Bảo hiến để 'loại trừ' văn bản vi hiến

Bảo hiến để 'loại trừ' văn bản vi hiến

Thứ 6, 07/06/2013 | 09:03
0
Xác định một mô hình hiệu quả trong việc bảo đảm các đạo luật và văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp để bảo vệ pháp chế và quyền con người là yêu cầu của nhà nước pháp quyền cũng như mục tiêu của cải cách tư pháp.

“Bảo trì” và nâng cấp cơ chế hiện hành

Cơ chế bảo hiến đang là xu hướng trên thế giới. Nếu năm 1951 mới có 38% quốc gia có quy định về bảo hiến thì đến năm 2011 đã có 83% quốc gia cho phép tòa án có quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp. Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành và thành lập Hội đồng Hiến pháp để thực hiện chủ trương xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành đã được đặt ra.

Dẫu ý nghĩa của một cơ quan có chức năng “bảo vệ Hiến pháp” được xác định là rất quan trọng, song Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lại không lựa chọn phương án thành lập Tòa án Hiến pháp hay Hội đồng bảo hiến mà cho rằng cần phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, trong đó, đề cao vai trò của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong việc đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phân tích hiệu quả của cơ chế bảo hiến hiện hành để “Hiến pháp luôn được bảo vệ”, được kiểm soát bởi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban chuyên trách và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội cho rằng thành lập Hội đồng Hiến pháp là bổ sung một thiết chế mới trong hoạt động lập pháp, một thiết chế mới trong bộ máy nhà nước sẽ kéo theo một loạt vấn đề về tổ chức, cơ cấu, mô hình hoạt động…, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Nam cũng cho rằng chỉ cần “tăng cường năng lực của các cơ quan đang thực hiện cơ chế bảo hiến hiện thời và không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp”.

Luật sư - Bảo hiến để 'loại trừ' văn bản vi hiến

Một mô hình tòa án bảo hiến

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình Bùi Văn Xuyền cũng theo quan điểm tiếp tục củng cố tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước để đảm bảo hiệu quả hơn và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo hiến, chứ không cần thiết phải thành lập Hội đồng bảo hiến trong thời điểm hiện nay.

Cần một thiết chế “kiểm soát” các hành vi vi hiến

Nhưng theo Phó Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa, thành lập cơ quan này theo hướng là một cơ quan có chuyên môn cao, hoạt động thường xuyên, quy tụ những chuyên gia pháp luật đầu ngành và kỳ cựu của đất nước có trình độ pháp lý cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nhằm bảo vệ công lý, lẽ phải, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. “Có như vậy cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế bảo Hiến mới có quy định hiệu quả trên thực tế, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi qua thực tiễn” – ông Nghĩa đánh giá.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến đề nghị bổ sung một chế định về Hội đồng bảo hiến - một cơ quan quan trọng giúp Quốc hội trong việc kiểm tra quyết định về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật do cơ quan Trung ương, của các cơ quan địa phương ban hành nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm Hiến pháp để có biện pháp xử lý. Vì trên thực tế hiện nay việc bảo vệ Hiến pháp được rất nhiều cơ quan, thực hiện song đạt được kết quả mong muốn chưa “thì chúng ta cũng thấy còn có hạn chế nhất định” như nhận xét của ông Luyến.

Hoạt động bảo vệ Hiến pháp quan trọng nhất nhưng thực tế việc xem xét tính hợp pháp, hợp hiến và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật ít được áp dụng trong thực tiễn, dẫn đến những văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với Hiến pháp, thậm trí cả với luật như tình trạng của “mê cung” văn bản hướng về đất đai, xử lý vi phạm hành chính… Trong khi đó, cơ chế kiểm soát đảm bảo việc thi hành các quy định của Hiến pháp, xử lý các vi phạm Hiến pháp trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp còn phân tán, giao cho nhiều chủ thể cùng tiến hành và chưa được xem xét, tiến hành triệt để, thường xuyên. Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phùng Đức Tiến đề nghị thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp để giúp Quốc hội xem xét kết luận tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương ban hành để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội Lê Ngọc Thoáng đề nghị phải bổ sung vào Hiến pháp thành lập cơ quan bảo hiến bên cạnh cơ quan bảo vệ Hiến pháp hiện hành “để có cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra ngay trong hoạt động cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp” vì “không có một cơ chế bảo hiến rõ ràng, cụ thể được xác định ngay trong Hiến pháp thì rất khó có thể đảm bảo rằng Hiến pháp sẽ được tôn trọng một cách tuyệt đối”.

“Cơ quan bảo hiến có chức năng giải thích Hiến pháp và tài phán, có quyền tạm đình chỉ hiệu lực của quy phạm pháp luật tại Hiến pháp” – là kiến nghị của Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ về cơ quan bảo hiến để không còn tình trạng “phát hiện những mâu thuẫn giữa các đạo luật mà cứ đành… bỏ mặc”. Dẫn ví dụ về mâu thuẫn giữa quy định của Luật Đất đai 2003 và Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 không có một cơ chế tạm đình chỉ quy phạm pháp luật của Luật Đất đai nên 6 năm tròn các tranh chấp về đất đai trong nhân dân không được giải quyết và tòa án cũng tạm đình chỉ xử lý, dẫn đến căng thẳng, gây nên bức xúc trong xã hội, trong nhân dân.

Cũng như nhiều chuyên gia pháp lý, ông Độ khẳng định: “Nếu có cơ quan bảo hiến phán quyết rằng quy định của Luật Đất đai về thẩm quyền như vậy không phù hợp, tạm đình chỉ quy định đó, áp dụng Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 để xử lý các vấn đề liên quan thì sẽ không xảy ra tình trạng khiếu kiện về đất đai rất nhiều như thời gian gần đây”.

Sự “có mặt” của một cơ quan bảo vệ Hiến pháp là cần thiết cho sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và bảo vệ tối đa các quyền con người, công lý trong xã hội. Tuy nhiên, một vấn đề không kém quan trọng là đặt cơ quan bảo hiến đó ở đâu để việc kiểm soát thực hiện Hiến pháp được “trọn vẹn”, không bị tác động. Ủy viên Ủy ban TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam Phạm Thị Mỹ Lệ nhận thấy, thành lập Hội đồng Hiến pháp hoặc có thể thành lập hẳn một cơ quan tách rời khỏi Quốc hội như tòa án Hiến pháp là rất cần thiết cho việc “bảo vệ” tính pháp chế của hệ thống pháp luật bởi “thành lập một cơ quan Hội đồng Hiến pháp trực thuộc Quốc hội giữ vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát tính hợp hiến các văn bản luật sẽ không khả thi trên thực tế mà dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Mô hình cơ quan bảo hiến sẽ là vấn đề “nóng” khi dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, để đi đến một mô hình thực sự phù hợp với cơ chế, điều kiện của Việt Nam hiện nay thì cần nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa.

Theo Hải Nhật (CTTĐT Bộ Tư Pháp)

Cần có Hội đồng Bảo hiến và Hội đồng Tư pháp

Thứ 2, 18/03/2013 | 08:46
Ghi nhận các ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu góc nhìn của bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Ai có quyền tạm dừng văn bản vi hiến?

Thứ 5, 14/03/2013 | 07:50
Hội đồng Hiến pháp phải có quyền phản biện, phát hiện văn bản vi hiến phải có quyền tạm dừng, phải trao quyền nhiều hơn cho Hội đồng Hiến pháp

Dự thảo Hiến pháp chưa thể hiện rõ quyền của dân

Thứ 6, 01/03/2013 | 10:05
Góp ý sửa đổi Hiến pháp, nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo chưa thể hiện được tinh thần quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và đề nghị soạn thảo lại văn bản này.