"Bản đồ điện ảnh thế giới vắng bóng Việt Nam"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Đó là nhận định của đạo diễn Lê Hoàng, người từng đạt nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước và được xem là 1 trong những người tiên phong làm phim giải trí ở Việt Nam.

Tham gia cuộc hội thảo nằm trong chương trình Liên hoan phim Quốc tế tại Việt Nam lần thứ nhất mang tên "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam" chiều ngày 20/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội, đạo diễn Lê Hoàng đã có cuộc trò chuyện với Đời sống & Pháp luật xung quanh vấn đề này.

Đạo diễn Lê Hoàng

Tủi thân" ở nước ngoài

Đã từng đi dự nhiều liên hoan phim trên thế giới, anh thấy vị thế của điện ảnh Việt Nam như thế nào?

Điện ảnh chúng ta chưa có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới. Trong cuốn sách của Pháp xuất bản về điện ảnh Châu Á, dành nhiều trang viết về điện ảnh Nhật, điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc...

Riêng điện ảnh Việt Nam chỉ có mấy chữ ở trang cuối thôi. Như thế đủ để biết được điện ảnh nước ta được đánh gia như thế nào. Điện ảnh nước ta yếu về nhiều mặt, từ sản suất, phát hành, liên hoan, quảng bá.

Điện ảnh của chúng ta còn thiếu yếu tố gì?

Trong công nghiệp điện ảnh có hai vấn đề là máy móc và con người. Máy móc thì có thể bỏ tiền ra mà mua. Như chúng ta vẫn nói "nước ngọt được sản xuất trên dây chuyền của Ý", "kem sản xuất dây chuyền của Pháp"... thì đúng là chúng ta chỉ cần mua dây chuyền, máy móc đó là có thể làm ra nước ngọt Ý, kem Pháp. Nhưng trong điện ảnh thì con người không thể nhập khẩu được.

"Bí kíp" vươn tới công nghiệp điện ảnh

Anh vừa nhắc đến công nghiệp điện ảnh, vậy chúng ta đã có công nghiệp điện ảnh chưa?

"Công nghiệp" tức là số lượng sản phẩm phải ở mức độ nào đấy. Ba năm vừa rồi liên hoan phim thì chúng ta có 15 phim, mà tất cả các phim Việt Nam trong ba năm đó làm ra đều để mang đi thi. Có nghĩa một năm chúng ta làm 5 phim.

“Gái nhảy” - Một bộ phim đã làm nên thương hiệu của đạo diễn Lê Hoàng

Công nghiệp điện ảnh cũng giống như công nghiệp trong các lĩnh vực khác, nguyên tắc là làm ra một số lượng sản phẩm lớn, đa dạng. Cũng giống như nếu chúng ta làm ra 5 cái ô tô thì chúng ta không có công nghiệp ô tô. Nếu như chúng ta ngồi khâu 1 đôi giày cũng vậy, dù đôi giày đó có đắt đến đâu đi nữa thì cũng không phải là ngành công nghiệp giày.

Còn nếu đã là ngành công nghiệp giày da thì phải chuyên nghiệp trong tất cả các khâu: từ khâu thuộc da, thiết kế cho đến đóng gói, tiêu thụ thì đấy mới gọi là công nghiệp. Nhắc đến "công nghiệp", đầu tiên phải tính đến sản lượng công nghiệp.

Nhưng theo tôi biết, vài năm gần đây chúng ta đã đầu tư rất nhiều tiền để mua sắm thiết bị, máy móc cho điện ảnh?

Chúng ta bỏ tiền ra mua máy móc rất đắt tiền nhưng một năm chỉ sử dụng mấy cái nên để nó hư đi. Lẽ ra chỉ nên thuê thôi, cả nước chỉ cần vài cái máy quay hiện đại là hợp lý, ai cần dùng thì thuê, như vậy có phải là sẽ tiết kiệm hơn rất là nhiều không? Đằng này cứ mỗi hãng phim đầu tư một vài cái, có hãng phim 2 năm không dùng đến 1 lần, rất lãng phí.

Ở Đài Loan các hãng phim chỉ có con dấu thôi, có một công ty cho thuê trang thiết bị riêng. Rồi lên lịch, kí hợp đồng, ngày hôm nay ai sẽ quay, cần thuê bao nhiêu máy. Như thế hợp lý và tiết kiệm được rất nhiều.

Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Tôi cho rằng, một bộ phim được coi là thành công khi bộ phim ấy ra lò được chính tay những người dân trên đất nước đó đón nhận, bằng cách bỏ tiền túi ra mua vé. Tôi làm phim cho dân tôi xem, cái thành công trước tiên của người làm phim là bán được vé cho chính người dân nước mình.

Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến giới trẻ vì họ là đối tượng chính của điện ảnh. Có thể thấy, giới trẻ phân bố trên cả nước, nhưng sự thật là chỉ giới trẻ ở thành phố mới có điều kiện xem và thưởng thức phim. Thực tế cho thấy, số lượng khán giả trẻ chiếm đến 75%. Vì vậy nếu làm phim mà không nhằm vào khán giả trẻ của thành thị là thua.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Huyền Trang