Ăn Tết ở cao độ 1.296m

Ăn Tết ở cao độ 1.296m

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Mùa xuân vừa kịp dệt một màu xanh cho mảnh đất huyền thoại nơi độ cao gần 1300m so với mặt biển. Nơi ấy có đền thờ Bác Hồ kính yêu, có đỉnh núi Tản của huyền tích Sơn Tinh Thủy Tinh, có những con người đã đón hơn hai mươi cái Tết giữa mây mù giá lạnh…

Sống giữa lưng chừng trời

Những ngày cận Tết Nhâm Thìn, Ba Vì đón chúng tôi với những đặc sản vốn rất riêng của mình, là sương mù, là nắng vàng rộm như hoa cúc quỳ rực rỡ ven đường, và những đỉnh núi cao ngút trời bạt ngàn cây cối. Chúng tôi vượt qua quãng đường 13km đầy hoang sơ và hùng vĩ với những khúc cua tay áo, dốc dựng thẳng đứng, cùng với vùng không khí loãng ù tai, và cả những đoạn mây mù giăng kín che khuất tầm nhìn để đến Trạm kiểm lâm 1.100m. Nơi đây là "đại bản doanh" của 5 chàng "lính ngự lâm" bảo vệ rừng.

Vừa nhâm nhi chén nước chè nóng xua tan giá lạnh của miền sơn cước, anh Trần Ngọc Chính, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm cốt 1.100 vừa thong thả cho chúng tôi biết: Trạm được thành lập từ năm 1996, với 5 thành viên được cắt cử túc trực tại hai địa điểm đó là tại trạm chính (cốt 1.100) và cốt 1.296 (nơi có đền thờ Bác Hồ).

Nhiệm vụ chính của trạm là quản lý bảo vệ gần 1.000ha rừng thuộc phân khu nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Ba Vì, nằm ở độ cao từ 800m trở lên, gồm có 3 ngọn núi cao nhất: Đỉnh Vua (cao 1.296m), đỉnh Mẫu (1.227m) và đỉnh Ngọc Hoa (1.131m).

Sau gần một giờ đồng hồ cuốc bộ và vượt qua 779 bậc đá, chúng tôi đặt chân tới đỉnh Vua. Non sông hùng vĩ hiện ra trước mắt. Cả một vùng đồng bằng trù phú trải dài mênh mông. Đập Đồng Mô thấp thoáng trong sương chiều. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, khiến ai cũng suýt xoa vì lạnh. Đỉnh Ba Vì quanh năm mây mờ bao phủ, khiến nhiệt độ ở đây bao giờ cũng thấp hơn dưới chân núi từ 7-8 độ C, còn khi màn đêm buông xuống, nhiệt độ 2-3 độ C là chuyện bình thường. Có thời điểm, nhiệt độ xuống đến 0 độ C, băng giá phủ trắng cây cối như trong truyện cổ tích về bà chúa Tuyết. Lạnh giá cùng độ ẩm rất cao, phải là người có sức khỏe lắm mới trụ lại được.

Anh Vũ Quang Đông, kiểm lâm viên cốt 1.100m bộc bạch: "Cuộc sống ở đây vất vả thiếu thốn nhiều lắm. Phần vì độ cao khiến việc đi lại khó khăn, phần vì khí hậu ẩm ướt quanh năm làm cho đồ điện tử, vật dụng hàng ngày liên tục bị hỏng, muốn có phụ kiện thay thế chúng tôi phải nhờ người mua từ dưới xuôi mang lên.

Khổ nhất vẫn là vấn đề nước sinh hoạt. Trước đây, chúng tôi phải thay nhau gánh nước từ dưới cốt 1.100 mang lên. Nay đỡ hơn vì đã có hệ thống bơm nước mới, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Mọi sinh hoạt vẫn phải nhờ ở dưới cung cấp, hay như muốn tắm, giặtọ, anh em phải thay nhau xuống dưới trạm". "Biết là vất vả, là khó khăn và thiếu thốn đủ bề, nhưng anh em chúng tôi vẫn rất vui vì mình được làm nghề và trên hết đó là tình yêu với rừng, được trông coi và bảo vệ đền thờ Bác" - anh Đông tự hào.

Xã hội - Ăn Tết ở cao độ 1.296m

Quang cảnh đền thờ Bác trên cốt 1.296m.

Cùng chung tâm trạng, anh Đỗ Bằng Nghiêm, Trạm phó trạm kiểm lâm cốt 1.100 cho biết thêm: "Không chỉ khó khăn về vật chất thường ngày mà ngay cả mặt đời sống tinh thần chúng tôi cũng rất khó khăn, thiếu thốn. Trong số 5 anh em của trạm, người có quê xa nhất là tỉnh Thái Bình, còn gần như ở Phú Xuyên, Quốc Oai, Ba Vì (Hà Nội) với khoảng cách chỉ vài chục cây số nhưng thời gian chúng tôi được về thăm gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mọi thông tin trao đổi với người thân phần lớn qua điện thoại. Vì thế, chúng tôi gắn bó với nhau không chỉ bằng tình đồng nghiệp, mà còn cả bằng tình anh em, người thân, luôn động viên nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Bữa cơm của những người kiểm lâm đãi khách cũng thật đặc biệt: Canh rau rừng và khói cơm nghi ngút hòa lẫn làn sương mong manh. Vừa xới chén cơm nóng cho tôi, anh Chính vừa rủ rỉ: "Trước đây, đời sống của người dân còn nghèo, nạn chặt phá rừng, săn bắt trái phép diễn ra nghiêm trọng. Để bảo vệ rừng, đã không ít lần chúng tôi phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí là phút giây sinh tử. Thế nhưng, nhờ bản lĩnh của người kiểm lâm, cũng như kinh nghiệm làm nghề đã giúp anh em vững vàng vượt qua. Đến nay, tình trạng khai thác rừng trái phép ở Vườn Quốc gia Ba Vì gần như không còn.

Tuy nhiên, không vì thế mà việc tuần tra canh gác lơi lỏng. Hàng tuần trạm vẫn thường tổ chức đi tuần tra, kiểm soát từ 1- 2 lần. Mỗi lần như vậy phải đi khoảng 8-10km đường rừng với nhiều vực sâu, dốc đứng. Khi đi rừng không thể nói trước được điều gì, nhiều hôm mây mù giăng kín, muốn có đường đi phải dùng dao bạt cây mở đường. Việc đối diện với rắn độc, vực sâu nguy hiểm khó tránh khỏi. Không chỉ ở trong rừng mà ngay cả trên đường nhựa chúng tôi đã nhiều lần mặt đối mặt với rắn hổ mang chúa nặng trên dưới 10kg nằm chặn ngang đường. Nếu không có bản lĩnh và kinh nghiệm, để rắn đuổi thì khó bảo toàn tính mạng".

Vùng đất của những huyền tích

Núi Ba Vì nằm trong vùng đồng bằng xen kẽ đồi gò, được tạo lập bởi sự xâm thực, chia cắt các thềm đá gốc và thềm phù sa cổ sông Hồng. Nơi đây còn lưu trữ rất nhiều các hiện vật bằng đá, đồ đồng, đồ gốm có niên đại cách đây hàng nghìn năm, từ thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Đặc biệt, vùng núi Ba Vì không chỉ gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh huyền thoại (nơi phát tích Thánh Tản Viên - Sơn Tinh, vị thánh đứng đầu trong bốn vị Thánh Tứ bất tử), mà còn là ngọn núi linh thiêng của xứ Đoài, của nước Việt Nam ta.

Bởi theo truyền thuyết, xưa kia, vua nhà Đường coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát vương, vua Đường đã cử một vị tướng kiêm thầy phù thủy nổi tiếng tên là Cao Biền dùng pháp thuật cho đào 100 cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì trấn yểm, hòng triệt long mạch của nước ta. Nhưng cứ đào gần xong cái giếng nào thì giếng ấy sập, nên chúng đành phải bỏ cuộc Và còn nữa..., cùng với xứ Đoài xưa, nơi đây vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt, dày đặc di tích lịch sử danh thắng gắn với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc: Đường Lâm - Kẻ Mía, nơi một ấp hai vua Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô vương Ngô Quyền.

Như để nối tiếp lịch sử, anh Đỗ Thanh Hùng, trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Vườn Quốc gia Ba Vì giới thiệu: Vườn Quốc gia Ba Vì hiện có 812 loài thực vật bậc cao, thuộc 427 chi và 99 họ. Có những thực vật chỉ có ở núi Ba Vì như cà lồ Ba Vì, bời lời Ba Vì, mỡ Ba Vì, thu hải đường Ba Vì... Hệ động vật rừng có 44 loài thú, 114 loài chim, 15 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, trong đó có 24 loài quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như gà lôi trắng, báo gấm, chồn bạc má, gấu ngựa, sơn dương, tê tê vàng, sóc bay trâu..."

Xã hội - Ăn Tết ở cao độ 1.296m (Hình 2).

Một buổi tuần tra rừng của lực lượng kiểm lâm.

Cũng theo anh Hùng: Khi Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập (năm 1991), lúc đó ý thức bảo vệ rừng của người Kinh, Mường, Dao quanh chân núi chưa hẳn được như bây giờ, cuộc sống chính của họ vẫn phụ thuộc vào rừng với kinh tế trang trại, vườn rừng và làm thuốc chữa bệnh. Do vậy tình trạng lấn rừng, chặt gỗ mang bán thường xảy ra. Để bảo vệ rừng, hơn 90 cán bộ, lực lượng kiểm lâm của Vườn phải tỏa đi khắp các thôn, bản tuyên truyền ngày, đêm cũng không xuể. Đến nay các cán bộ, lực lượng kiểm lâm của Vườn đã cùng sinh hoạt với dân, cấp kinh phí để từng thôn, bản tự đứng ra tuyên truyền lồng ghép việc bảo vệ rừng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Anh Đỗ Thanh Hùng tâm sự: "Trong 20 năm làm nghề có rất nhiều kỉ niệm, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi đó là khi vào các thôn bản chúc Tết. Do phong tục của người dân phải uống rất nhiều rượu, nếu uống không được và bị say sẽ rất khó làm việc sau này. Chính vì vậy, đây là khó khăn thử thách rất lớn đối với anh em kiểm lâm nhưng rất may về sau người dân biết, thông cảm và không bắt lỗi này nữa".

Đang hào hứng, anh Hùng bỗng trầm giọng: "20 năm làm nghề kiểm lâm thì ngần ấy thời gian tôi phải đón Tết muộn. Với đồng bào dân tộc thiểu số, họ không thể thiếu được ánh bếp lửa hồng, nồi bánh chưng ngày Tết nhưng anh em kiểm lâm vẫn hàng ngày phải tuần tra, bảo vệ màu xanh của núi rừng".

Chia tay những người con của núi rừng, chúng tôi vừa xúc động, vừa tự hào: Vẫn còn rất nhiều những con người bình dị, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng, vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ màu xanh của núi rừng, bảo vệ hồn thiêng sông núi, giữ cho mùa xuân mãi mãi bình yên và ấm áp.

Hoàng Anh