Bài học xương máu từ thực vật ngoại lai

Bài học xương máu từ thực vật ngoại lai

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Câu chuyện “cỏ lạ” của Trung Quốc đã khiến nhiều người không khỏi giật mình khi nghĩ đến những bài học đắt giá đã từng xảy ra.

Trao đổi với Người đưa tin, GS Nguyễn Lân Hùng, tổng thư ký các hội sinh học Việt Nam dẫn chứng, hẳn chúng ta chưa quên bài học xương máu từ những thực vật xâm hại đã phá hoại cảnh quan môi trường như dây leo bìm bìm, cây mai dương (còn gọi là cây trinh nữ nâu, cây mắt mèo)… Cây này oanh tạc khắp nơi, làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong rừng. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước. Một số loại thuốc trừ cỏ hóa học đã được sử dụng có khả năng diệt được cây mai dương, làm rụng lá nhưng không có khả năng diệt trừ rễ nên cây vẫn tái sinh dễ dàng. Sau nhiều năm, việc ngăn chặn sự phát triển và diệt trừ cây mai dương vẫn chỉ dừng lại ở kinh nghiệm: chặt sát gốc cây, đào rễ, phơi khô, sau đó đem đốt…

Xã hội - Bài học xương máu từ thực vật ngoại lai

GS Nguyễn Lân Hùng, tổng thư ký các hội sinh học Việt Nam

Theo GS Hùng, dù chủ định hay ngẫu nhiên xâm nhập vào Việt Nam, thực vật ngoại lai xâm hại luôn khiến các ngành chức năng đau đầu vì tính hủy hoại môi trường dai dẳng cũng như những hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế xã hội. “Điều đáng nói là khi những thực vật ngoại lai ấy phát triển rầm rộ, các phương án phòng ngừa và tận diệt của khoa học dường như thường trở nên quá muộn, nếu không muốn nói đến sự bất lực. Đừng giải quyết mọi việc khi sự đã rồi”, GS Hùng nói.

Ông Nguyễn Đình Hòe, trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho biết: Cách đây vài chục năm, các nhà thầu Trung Quốc sang khôi phục đường sắt Thống Nhất qua đèo Hải Vân đã mang sang một giống cây có tên là bìm bôi hoa vàng, trồng để bảo vệ mái ta - luy đường tàu. Song, sau mấy chục năm sinh sống ở đèo Hải Vân, cây này đã trở thành một loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm.

Theo ông Hòe, loại cây bìm bôi hoa vàng hiện phủ kín khu rừng cấm Hải Vân - Sơn Trà, phủ rộng 15.000 ha. Hằng năm, TP Đà Nẵng phải bỏ ra 200 - 300 triệu đồng để chặt bỏ trên bán đảo Sơn Trà. Chuyên gia này cũng cho biết, đây là loại cây dây leo, sống rất khỏe, phát triển nhanh bằng hạt, nhánh, rễ nên rất khó tiêu diệt.

Đức Anh