Ấm lòng bản Hủi nơi rừng sâu

Ấm lòng bản Hủi nơi rừng sâu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Hiện nay, trại phong không còn bị coi là bản Hủi như ngày xưa, những căn bệnh cũng dần được chữa khỏi.

Người khai sinh ra trại phong này là bác sỹ Nguyễn Đăng Sinh, ông đã gắn bó với trại phong gần 50 năm nay. Thời đó, những bệnh nhân phong tự tập trung thành một xóm nhỏ giữa rừng, trong những túp lều tranh. Dù sắp chết vẫn phải sống, nhưng căn bệnh quái ác này lại dần dần lấy đi từng phần trên cơ thể họ và họ quen với cảnh mỗi tháng mất một ngón tay rồi. Không còn bàn tay, họ phải dùng dây buộc cuốc, buộc dao vào cánh tay để rồi lặn lộn với rừng mà tồn tại. Cảm thương trước những cơ thể không nguyên vẹn, bác sỹ Sinh quyết định gọi thêm người lên mở trại phong nơi đây.

Xã hội - Ấm lòng bản Hủi nơi rừng sâu

Năm 1957, một trại phong được dựng lên trong cánh rừng già và họ thu gom được 50 bệnh nhân. Ba năm sau con số tăng lên gấp 5 lần và người ta đặt tên hành chính là bản Pháy vì bản nằm ngay bên ngọn núi Pháy.

Năm 1963, trại đón nhận 15 bệnh nhân phong từ Lào trốn sang. Đến nay những người bệnh đều đã lập gia đình với những bệnh nhân khác như chị Quàng Thị Thum và anh Lường Văn Ọi, chị Quàng Thị Thăm và anh Lường Văn Pản, chị Vì Thị Túp và anh Đỗ Đắc Tuấn, rồi thì chị Chào Thị May, chị Lò Thị May... Hiện nay con cái họ đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm. Người con trai cả của bác sỹ Sinh lập một công ty đã thành lập Công ty sơ chế, buôn bán nông sản và thu hút con em người dân trong trại phong vào làm.

Giờ đây, trại phong cũng dần thêm khang trang, cuộc sống của người dân bản Pháy - làng Hủi - ngày nào giờ đã đổi thay, xua tan đi những mặc cảm thường có trong con cháu người bệnh. Có người chơi chữ nói với tôi, trại phong Sông Mã như khúc độc hành của những cuộc đời trốn chạy, họ tự tạo dựng nên cuộc sống mới từ những đôi tay không lành lặn.

Mãi sau này, khi có nhiều người trở về đưa người thân sang chữa bệnh và sinh sống, họ chứng minh bằng sự lành lặn, kể về trại phong nhân đạo mới có nhiều người tìm đến. Lời nguyền về người hủi ăn thịt lẫn nhau được giải như thế đó. Tình hình giáo dục của trại phong đã phát triển ngoài sức tưởng tượng. Ngày xưa, bản thân trẻ con trại phong không dám ra khỏi bản chứ đừng nói gì đến chuyện đến trường đi học. Thế rồi, trong bản, có một cô giáo Nguyễn Thị Xuân, là giáo viên ở Điện Biên lên chữa bệnh phong đã ở lại đây xây nhà và mở lớp cho bọn trẻ.

Từ đó, lớp trẻ đầu tiên của trại phong lúc bấy giờ mới biết chữ. Rồi chúng xuống bản đi học, có người đã tốt nghiệp đại học Sư phạm sau trở về bản dạy học. Bây giờ, ngoài giờ giảng dạy ở lớp học của trại phong, cô Xuân còn biến ngôi nhà hai tầng của mình thành lớp dạy thêm cho bọn trẻ mà không lấy tiền.

Đến bây giờ, người đời không còn sự phân biệt và miệt thị nữa, trẻ con của trại phong núi Pháy đã được hòa nhập cộng đồng, được đi học ở Hà Nội hay đâu đó với một niềm tự hào. Trên gương mặt của người già, trẻ con, nhất là trẻ con nơi thâm sơn cùng thủy luôn rạng rỡ niềm vui làm ấm lòng người...

Nay đã khác xưa

Hiện nay trại phong không còn bị coi là làng Hủi như ngày xưa, một con đường chạy thẳng vào thị trấn huyện Sông Mã vắt qua cạnh trại, thế là nó sầm uất lên. Đầu năm 2004, sở Y tế Sơn La quyết định chuyển trại phong thành Trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng do sở Y tế quản lý, điều đó đồng nghĩa với việc biến vùng đất "ẩn náu của quỷ" này thành nơi đến tin cậy của người bệnh.

Hà Tân