Bản lĩnh nhà báo và số phận của một biên bản văn chương

Bản lĩnh nhà báo và số phận của một biên bản văn chương

Thứ 7, 29/04/2017 | 19:56
0
PV báo Người Đưa Tin đã được nghe nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh hé lộ phần nào bản lĩnh của một nhà báo và số phận khá đặc biệt của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”

PV: Thưa nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh, là một phóng viên chiến trường, cuộc đời làm báo của ông có những kỷ niệm nào thật đáng nhớ? Những thăng trầm nào trong cuộc đời và sự nghiệp khiến ông không thể quên và nó đã tác động như thế nào đến đứa con tinh thần của ông –“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”?

Nhà báo Mai Hạnh: Kỷ niệm sâu sắc nhất chính là ngày tôi được kết nạp Đảng ở chiến trường Quảng Đà, sau trận chiến đấu kéo dài 21 ngày trong vòng vây của gần 7.000 quân Mỹ, ngụy và chư hầu mà tôi là một trong số chưa đầy 10 người của tiểu đoàn 3 anh hùng sống sót, thoát khỏi vòng vây. Tôi được kết nạp Đảng  ngày 23/5/1969 tại Chi bộ Đảng Tổ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Mặt trận Quảng Đà. Tháng 12/1969, do đồng chí trưởng phân xã bị đại bác phạt cụt một chân phải cáng thương ra Bắc, cả tổ bị vây ráp trong một cuộc càn ác liệt dài ngày của lính Mỹ và lính Sài Gòn, điện đài bị mất, tôi bị sốt rét ác tính và tràn dịch màng phổi rất nặng nên Bộ biên tập Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã thống nhất với Tỉnh ủy Quảng Đà điều cả tổ ra miền Bắc chữa bệnh và cử tổ phóng viên mới vào thay thế.

Đời sống - Bản lĩnh nhà báo và số phận của một biên bản văn chương

 Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh chia sẻ về cuộc đời làm báo đầy sóng gió và thăng trầm của mình.

Công văn kính gửi Bộ biên tập Việt Nam Thông tấn xã về việc điều tổ phóng viên ra miền Bắc chữa bệnh và Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng của tôi (khi đó tôi đang trong thời kỳ dự bị) của Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đều do đồng chí Hồ Hữu Phước, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Nam-Đà Nẵng ký.

Mọi việc rõ ràng như vậy, mà tháng 4/2002 khi tôi đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đương nhiệm đang tiếp xúc cử tri trong cuộc vận động tranh cử Đại biểu Quốc hội khóa mới, thì một tờ báo dựng đứng chuyện là tôi đào ngũ, là B quay. Không một phóng viên nào dám cả gan viết, và không một tổng biên tập nào dám cả gan đăng bài báo vu khống như vậy. Nhưng vì sao dám đăng, tôi biết. Ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, thủ trưởng trực tiếp của tôi khi đó đã trả lời trên chính báo Đời sống&Pháp luật bác bỏ hoàn toàn thông tin vu khống đó.

Tại hồ sơ mang mã số 18170 của tôi đang được lưu giữ ở mức “bảo quản vĩnh viễn” tại trung tâm lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính, Hà Nội) có Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng số 938 TTC ngày 6/12/1969 và Giấy giới thiệu công tác ngày 7/12/1969 của Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu Quảng Nam-Đà Nẵng do đồng chí Hồ Hữu Phước (tức Hồ Nghinh), Bí thư Đặc khu ủy ký. Tôi gửi hai văn bản có dấu chứng thực của Giám đốc trung tâm lưu trữ Quốc gia III để báo Pháp luật & Đời sống có căn cứ xem xét khi đăng trả lời phỏng vấn của tôi đối với câu hỏi này.

Đây là sự việc hệ trọng trong cuộc đời làm báo đầy sóng gió thăng trầm của tôi, có tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới số phận cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử  “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, mà ngày hôm nay, phiên bản tiếng Anh của nó chính thức ra mắt bạn đọc trong nước và ngoài nước.

PV: Được biết, ông là nhà báo viết bài tường thuật đầu tiên của báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Xin hỏi, cảm xúc khi đó của ông như thế nào?

Nhà báo Mai Hạnh: Cảm xúc của tôi khi đó như vỡ òa, bởi may mắn được chứng kiến thời khắc lịch sử khi khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước mãnh liệt của cả dân tộc đã thành hiện thực. Từ nay chiến tranh chấm dứt, không còn bom rơi đạn nổ nữa, con người được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, đất nước trọn vẹn một dải non sông gấm vóc. Cảm xúc của tôi lúc đó thật mãnh liệt. Cuộc chiến tranh nào cũng hết sức thảm khốc. Để có được ngày hòa bình và đất nước thống nhất, bao máu xương đã đổ xuống, có biết bao chiến sĩ đã ngã xuống ngay ngưỡng cửa chiến thắng cuối cùng, ngưỡng cửa Sài Gòn.

Đời sống - Bản lĩnh nhà báo và số phận của một biên bản văn chương (Hình 2).

 Đặc phái viên VNTTX Trần Mai Hạnh (người đeo kính) trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm ngày 30/4/1975. (Ảnh: Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh cung cấp).

Thật cứ như một giấc mơ, khi tôi bám theo được Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Giây phút đó, khung cảnh đó không bao giờ tôi quên được. Một khung cảnh cực kỳ huy hoàng, khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ta tuyên bố chiến thắng, khi lá cờ cách mạng được kéo lên trên nóc Dinh Độc lập và tôi hối hả ghi lại phút giây lịch sử đó, phỏng vấn các nhân chứng để viết bài tường thuật nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” điện về căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh và Tổng xã VNTTX ở Hà Nội ngay chiều tối 30/4/1975.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về thời khắc và ấn tượng mạnh mẽ khiến ông bật ra ý tưởng xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” ngay từ ngày đầu Sài Gòn được giải phóng? Lý do nào thôi thúc ông quyết tâm cho ra đời bằng được “đứa con tinh thần của mình”? Trong quá trình viết ông đã gặp những khó khăn thử thách gì?

Nhà báo Mai Hạnh: Tối 30/4/1975, sau khi điện được bài tường thuật về Hà Nội, trên chiếc com-măng-ca cắm cờ giải phóng tôi đi khắp Sài Gòn, say sưa ngắm nhìn “Hòn ngọc Viễn Đông” lộng lẫy vô cùng trong đêm đầu tiên nguyên vẹn trở về trong lòng dân tộc. Khi về tới trụ sở Việt tấn xã (hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) thì đêm đã khuya. Tôi ngủ thiếp đi, khi choàng tỉnh, tôi bước ra sân, Dinh Độc Lập ngay trước mặt, cả bốn tầng lầu rực sáng ánh điện. Những quả pháo hiệu liên tục được bắn lên bầu trời như pháo hoa mừng chiến thắng khiến khung cảnh càng trở nên rực rỡ, lung linh. Thành phố đã bước sang ngưỡng cửa ngày 1 tháng 5.

Những sự kiện lịch sử trưa 30/4 vừa diễn ra tại Dinh Độc Lập phút chốc đã trở thành quá khứ và sẽ ngày một lùi xa trong lớp bụi thời gian. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như con người chỉ sống có một lần. Tự dưng tôi bật ra ý tưởng phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) bằng những tài liệu nguyên bản tuyệt mật, những bức điện chỉ huy tác chiến, những bản văn tin cậy của chính phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ). Đó là căn nguyên khởi đầu của cuốn sách này.

Đời sống - Bản lĩnh nhà báo và số phận của một biên bản văn chương (Hình 3).

 Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Thống Nhất trong ngày ra mắt Ủy ban quân quản TP. Sài Gòn-Gia Định 7/5.

Tôi lập tức bắt tay ngay vào việc truy tìm, tập hợp tài liệu, tư liệu. Tôi được cử đi trong đoàn công tác đặc biệt của VNTTX do đích thân Tổng biên tập Đào Tùng dẫn đầu. Những ngày đầu Sài Gòn giải phóng, TBT Đào Tùng vừa là cố vấn cho Ban lãnh đạo TTXGP, đồng thời là Trợ lý cao cấp cho Lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam và trực tiếp chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn. Tôi may mắn được tháp tùng ông  trong hàng loạt các cuộc hội họp tiếp xúc với đủ các ngành giới, với Ủy ban Quân quản, với các cơ quan trong và ngoài quân đội.

Với Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định cấp cho tôi ngay trong ngày 1/5/1975, với Thẻ nhà báo là Phóng viên của VNTTX và đặc biệt với tờ báo Nhân Dân số ra ngày 2/5/1975 có đăng bài tường thuật “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” ghi rõ tên tôi là tác giả, tôi dễ dàng tiếp xúc, tạo được niềm tin với các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội. Điều này giúp tôi được tiếp cận và khai thác những tài liệu quý giá phục vụ việc xây dựng cuốn sách của mình.

Kho tư liệu đồ sộ tôi thu thập có rất nhiều tài liệu nguyên bản tuyệt mật như: Biên bản các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia của Nguyễn Văn Thiệu; điện chỉ huy tác chiến của Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; thư từ điện văn của Tổng thống Mỹ Nixon và Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu và văn bản trả lời của Nguyễn Văn Thiệu; các văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu; các báo cáo phân tích tình báo của quân đội Sài Gòn và đại sứ quán Mỹ; phúc trình của tướng lĩnh các quân khu, quân đoàn, sư đoàn trình bày chi tiết về diễn biến quá trình sụp đổ...

Đời sống - Bản lĩnh nhà báo và số phận của một biên bản văn chương (Hình 4).

 Cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” phiên bản tiếng Anh vừa mắt độc giả ngày 27/4.

Năm 1981, gia đình tôi không may bị hỏa hoạn, căn hộ cấp 4 bị thiêu rụi, tài liệu tôi mất bao công sưu tầm bị cháy gần hết, tôi lại phải sưu tầm lại những tài liệu đó. Hơn 10 năm sau (1992) tôi lại bị tai nạn giao thông rất nặng, tưởng không qua khỏi. Khi tư liệu đã đầy đủ, tôi bắt tay vào xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử mà mình ấp ủ, lúc đầu đặt tên là “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”. Lẽ ra, cuốn sách được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, vì một “tai nạn nghề nghiệp” tôi vướng vòng lao lý, chương cuối cùng chưa xong, không kịp nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại.

Nhiều lúc tôi muốn buông bỏ, thậm chí muốn đốt tất cả những gì đã viết vì không sao có được tâm trạng và hứng thú để tiếp tục. Mãi mười năm sau (2012), được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khích lệ và ký hợp đồng đặt hàng đầu tư chiều sâu, tôi mới rỡ tác phẩm ra, viết lại dưới ánh sáng mới của tình hình, với một cái nhìn khách quan, không thiên kiến, quả cảm trước sự thật lịch sử, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, không chen bất cứ nhận xét, bình luận gì của tác giả, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra. Cuốn sách không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tôi, cuối cùng, sau 39 năm đã được nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thẩm định và xuất bản vào cuối tháng 4/2014.

PV: Vậy theo ông, việc dịch sang Anh ngữ cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” có ý nghĩa gì?

Nhà báo Mai Hạnh: Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 và Hội đồng đề cử Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam đã thống nhất với số phiếu bầu tuyệt đối, trao Giải thưởng Văn học cho cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, với đánh giá: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đậm chất phóng sự khách quan và cũng đầy phẩm chất văn học độc đáo, dù chỉ tái hiện chân trời sụp đổ của một chế độ, nhưng lại giúp người đọc hình dung đầy đủ hơn cái giá và tầm vóc của chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, đồng thời gợi lên suy ngẫm phong phú về những điều ta quen gọi là “những bài học lịch sử”. Cuốn sách mang đến một gợi ý sáng giá cho dòng văn học viết về chiến tranh của chúng ta, gợi ý về sự dày công nghiên cứu, khai thác khối di sản khổng lồ của một thời đại cách mạng "vô tiền khoáng hậu" đã làm nên kỷ nguyên của nước Việt Nam hiện đại ngày nay".

Đời sống - Bản lĩnh nhà báo và số phận của một biên bản văn chương (Hình 5).

 Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh chia sẻ về "đứa con tinh thần" của mình.

Vì vậy, việc dịch sang Anh ngữ cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” để giới thiệu với bạn đọc trên thế giới, thực sự có ý nghĩa. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã từng phát biểu tại Hà Nội ngày 24/5/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, rằng: Những bài học trong chiến tranh sẽ là những bài học cho cả thế giới. Mới đây, theo New York Times, cố vấn cấp cao của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, Steve Banno đã đề nghị các quan chức Nhà trắng đọc cuốn sách phân tích sai lầm của nước Mỹ dẫn đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ 20 để “nhận ra những lỗi lầm nhỏ (của lãnh đạo) có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tương lai”.

PV: Xin chân thành cám ơn ông.

Xem thêm:

Nhà báo Trần Mai Hạnh ra mắt tiểu thuyết tư liệu lịch sử

Hoàng Bích (thực hiện)

Cùng tác giả

Kỳ tích: Mẹ suy buồng trứng nặng vẫn đón hai con khỏe mạnh

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:53
Theo BS.Nguyễn Thành Trung, chỉ số dự trữ buồng trứng giảm thì cơ hội có con sẽ khó khăn hơn, giảm đến mức suy buồng trứng thì cơ hội có thai tự nhiên rất thấp.

Vì sao từng tiêm vắc-xin AstraZeneca không cần xét nghiệm D-Dimer?

Chủ nhật, 05/05/2024 | 09:09
Theo BS.Hoàng, xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca.

Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống

Thứ 7, 04/05/2024 | 20:35
Luật Đất đai 2024 đã được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian...

Bộ Nội vụ thông tin về tiến độ thực hiện cải cách tiền lương

Thứ 7, 04/05/2024 | 18:56
Để thực hiện chính sách cải cách tiền lương, thời gian qua Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.

Du lịch phục hồi mạnh, khách quốc tế 4 tháng đạt 6,2 triệu lượt

Thứ 7, 04/05/2024 | 18:55
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin Kkinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng 3,93%
Cùng chuyên mục

Mang bát muối đổ xuống cống, vài phút sau ai cũng bất ngờ công dụng "đặc biệt"

Chủ nhật, 05/05/2024 | 19:30
Nếu thấy ống cống nhà bạn bị tắc hãy đổ cốc muối xuống, sau đó là một cốc giấm trắng và baking soda (muối nở). Để vài phút sau bạn sẽ bất ngờ công dụng tuyệt vời.

Tp.HCM khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng ở trạm y tế

Chủ nhật, 05/05/2024 | 16:51
Ngày 5/5, Sở Y tế Tp. HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng tại trạm y tế phường, xã giai 2024 - 2030.

Bình Dương: Đề xuất đình chỉ cơ sở tiêm chủng nơi bé 2 tháng sốc phản vệ

Chủ nhật, 05/05/2024 | 16:45
Bé gái 2 tuổi xuất hiện tình trạng sốc phản vệ sau khi tiêm chủng vắc-xin. Cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm quy định tại cơ sở này.

Tình hình sức khỏe bệnh nhi nghi ngộ độc ở Đồng Nai chuyển lên Tp.HCM

Chủ nhật, 05/05/2024 | 16:17
Ngày 5/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi liên quan vụ ngộ độc sau ăn bánh mì ở tỉnh Đồng Nai.

Loại cây trước là “cái gai” trong mắt nhà nông, không ai "ngó" nay giá 150.000 đồng

Chủ nhật, 05/05/2024 | 15:30
Ở Việt Nam có loại cây dại bị coi là "cái gai" trong mắt nhà nông, nhưng ngày nay khi đào rễ lên và áp dụng một số bài thuốc dân gian lại rất tốt cho sức khỏe.
     
Nổi bật trong ngày

Vụ ngộ độc tại Đồng Nai: 529 người phải nhập viện điều trị

Thứ 7, 04/05/2024 | 15:30
Liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Tp.Long Khánh, hiện không ghi nhận thêm ca mới, tổng cộng đã có 529 người nhập viện điều trị.

Thủ tướng có công điện liên quan vụ ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai

Thứ 7, 04/05/2024 | 09:02
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cứu chữa bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Tp.Long Khánh.

Đừng đổ nước vo gạo đi, bỏ túi mẹo hay này đến hàng xóm còn tấm tắc khen

Thứ 7, 04/05/2024 | 19:30
Thay vì đổ bỏ đi một cách lãng phí, hãy bỏ túi mẹo hay sau bạn sẽ bất ngờ trước những hiệu quả mà nước vo gạo mang lại nếu biết tận dụng đúng cách.

Mang bát muối đổ xuống cống, vài phút sau ai cũng bất ngờ công dụng "đặc biệt"

Chủ nhật, 05/05/2024 | 19:30
Nếu thấy ống cống nhà bạn bị tắc hãy đổ cốc muối xuống, sau đó là một cốc giấm trắng và baking soda (muối nở). Để vài phút sau bạn sẽ bất ngờ công dụng tuyệt vời.

Loại ớt bé xíu nhưng cay nhất thế giới, có khả năng lấy mạng người

Chủ nhật, 05/05/2024 | 15:02
Vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận Pepper X là giống ớt cay nhất thế giới với độ cay vượt xa ớt Carolina Reaper.