"Bầu sô" ca nhạc Sài Gòn: Chọn mặt… gửi tiền

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Thông thường, ca sĩ ngôi sao thích biểu diễn cho những ông bầu lớn, có uy tín. Một ca sĩ nhạc sến hàng đầu ở TP.HCM cho rằng, bầu nhỏ thường trả tiền cát xê cho ca sĩ không cao, thiếu sòng phẳng, làm ăn lại lôm côm, biểu diễn cho họ dễ mang tiếng.

Bởi vậy có ngôi sao rất dễ dãi cát xê với bầu lớn nhưng ngược lại khắc nhe từng đồng với mấy ông bầu nhỏ.

Tờ bích chương giới thiệu đại nhạc hội miền Nam

Khác với ca sĩ ngôi sao, các ca sĩ hát lót hay các ngôi sao “chưa mọc” thì lại cần đến những ông bầu nhỏ. Họ coi đó là cơ hội tốt để rèn luyện, làm quen với công chúng. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngôi sao thượng thặng đi diễn cho bầu nhỏ, đó chẳng qua là mối ruột, lâu lâu ban phát theo kiểu “tình thương mến thương”, thật tình họ chẳng muốn biểu diễn cho bầu nhỏ chút nào. Từ đó mới có trường hợp, gần tết bầu nhỏ năn nỉ bầu lớn nhường ngôi sao này, ca sĩ nọ cho họ một hai đêm.

Đặc biệt trong những ngày lễ, tết, ngoài những sân khấu nổi tiếng lâu nay ở Sài Gòn đã có người cát cứ, mảnh đất màu mỡ của bầu sô vẫn là khán giả miền Tây. Theo bầu Xuân Tài, một người khá nổi tiếng trong giới bầu sô, cho biết trong những ngày lễ, tết ông thường tổ chức hơn 10 suất diễn ở miền Tây.

Không chỉ sở hữu rạp hát, mấy ông “vua” này còn sở hữu luôn những ca sĩ hàng đầu của Sài Gòn thời bấy giờ, như Elvis Phương, Thái Châu, Duy Quang, Phương Đại, Thái Thanh, Phương Dung, Thanh Thúy, Khánh Ly, Giao Linh, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… Trong số mấy ông “bầu vua” này chỉ có bầu Duy Ngọc là người may mắn nhất khi mời được ca sĩ Hoàng Oanh biễu diễn 3 lần, bởi nữ danh ca này lúc bấy giờ chỉ hát cho đài phát thanh.

Đến nay ba ông vua trong nhóm “tứ quái” bầu sô đã qui tiên, chỉ còn mỗi bầu Duy Ngọc, nhưng ông cũng đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy.

Ở cái tuổi có thể coi là tri thiên mệnh, người ta nghĩ ông ngồi chơi xơi nước, trái lại ông vẫn là cây đa trong làng bầu sô hiện tại. Những chuyến lưu diễn dài ngày, những sô đại nhạc hội hoành tráng được ông tổ chức thường xuyên, thu hút hàng loạt ngôi sao ca nhạc, nghệ sĩ cải lương, danh hài hàng đầu tham gia.

Bầu Xuân Tài tâm sự: Đừng thấy dân miền Tây trữ tình, chất phát mà nói họ không biết thưởng thức nghệ thuật. Vài năm trước thánh địa của họ còn là sân khấu cải lương, nay đã đổi “gu” sang nhiều thể loại khác.

Chẳng hạn, khán giả An Giang thích nhạc sôi động, nhạc trữ tình hơn cải lương. Khán gia Cần Thơ thì thích nhạc trẻ. Khán giả vùng sâu, vùng xa Đồng Tháp Mười, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh thì thích trích đoạn cải lương hoặc ca nhạc tạp kỹ. Cho nên tiêu chí của nhiều ông bầu giờ đây thích chọn ca sĩ hát tân nhạc được mà hát cổ nhạc cũng hay.

Trong giới bầu sô hiện nay cũng có không ít ông làm ăn theo kiểu liều mạng. Tờ rơi, áp phích thì giới thiệu toàn ca sĩ ngôi sao, lúc biểu diễn chỉ thấy ngôi sao “nửa mùa”. Có ông còn quảng cáo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, nhái tên ngôi sao Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Sơn, Hiệp “gà” thành Đàm Vĩnh Hùng, Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệp “vịt”…Một ngôi sao trẻ trưởng thành nhờ mấy ông bầu tỉnh lẻ, chia sẻ: Lúc mới vào nghề, để có tiền, có kinh nghiệm diễn xuất các ca sĩ teen phải chấp nhận đi hát hội chợ, hát đám cưới, hát sinh nhật, thậm chí hát đám…tang ở tỉnh.

Nhục nhất là đi hát với mấy ông “bầu tèo”, không được bước lên sân khấu với nghệ danh thật của mình, ông bầu bắt phải “đội” tên của các ca sĩ thành danh khác để bịp khán giả. Nhiều lúc khán giả phát hiện cũng bỏ qua, không có ngôi sao này thì thế ngôi sao khác có sao đâu. Vui là chính mà. Nhưng có nơi khán giả chẳng kiên cử gì mà không dám chưởi đồ này, đồ nọ, làm ăn bất chính, lừa đảo, ném đất đá, vật dụng lên sân khấu để phản ứng. Khi đó bầu sô rơi vào cảnh dở khóc dở cười, muốn chui xuống đất trốn cũng chẳng được. Đến nước này thì không có bầu nào dám nghỉ đến chuyện quay lại tổ chức thêm lần nữa.

Người ta gọi bầu sô là những người ăn đình, ngũ chợ, lăn lóc chợ đời. Nhiều người lầm tưởng họ gan lì. Nhưng có nghe một ông bầu làm ăn tử tế tâm sự mới biết họ sợ tất cả, từ khán giả, ca sĩ ngôi sao, giang hồ “ruộng” cho đến ông nhà đèn. Chỉ cần làm mất lòng bất cứ một ai trong số đó, dẫu đó là ngày mùng một Tết họ cũng chẳng nể nang. Một khi thiếu nể nan thì bể sô là cái chắc.

Đan Thùy