấp, ông vẫn để bàn thờ gia tiên, thi thoảng ông vẫn thắp hương vào ngày rằm, mồng một hàng tháng nhưng không dâng lễ là đồ mặn, có chăng chỉ là những thứ trái cây ông xin được của nhà hàng xóm.

Ông bảo "các cụ ăn hương ăn hoa thôi, ăn đồ mặn không nên". Chính vì thế ông cũng rất ít khi ăn thịt. Đồ ăn chủ yếu của ông là cơm trắng nấu thật nhão, ăn với mắm cáy nhiều ớt, thật cay. Hay sang hơn chỉ là món mỳ Quảng truyền thống của người dân xứ này.

Nhiều người dân kể với chúng tôi, có những lúc ông ra quán ăn mỳ như người ta, mỳ ngon thì ông chạy lại xin thêm một ít, còn không ngon thì ông đứng dậy chê thẳng rồi bước về. Nhiều lúc cả khách và chủ quán cũng chưng hửng bởi lời nhận xét của ông.

Suốt ngày ông chỉ bó mình trong phạm vi đất của ông, rất ít khi ông ra ngoài. Có chăng chỉ là đi lấy thức ăn, đi nhận gạo. Ông chỉ làm bạn với một con chó mực nhà hàng xóm, thường gọi nó là "con" và cho nó ăn. Cứ mỗi khi rảnh rỗi là ông ngồi nhặt cỏ trong vườn nhà mình. Mà thời gian rảnh rỗi của ông khá nhiều nên cả khu vườn sạch bóng, không có một ngọn cỏ nào có thể mọc lên nổi.

Sự kiện - 50 năm cởi trần, bỏ nhà xây ở lều rơm (Hình 2).

Bữa ăn của dị nhân chỉ là cơm nhão và mắm cáy

"Dị nhân" của làng

Bà Nguyễn Thị Thùy Ba (54 tuổi, hàng xóm của ông) khi trò chuyện cho biết: "Ổng (ông ấy) không có vợ con, cũng chẳng còn bà con thân thích. Cha mẹ mất từ hồi chống Pháp nên ổng sống một mình từ bấy đến nay. Suốt ngày ổng chỉ quanh quẩn trong nhà, không phá phách gì ai nên cũng chẳng ai để ý tới ổng nữa. Lạ một điều là ổng chẳng bao giờ mặc áo, ngủ cũng chẳng có mùng mền gì, ăn uống thì kham khổ là vậy mà chưa bao giờ thấy đau yếu hay phải uống thuốc gì hết".

Bà Ba cũng cho biết, hồi nhỏ ổng học hành "cũng được lắm" nhưng rồi khi cha mẹ ông mất thì ông nghỉ học, sau đó cứ sống như vậy. Khi thấy ông Để sống trong mấy căn lều tạm bợ như thế, chính quyền địa phương đã vận động bà con trong thôn xã đóng góp để dựng cho ông một ngôi nhà xây nhưng ông Để nhất quyết không chịu nhận. Vì thương ông nên bà con mỗi người một tay quyết đến "cưỡng chế" để dựng nhà cho ông.

Khi đặt gạch xây nhà, ông bỏ đi mấy ngày rồi lại trở về nhưng không vào ở trong nhà xây mà tự mình đi lấy rơm rạ rồi dựng lều để ở. Nhiều lần bà con hàng xóm nói ông dọn vào nhà xây ở nhưng ông không chịu. Lâu dần người ta cũng không thèm nói nữa, cứ để ông ở như thế. Nhà ông ở trong một lối đi rất ít người qua lại nên thi thoảng bà con chòm xóm láng giềng lại phải đi qua cất tiếng gọi, để xem ông có chuyện gì không. Khi nghe thấy tiếng ông trả lời là mọi người yên tâm vì ông vẫn còn sống"!

Ông Lê Đức (trưởng thôn 3) cho biết: "Thấy ổng sống một mình không ai thân thích, giờ già cả rồi không đi làm ăn gì được nữa nên chính quyền cũng thường tổ chức quyên góp cho ổng. Mỗi tháng ổng nhận được 10kg gạo từ lòng hảo tâm của bà con. Chính quyền cũng muốn làm cho ông một chế độ gì đó nhưng khổ nỗi ổng không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào, cũng chẳng có hộ khẩu nên chúng tôi cũng không thể làm gì hơn được!".

Cứ thế, hai ba ngày khi hết gạo ông lại lần mò sang nhà hàng xóm để nhận gạo, nhận mắm muối. Nhiều lúc hàng xóm cho tý thịt nhưng ông nhất định từ chối. Ông bảo ông không thích ăn thịt, chỉ ăn nước mắm hay mắm cáy mà thôi. Quần áo hay vật dụng người ta cho ông cũng không nhận bất cứ thứ gì, vì "không có chỗ mà để" như ông nói.

Gần 80 tuổi đời, nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, vẫn nhớ vanh vách những chuyện gia đình từ thuở ông còn mười lăm. Chẳng biết những câu chuyện ông kể về gia đình mình có thật hay không, nhưng với tất cả những điều trên cũng đủ thấy ông là một người thực sự đặc biệt, có một không hai trên đời này.

Bùi Hữu Cường