Băn khoăn dự án bảo tồn đào Nhật Tân

Băn khoăn dự án bảo tồn đào Nhật Tân

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, thậm chí phản đối trước thông tin Hà Nội đặt Trung tâm bảo tồn gens đào Nhật Tân tại quận Long Biên.

Vừa qua, sở NN&PTNT TP.Hà Nội đang tiến hành triển khai dự án xây dựng Trung tâm giới thiệu hoa đào tại quận Long Biên. Được biết, dự án xây dựng vùng phát triển, bảo tồn gens hoa đào Nhật Tân đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, triển khai năm 2013. Tuy nhiên, vấn đề khiến người dân làng hoa Nhật Tân băn khoăn khi giống đào nổi tiếng hàng trăm năm nay bỗng dưng bị đưa đi nơi khác bảo tồn.

Sự kiện - Băn khoăn dự án bảo tồn đào Nhật Tân

Một thời, đào Nhật Tân phải ra ven sông Hồng trồng để nhường lại đất cho các dự án

Sao không giao cho người Nhật Tân?

Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, đến thời điểm hiện tại nhiều hộ dân tại làng đào Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn chưa nắm được thông tin về dự án này. Tuy nhiên, phần đông họ hết sức phản đối khi có thông tin Hà Nội đặt Trung tâm bảo tồn gens đào Nhật Tân tại Long Biên chứ không phải Tây Hồ.

Trò chuyện với PV, cụ Nguyễn Văn Bình (79 tuổi), một người có thâm niên trồng đào ở Nhật Tân kể: Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi. Dân làng sống chủ yếu bằng nghề trồng đào, hoa cảnh. Kỹ thuật trồng đào của người dân làng Nhật Tân thì không nơi nào bằng được. Từ việc ghép cành đào bích vào gốc đào quả để tạo ra cây đào lai gốc khỏe, mà hoa vẫn đẹp, đều, đến việc sửa tán tạo thành cây tròn, đẹp đều. Ngay cả bí quyết "hãm đào" cho nở đúng vào dịp tết Nguyên đán trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường thì chỉ có nơi đây là đạt đến độ "muốn cho hoa nở ngày nào thì hoa nở ngày ấy".

Tuy nhiên, cụ Bình cũng bày tỏ sự lo lắng khi thương hiệu đào Nhật Tân đứng trước nguy cơ... bị quên lãng bởi đến hơn 90% diện tích trồng đào ở đây được đưa vào quy hoạch. Người dân nơi đây sẽ không biết bám víu vào đâu khi cái nghề, cái tâm đã gắn trọn với đào Nhật Tân. Không chỉ lo lắng về cuộc sống trong tương lai, các thông tin về dự án bảo tồn gens đào Nhật Tân cũng đang khiến những người dân làng đào đặt ra nhiều dấu hỏi. Bác Khương Thị Lan, một chủ vườn đào trăn trở: "Tôi không hiểu vì lý do gì người ta lại đặt một dự án trồng đào ở Long Biên trong khi đào Nhật Tân vốn đã gắn bó với xứ này. Tại sao không thay việc đó bằng cách lập dự án cho chính chúng tôi, hướng dẫn thêm kỹ thuật cho chúng tôi để có được vườn đào đẹp hơn?".

Bà con trong khu vực cũng cho biết, phần còn lại của làng đào chính là một phần của "dinh đào" Nhật Tân trước đây. Đào trồng tại vùng này không bao giờ có rễ cọc mà chỉ có rễ chùm, hoa đào to và cánh rất dày. Hoa đào của Nhật Tân thường chơi được rất bền so với đào trồng ở các nơi khác. Bên cạnh đó, đây là mảnh đất linh thiêng không chỉ của khu vực Tây Hồ mà còn quan trọng với cả Thủ đô. Đây lại là vùng đất mà nhiều người dân đã trồng đào nhiều đời, vì vậy, nên để nhân dân góp sức vào đó. Chính họ là những người hiểu "tính đào", nắm kỹ thuật trồng đào hay nhất và tốt nhất. Nếu dự án này triển khai, nhất định phải có yếu tố người dân tham gia. Chính những người dân trong làng đào sẽ bảo tồn được nghề trồng đào và làm cho cây đào phát triển.

Không chịu khuất phục trước những yếu tố chủ quan của con người cũng như chính sách đô thị hóa "trông nhà cao tầng thay đào". Người dân Nhật Tân đã chuyển làng đào ra ngoài bãi sông Hồng. Những mần non mới lại được gieo lên, những cánh đào Nhật Tân bắt đầu sinh sôi, nảy lộc. Lạ đất, lạ nước, cây đào dù được chăm sóc đến đâu vẫn không được như xưa.

Sự kiện - Băn khoăn dự án bảo tồn đào Nhật Tân (Hình 2).

Ông Khương Văn Minh, một chủ vườn đào bày tỏ sự lo lắng khi thương hiệu đào Nhật Tân sẽ dần bị mờ đi

Trăn trở giữ nghề

Khi nhắc về vấn đề tới đây đào Nhật Tân sẽ nằm trong dự án bảo tồn tại Long Biên, bác Khương Văn Minh tỏ vẻ ngạc nhiên. Bác chưa được HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhật Tân phổ biến về dự án này. Tuy nhiên, bác Minh cũng thể hiện quan điểm không thể di chuyển "hồn" của một làng đào một cách dễ dàng như vậy. Bác Minh cho biết, đối với những người "sành đào" thì đào Nhật Tân luôn có dáng riêng, không thể lẫn với bất kỳ đào của địa phương nào, bởi vậy sức cuốn hút của đào Nhật Tân chiều lòng những người khách khó tính nhất.

Người Nhật Tân mất nhiều đất trồng đào cho các chung cư cao tầng. Không phải ai cướp đất, ai xâm lấn mà là sự hy sinh tự nguyện cho sự phát triển chung của đất nước. Sự hy sinh là tự nguyện, nhưng người ta không thể quên nỗi đau của cái dự án trước đây phá đi vườn đào gốc mấy thế kỉ mà chính tay cha ông họ tạo dựng. Không còn cảnh vườn đào mênh mông sắc thắm, không còn cô gái Nhật Tân làm duyên bên nhánh đào nữa, vườn đào Nhật Tân năm nay đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao ốc chọc trời, những dãy nhà mới xây, những công trường ngổn ngang cát, bụi và những chiếc cần cẩu chọc tua tủa trên nền trời và tiếng xe cộ ồn ã, có nhiều nỗi buồn ẩn sau trong cơn bão đất... Đất trồng của đào Nhật Tân ngày càng co hẹp. Người làng đào đang cố trồng vớt vát dăm gốc đào trên những mảnh đất xác xơ, hun hút gió mà công trình xây dựng đô thị Nam Thăng Long chưa đụng tới.

Cách đây gần 20 năm, dân xã Phú Thượng mới quay lại trồng hoa và nhiều nhất là đào, với lợi thế gần đất đào Nhật Tân, lại được chính tay các nghệ nhân chăm sóc và truyền nghề nên đào Phú Thượng cũng trở nên nổi danh không kém và có phần vượt trội hơn vì diện tích trồng lớn hơn nhiều lần. Nhật Tân có 28 ha đất trồng đào ở ven đường Lạc Long Quân, còn Phú Thượng sở hữu một cánh đồng đào rộng lớn tới 116,7 ha, tuy nhiên diện tích này đang ngày càng một thu hẹp. Khác với đào trồng ngoài bãi, đào Phú Thượng chính gốc sắc thắm hơn, cánh dày hơn. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa mạnh trong những năm qua khiến vựa đào dần bị thu hẹp. Những đào bích, đào phai thế chỗ cho những khu đô thị bề thế. Vườn đào của gần 200 hộ dân làng Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội đang gần như bị xóa sổ. Còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết nhưng người dân bất đắc dĩ đã phải tính chuyện lo cho vụ đào sang năm.

Đứng từ xa, đã có thể thấy cảnh xơ xác của vườn đào Nhật Tân (một nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội mỗi dịp tết). Hàng chục héc-ta đào gần như trơ trắng luống. Càng tiến gần về phía Xuân La (khu vực đồng trũng), khung cảnh càng tàn tạ. Những khóm đào khô đen nằm chỏng trơ trên mặt ruộng. Cả đến những gốc đào cổ giá trị cũng đã chết khô, đành nhổ bỏ. Nhiều mảnh ruộng, có lẽ người dân cũng chẳng buồn thu dọn, cỏ dại mọc lan khắp luống, bỏ, leo lên cả những tán đào nâu đỏ, trơ gọng khô khốc. Trên những mảnh ruộng trắng nứt nẻ cũng có đôi bóng người lom khom cuốc, xới nhưng không phải là chăm đào cho vụ thu hoạch tới mà là đào bới nốt những gốc đào khô trơ để tận dụng đem về làm củi. Những ruộng đào trị giá hàng chục tới hàng trăm triệu đồng đã gần như mất trắng.

Không ít người nông dân một lần nữa sẽ phải đi tìm lại giá trị cho giống hoa cây cảnh truyền thống của mình bằng cách gây lại chất lượng hoa trên đất mới. Chắc không dễ, nhưng không phải là không làm được khi tình yêu với nghề trồng đào trồng quất đem lại giá trị cho truyền thống Thăng Long chưa thể dứt bỏ trong lòng người Nhật Tân. Qua tìm hiểu mới thấy nỗi lòng của những người nơi đây, họ kiên trì bám đất, bám đào. Phần lớn người Nhật Tân đều trồng đào, họ không đành lòng bỏ nghề nên tìm ra bãi sông Hồng đắp đất chống lũ để trồng đào. Một số người thì sang tận Gia Lâm, Đông Anh để thuê đất, tiếp tục gắn bó với đào. Nhưng dù có cố gắng như thế nào đi nữa, mỗi lần nhắc lại "đào Nhật Tân xưa" họ lại nghẹn lòng tiếc nhớ, lưu luyến về một thời vang bóng.

Mấy năm nay, đào Nhật Tân di cư ra bãi sông Hồng, chạy sang Đông Anh rồi tản cư về Hà Tây cũ mà đâu đã ấm chân. Đào đi về đâu cũng bị các dự án nhăm nhe tranh đất. Bãi sông Hồng phù sa vàng óng, đào phát triển cành nhanh nhưng cánh hoa mỏng manh, sắc hoa không bền. Đào bích cánh ở vườn đào cổ, cánh dày, hoa to lại bền giờ chỉ còn nằm trong nỗi nhớ. Những vườn đào lẻ dăm chục gốc nằm ven vùng đất đã quy hoạch vẫn đang sẵn sàng dành những mùa hoa cuối cùng cho Hà Nội.

Cao Tuân