Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P9)

Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P9)

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Trước khi tôi cùng bạn lang thang trôi trên sông Hằng một chiều đông muộn, chúng ta lướt nhanh qua lịch sử sông Hằng và thành Varanasi một chút nhé.

Sông Hằng là một con sông quan trọng ở Ấn độ, dài 2510 km, bắt nguồn từ rặng Hymalaya, chảy vào Ấn độ qua Bangladesh và đổ vào vịnh Bengal, lưu vực sông có diện tích khoảng một triệu km². Tên con sông liên quan đến một vị thần Ấn Độ giáo – Ganga.

Đây là là con sông phì nhiêu và có nhiều cư dân sinh hoạt đông đúc 2 bên bờ, trong đó đoạn sông chảy qua Varanasi được xem là dòng sông thiêng của đạo Hindu. Đoạn sông có nhiều huyền thoại khiến những đạo sỹ khổ hạnh, thường dân bá tánh… tụ tập ở đây cầu nguyện, tắm gội để tẩy rửa những tội nghiệp của cõi nhân gian.

Hầu như cảnh quan và nghi thức sinh hoạt ở đây không có nhiều thay đổi suốt hơn 2.500 năm qua. Khi Đức Phật đến đây vào 2.500 năm trước đã như vậy - và đó là nét hấp dẫn và làm kinh ngạc du khách toàn thế giới.

Varanasi, nằm dọc theo bờ sông Hằng, là 1 trong những thành phố lâu đời nhất trên hành tinh. Ra đời từ 3.500 năm trước, vào những năm 1.300, những người Afghan đã bắt đầu tàn phá thành phố. Tiếp đến, những cuộc chinh phục của các lãnh chúa Hồi giáo đã phá tan hầu hết những đền đài xưa cũ. Tuy giờ đây vẫn có thể thấy nhiều đền đài xưa, nhưng chúng cũng chỉ vài trăm năm tuổi chứ những đền đài của thời vàng son Varanasi hầu như không còn nữa.

Hơn 100 tòa tháp dọc bờ sông, gọi là Ghat, được sử dụng làm nơi tắm rửa để gột sạch tội lỗi, là nơi cầu nguyện của những nhà khổ hạnh, đạo sỹ, cư dân Varanasi cũng như ở khắp Ấn Độ. Ngoài ra còn vài Ghat được dùng làm nơi hỏa táng.

Từ lúc bình minh, các đạo sỹ cùng tín đồ của họ tụ tập tắm gội và cầu nguyện. Trong tất cả Ghat, Dasaswamedh Ghat là tráng lệ và đồ sộ nhất. Có Ghat dùng để làm bến tắm gội, có Ghat để thực hành Yoga, cầu nguyện, cũng để làm nơi bán trầu cau, tràng hoa, đấm bóp trị liệu, bơi lội, và cả hành khất xin ăn…

Varanasi là 1 trong những thành phố cuốn hút du khách nhất của Ấn Độ, bởi những đền đài xưa cũ, bởi những Ghat cũng cũ xưa, bởi cuộc sống nhiều màu sắc và đặc biệt bởi dòng sông Hằng linh thiêng chạy ngang qua. Thành phố còn có các tên khác như Benares, thành phố của thần Shiva… Nổi tiếng như Taj Mahal.… Nhiều người nói rằng, đến Ấn Độ mà chưa đi thuyền trên dòng sông Hằng để chiêm ngưỡng Varanasi soi bóng bên sông thì cũng xem như chưa đến Ấn Độ.

Tôi leo lên chiếc đò chậm rãi trôi ra giữa dòng sông Hằng lúc trời chiều đã chập choạng. Vì không đoán trước việc kẹt xe ở Varanasi nên tôi đã về đến bờ sông trễ hơn dự định. Cũng chẳng sao, vì cả chiều hôm nay có thấy mặt trời đâu nên việc ngắm hoàng hôn bên sông chắc chắn là không thể. Với lại, mặt trời sẽ chìm xuống bên này sông, tức là phía các Ghat, cũng như thành Varanasi, do vậy muốn ngắm hoàng hôn trên sông Hằng thì phải qua bên kia sông.

Sông Hằng huyền thoại đã bị làm ô nhiễm đến mức này đây!

Tôi lên đò rời bến lúc sông đã lên đèn nhưng vẫn còn chút ráng muộn trên thành xưa

Nhiều những con đò của những gia đình, bạn bè vui vẻ trên sông, đò tôi chỉ riêng mình tôi…

Đò lặng lẽ trôi trên sông chiều chập choạng. Ông lái đò cũng đã già lắm rồi nhưng vẫn còn mạnh khỏe và vui tính, nhiều lúc cứ ngân nga những bài dân ca Ấn Độ nho nhỏ trong lúc chèo đò làm không khí càng thấm đẫm hương vị Varanasi.

Ông lái đò trên sông Hằng

Đò bắt đầu đi vào sương khói chiều lan man trên sông

Bờ sông nhiều bùn và rác bẩn, ra giữa sông thì đỡ hơn nhưng sông vẫn đùng đục, lại càng tối màu hơn trong chiều tắt nắng. Có 2 hướng để đi thuyền trên sông từ Dasaswamedh Ghat, rẽ phải đi xuống hướng Assi Ghat, rẽ trái đi về hướng Manikarnika Ghat, nơi hỏa táng lớn nhất ở Varanasi. Tôi chọn hướng đi Manikarnika vì hướng này ngắn, hướng kia dài hơn sẽ để dành cho chuyến đò ngày mai đi trong bình minh. Và tôi chọn hướng này vì muốn có 1 cái nhìn khác về Manikarnika Ghat, từ giữa sông nhìn về, thay vì từ trên bờ sông.

Đền đài xưa bên sông chiều

Con đò cứ lặng lẽ trôi chậm chạp, từ từ lướt qua những lâu đài theo nhiều kiến trúc xưa cũ đa dạng khác nhau. Trong bóng chiều quá cũ, những tòa lâu đài này không tỏa nổi bóng xuống dòng sông cũng sẫm màu, dường như chúng cô đơn đến mức không có chiếc bóng để làm bạn?! Trên dòng sông còn có nhiều di tích giờ nằm dưới lòng sông tuy đã cũ xưa nhưng vẫn cho thấy dáng kiêu hãnh của ngày nao lầu đài thành quách còn kiêu hãnh soi bóng trên cao.

Trên bờ, những gia đình vẫn tụ tập tắm sông lần cuối trước khi đêm về. Trên những bệ đá ven bờ sông những gia đình vừa làm lễ hỏa táng xong cho người thân vẫn nghiêm trang ngồi khấn nguyện, những chiếc áo đỏ vàng của các đạo sĩ giờ là những điểm nhấn rực rỡ cho dòng sông đã gần sang đêm.

Tẩy trần lần cuối trước khi đêm về

Đạo sĩ vẫn còn bên bến sông

Đền đài xưa trong bóng chiều chập choạng

Trên dòng sông, ngoài những chiếc đò bé cô đơn dập dềnh như chiếc đò tôi đang đi còn có những chiếc thuyền lớn hơn, có những gia đình Ấn đi làm lễ hay tham quan. Họ thả xuống dòng sông những ngọn nến khấn nguyện nằm trên những đóa sen giấy nhỏ xinh, những hoa đăng. Những đốm lửa cứ chập chờn trên sông theo sau những lọn sóng nhỏ từ con thuyền, rồi dần tản ra thành những đóa hoa lửa li ti nhấp nháy trên dòng sông phẳng lặng. Trên dòng đã dần tím sẫm, đôi lúc những đóa sen nguyện cầu mang nến tập trung thành một thảm hoa lửa li ti, vừa đủ tạo nên 1 vầng sáng mờ ảo huyền hoặc trên những vùng sông xa xa, tạo cho sông Mẹ một vẻ đẹp huyền bí của lúc ngày tàn.

Hoa đăng bé nhỏ dập dềnh trên sông

Manikarnika Ghat lúc chiều muộn, lửa rực sáng góc sông, khói vấn vương bay là đà trên sông như khói sóng…

Đi tiếp lên nữa, gần Manikarnika Ghat, nơi giờ đây những đốm lửa hoa đăng giờ như lụi tàn hoặc quá mờ nhạt nên chúng đành bỏ đi tan thân theo sóng. Những ngọn lửa rừng rực từ các hỏa đàn bên sông đã làm chúng đã mong manh lại càng trở nên quá nhỏ bé. Trong chiều muộn, từ ngoài sông nhìn vào các đống lửa đang rực cháy đốt thiêu thân xác của những kiếp người vừa rời cõi tạm, cứ phừng phực, phừng phực như quấn quíu hồn ai đang bay cao.

Trong đám tro bụi đang bay tít mù quẩn quanh trên cao kia, có còn chút gì của ai đó còn vương vấn, có ai nào biết? Chỉ biết là những con thuyền đi qua đây đều lặng lẽ nhẹ nhàng chầm chậm trôi, để người ngồi trên thuyền có chút yên ắng, chút thời gian để suy ngẫm về thân phận, về kiếp người, về cuộc sống, về con sông nào có thể rửa trôi, có thể mang đi những tội nghiệt của một kiếp người.

Backpackervn