Bất ngờ vì con mới lên ba đã bị đột quỵ

Bất ngờ vì con mới lên ba đã bị đột quỵ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Gần đây, Khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một số trẻ em nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch mà trước đó không có biểu hiện bệnh lý gì. Trong khi nhiều người nghĩ rằng những bệnh lý trên là miễn nhiễm với trẻ em.

Bệnh lý tiềm ẩn

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, PV Người đưa tin đã được tiếp xúc với bệnh nhân Nguyễn Tuấn Anh (3 tuổi, Phú Thọ) khi em đang dần hồi phục sức khỏe sau quá trình điều trị tích cực. Theo chị Huyền (mẹ bé Tuấn Anh), cậu bé nhập viện trong tình trạng co giật, nôn ói. Tại đây, các bác sĩ hội chẩn, làm xét nghiệm và phát hiện bé Tuấn Anh bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não dẫn đến đột quỵ.

Xã hội - Bất ngờ vì con mới lên ba đã bị đột quỵ

Một bệnh nhân đang được điều trị sau cơn đột quỵ- Ảnh minh họa.

Ngồi bên cạnh con, chị Huyền không lúc nào ngơi tay. Khi thì lấy khăn lau mồ hôi, lúc thì lại cặp nhiệt độ để ghi vào sổ theo dõi tình trạng bệnh của con. Chị Huyền mắt đỏ hoe nói: "Thấy con chơi ở trên phòng cả tiếng đồng hồ mà không nghe thấy tiếng đùa nghịch, quấy khóc. Như có linh cảm chuyện chẳng lành, tôi lên phòng thì thấy con đã nằm hôn mê dưới sàn nhà. Tôi không thể ngờ, nó mới 3 tuổi đã bị đột quỵ".

Cũng theo lời kể của chị Huyền, các trường hợp mắc đột quỵ như con trai chị không phải hiếm gặp tại bệnh viện. Cùng điều trị với Tuấn Anh còn có 3 trẻ nữa, lớn tuổi nhất cũng mới lên 10, mỗi bệnh nhân có những bệnh lý, triệu chứng khác nhau.

BS. Cấn Phú Nhuận, trưởng khoa Khám bệnh (bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận vài trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch mà trước đó không có biểu hiện bệnh lý. Sau khi chụp CT Scan mới biết trẻ bị đột quỵ do vỡ dị dạng mạch máu não gây xuất huyết não.

"Hầu hết trẻ đột quỵ nhập viện cấp cứu đều gặp phải các bệnh lý như tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não, bệnh lý về máu như hồng cầu hình liềm và viêm não gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn 1/3 số trẻ không tìm thấy nguyên nhân", BS. Nhuận nói.

Cũng theo BS. Nhuận, khi lưu thông của máu ở não bị tắc nghẽn làm chết những tế bào não ngay tại vùng bị tắc, còn những tế bào não ở vùng kế cận sẽ bị giảm lượng máu đến nuôi, chúng được gọi là đột quỵ. BS. Nhuận cho biết, dấu hiệu báo động ở trẻ em không giống người lớn, trẻ có thể có triệu chứng co giật, nhức đầu, sốt. Tùy theo vùng não bị tổn thương mà trẻ sẽ có các triệu chứng như: Cơn mất ý thức ngắn, hành động vụng về, liệt một bên mặt, tay hoặc chân. Nếu những mạch máu ở vùng mắt bị tổn thương, trẻ có thể bị giảm, mất thị lực ở một hoặc hai bên mắt.

Dễ bị tử vong và để lại di chứng

Theo tìm hiểu của PV, tại bệnh viện Nhi đồng 1- TP.HCM, mỗi năm tiếp nhận khoảng 80 - 100 trẻ bị đột quỵ, trong đó có nhiều trẻ bị tử vong hoặc để lại những di chứng như động kinh, rối loạn vận động, khiếm khuyết về học tập, chậm phát triển thể chất. Theo bác sĩ Vinh (bệnh viện Nhi Trung ương), đột quỵ được hiểu là tình trạng mất chức năng thần kinh cấp (trong vài giờ, một ngày) hoặc tình trạng yếu lực ở trẻ em.

Trao đổi với PV Người đưa tin, BS.Nguyễn Trọng Anh, phó chủ tịch hội Y học thể thao TP.HCM cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bị đột quỵ trong hoặc sau khi vận động. Trước hết là bệnh lí, đặc biệt là bệnh tim mạch, hô hấp (như bệnh hen) vốn đã tiềm ẩn mà không được phát hiện. Sự vận động đột ngột, quá tải từ thể tĩnh sang thể động trong khi cơ thể đang mệt mỏi hay suy kiệt do đói lả, căng thẳng là những yếu tố khiến các em có thể bị suy hô hấp dẫn đến phù não hoặc trụy tim mạch.

Bên cạnh đó, hiện tượng nhiều em học sinh ngất xỉu trong giờ thể dục là thường gặp. Một trong những lí do được đưa ra là do quá gắng sức trong khi không có thời gian khởi động đủ để cơ thể thích nghi. Ngoài ra, có những loại bệnh đặc trưng của tuổi dậy thì như: Rối loạn hệ thần kinh thực vật (sẽ tự khỏi khi phát triển hoàn chỉnh cơ thể), thời kì "đèn đỏ" của nữ sinh khiến cơ thể yếu ớt. Có không ít em vì nhiều lí do khác nhau như thường nhịn ăn sáng, uống cà phê đặc để thức khuya, ngủ quá ít dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết (hoa mắt chóng mặt), cộng thêm vấn đề bệnh tật tiềm ẩn trong cơ thể phát tác cũng sẽ gây ra hiện tượng đột quỵ, đột tử.

Theo BS. Cấn Phú Nhuận, có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ ở trẻ em, trong đó do xuất huyết não, màng não là nguyên nhân gặp nhiều nhất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trẻ không được cung cấp đầy đủ vitamin K1, cơ thể trẻ cũng không tổng hợp đủ do gan non nên đã làm máu chậm đông và bị chảy máu.

Bệnh đang trẻ hóa

Theo TS. Nguyễn Anh Tài, trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, đối với đột quỵ do bệnh lý não có hai nguyên chính là nhồi máu não, tức mạch máu não bị tắc và xuất huyết não, tức mạch máu não bị vỡ. Bệnh này hiện đang trẻ hóa, có thể đến với mọi lứa tuổi. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, có cả những bệnh nhân chỉ 14 tuổi. TS.Tài cảnh báo, dấu hiệu ban đầu có thể dễ nhận biết của bệnh này là tê tay, líu lưỡi, khó nói, miệng bị giật méo, mắt mờ. Các triệu chứng ban đầu thường phục hồi nhanh trong ngày nên người bệnh dễ bỏ qua nhưng nếu không khám, sau vài ba cơn triệu chứng nhẹ thì cơn nặng sẽ đến.

Thạch Lựu