Ba nút thắt kìm hãm giáo dục

Ba nút thắt kìm hãm giáo dục

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Câu chuyện “đề án 70 ngàn tỷ đồng” để đổi mới chương trình và sách giáo khoa đang khiến dư luận quan tâm. Xung quanh những vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Đào Trọng Thi, ủy viên Trung ương Đảng Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Nghịch lý dạy nghề

Giáo dục và đào tạo luôn là quốc sách hàng đầu, vậy hiện nay việc đầu tư cho GD ở nước ta đã xứng đáng chưa, thưa ông?

20% ngân sách của Nhà nước dành cho GD không phải là con số nhỏ. Nó là cố gắng rất lớn, không chỉ của Nhà nước mà còn của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Tôi cho rằng, với con số này, trong tương lai gần chúng ta không có khả năng tăng thêm nữa.

Điều kiện cơ sở vật chất hạn chế ở bậc ĐH đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của đội ngũ trí thức tương lai

Rõ ràng, ngân sách đầu tư cho GD không hề nhỏ, tuy nhiên việc tiến hành phân bổ nguồn ngân sách đó thế nào, đã hợp lý, đã mang lại hiệu quả chưa thì là vấn đề cần bàn. Chẳng hạn như GD phổ thông hiện nay do chưa gắn với đào tạo nguồn nhân lực nên đầu tư còn hạn chế, nhưng GD tiểu học và THCS thì được đầu tư rất bài bản. Do đó ta xác định mục tiêu là phổ cập các cấp học này, với giáo dục đại học (GDĐH) thì vẫn là một bài toán ngổn ngang.

Sao không phải là cấp học khác mà lại là GDĐH, thưa GS?

Qua nhiều lần kiểm tra, đánh giá của Quốc hội thì GDĐH của nước ta hiện nay có bước tụt hậu khá xa so với sự phát triển của xã hội. Các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ giảng viên /sinh viên... đều không được đảm bảo. Tất cả những điều này đều xuất phát từ cùng một nguyên nhân là sự phát triển quy mô GD vượt quá so với những điều kiện đảm bảo chất lượng.

Có thể khẳng định rằng nước ta không thiếu trí thức mà chỉ thiếu trí thức trình độ cao. Tuy nhiên, GD nước ta vẫn đang tồn tại một nghịch lý khác là những điều ta chủ trương lại không được thực hiện. Hiện ta đang khuyến khích học nghề nhưng lại chưa có cơ sở dạy nghề đảm bảo chất lượng. Do thực tế là thành lập trường nghề cần nhiều kinh phí hơn trường phổ thông.

Cần tạo động lực cho giáo viên

Vẫn loay hoay chuyện đổi mới SGK

"Về việc đổi mới chương trình SGK, gần đây Bộ GD&ĐT có đưa ra Đề án đổi mới với kinh phí 70 ngàn tỷ đồng, tôi cho rằng nếu bằng số tiền trên mà Bộ đạt được mục đích thì hoàn toàn đáng khen ngợi(!?). Tuy nhiên, điều tôi muốn nói đó là việc đổi mới thế nào với chương trình SGK. Có một thực tế là ý thức xã hội và trình độ dân trí của nhân dân ta còn nhiều hạn chế đã góp phần tạo ra sự quá tải cho chương trình SGK. Một mặt chúng ta chê chương trình SGK nặng, quá tải, nhưng mặt khác, cứ thấy con em mình có nguy cơ thiếu hiểu biết về một lĩnh vực nào đó là lại yêu cầu đưa vào giảng dạy trong nhà trường, như: An toàn giao thông, HIV,...".

(GS. TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

Nói về sự yếu kém của GD, rất nhiều người đổ lỗi cho SGK quá tải, nặng về những kiến thức hàn lâm mà thiếu phần rèn luyện kỹ năng thực hành, GS nghĩ sao về ý kiến này? Liệu ta có nên tập trung phần lớn ngân sách vào việc đổi mới SGK?

Chất lượng GD phụ thuộc vào 3 nhân tố là giáo viên, chương trình SGK và cơ sở vật chất. Những nhân tố này đều quan trọng, ta không nên tuyệt đối hóa nhân tố nào. Cơ sở vật chất rất quan trọng, là công cụ cần thiết để giảng dạy, vì thầy giỏi mà không có thiết bị tốt thì không thực hiện được mục đích giảng dạy của mình.

Bên cạnh đó, chương trình SGK cũng rất quan trọng, có thể nói rằng nó là linh hồn, quyết định chất lượng của GD. Nhưng mặt khác, nếu hai yếu tố trên tốt mà nhân tố giáo viên không giỏi cũng không thể cải thiện được tình hình.

Một trong 3 nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục là giáo viên, mà nguyên nhân chính của việc giáo viên không mặn mà với nghề chính là do đồng lương thấp, vậy theo GS với bài toán chế độ lương, Nhà nước cần có lời giải thế nào?

Nói chế độ lương là nguyên nhân của việc giáo viên không mặn mà với nghề là chưa đầy đủ. Có hai nguyên nhân khiến tình trạng này tồn tại đó là giáo viên không có năng lực và không có động lực. Hiện nay, một tỷ lệ lớn giáo viên đứng lớp, giảng dạy chỉ là hết trách nhiệm. Họ quan niệm rằng giảng thế nào, lương cũng chỉ được bằng đó, cứ đến kỳ thì tăng lương mà không cần cố gắng nâng cao tay nghề.

Do vậy, để tạo động lực cho đội ngũ này, Nhà nước cần tăng lương cho giáo viên, mức lương nhà giáo phải nằm trong top lương cao nhất, cùng với quân đội và công an, có thể thấp hơn một phần nhưng phải xấp xỉ bằng chứ không phải ở top trung bình như hiện nay. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ thâm niên cho nhà giáo cũng cần được coi trọng.

GS. TSKH Đào Trọng Thi

Để gỡ dần những nút thắt trên của giáo dục, theo GS cần thực hiện tốt điều gì?

Theo tôi, tăng quy mô là rất cần nhưng chất lượng phải là nhân tố đầu tiên, ngược lại, nếu chất lượng đạt thì phải phát triển quy mô. Khi mà cả quy mô và chất lượng đạt mà đầu tư của Nhà nước vẫn thấp thì chưa phát huy hết hiệu quả. Để đạt được mục tiêu là nâng cao chất lượng GD thì phải cần có sự tổng hợp của 3 nhân tố trên.

Xin cảm ơn GS!

Anh Đức