“Báu vật” cuối cùng của nhà họ Vi

“Báu vật” cuối cùng của nhà họ Vi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Chiếc giếng không bao giờ cạn nước là nguồn sống của người dân Bản Chu.

Người dân Bản Chu (xã Khuất Xá, huyện Lục Bình, Lạng Sơn) vẫn đồn về cái giếng nằm cạnh biệt phủ tổng đốc nhà họ Vi, đã trăm năm không cạn. Nước giếng trong vắt, có mùi thơm kỳ lạ. Người dân còn lấy đó làm nước để tắm rửa cho những người mất. Sau này, những người con thuộc dòng dõi nhà họ Vi ở khắp các nơi đã trở về quê cũ để tìm lại cội nguồn gia tộc mình.

Xã hội - “Báu vật” cuối cùng của nhà họ Vi

Giếng của dòng họ giàu nhất miền biên ải

Có lẽ “báu vật” còn giữ được nguyên vẹn nhất là cái giếng không bao giờ cạn của tổng đốc Vi Văn Định. Tuy nhiên, đây là “kho báu” mà không ai dám động đến. Được biết, năm 1910, tổng đốc Vi Văn Định đã tự tay đào giếng ở khu vực cạnh ngôi chùa có gốc đa cổ thụ đó. Ông Báo cho biết: Mảnh đất này lại là yết hầu của con rồng nên chẳng ai dám động đến.

Không giống như những giếng khác cần phải múc lấy nước khi mở nút giếng là nước tự phun ra. Người dân vẫn thường gọi với cái tên “Bó Lìn” (tiếng tày dịch ra là mạch nước). Nhiều người giải thích rằng, người xưa rất có tài trong việc dò mạch nước. Họ đã đào trúng mạch nước ngầm quá khỏe nên khi mở nắp, nước tự phun lên. Ông Báo kể lại: Khoảng bốn năm trước, có một tổ chức phi chính phủ đến Bản Chu để thực hiện một dự án nước sạch. Thấy giếng “Bó Lìn” có nguồn nước trong mát nên muốn xây kín xung quanh để bảo vệ. Thật kỳ lạ, từ khi xây xong mạch nước bỗng dưng bị yếu hẳn. Người dân trong bản cho rằng, việc xây cất đã bịt mất một phần mạch nước.

Đối với các cụ già ốm yếu hay những người bệnh nguy kịch không thể qua khỏi nữa, người nhà sẽ lấy nước giếng tinh khiết này tắm rửa cho họ lần cuối. Người dân nơi đây quan niệm rằng, nước từ giếng này sẽ thanh sạch, rửa sạch bụi trần để trở về với tổ tiên. Đây là nét phong tục độc đáo của người dân Bản Chu.

Xã hội - “Báu vật” cuối cùng của nhà họ Vi (Hình 2).

Nước giếng rất trong xanh, là nguồn sống của người dân Bản Chu

Mặc dù giếng “Bó Lìn” được đào cạnh con sông Kỳ Cùng nước quanh năm đục ngầu nhưng nước giếng vẫn cứ trong vắt. Dân làng Bản Chu thường gọi nước “Bó Lìn” là “nước khoáng thiên nhiên”.

Ngày xưa, giếng nước là nơi dùng cho sinh hoạt cho cả làng. Mấy chục hộ gánh nước về dùng, thậm chí còn tắm giặt từ vòi nước trong giếng chảy mãi không hết. Hiện nay, mỗi gia đình đã có giếng khoan riêng, hay máy bơm về tận bể nhà mình. Tuy nhiên, họ vẫn thường gánh xuống giếng “Bó lìn” gánh nước về sinh hoạt. Ông Báo cho biết: “Nước giếng nấu cơm rất ngon, hạt cơm có vẻ dẻo hơn. Dùng nước này đun pha trà thì thấy vị trà thơm hơn, dư vị hấp dẫn hơn”. Ông Báo, vẫn có thói quen pha trà bằng nước giếng này.

Ông Bùi Văn Kê, trưởng thôn Bản Chu cho rằng: Có thể đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nước giếng không phải là vị thuốc “cải tử hoàn sinh” như người ta đồn đoán. Nhưng với nguồn nước tinh khiết, không có lẫn các tạp chất nên người dân nơi đây có thể uống nước lã lấy ở giếng này mà không phải đun sôi. Nước mát lạnh làm thanh lọc cơ thể và tinh thần sảng khoái.

Giếng không cạn vì đào trúng mạch của hai con sông

Theo ông Kê, giếng “Bó Lìn” trăm năm không bao giờ cạn cũng chẳng có gì lạ. Bởi nó được đào đúng vào mạch của hai con sông. Hợp lưu của con sông Kỳ Cùng và sông Hát Kít từ (Quảng Ninh chảy xuống) tạo thành dòng chảy qua huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định (Cao Bằng), rồi chảy về Trung Quốc. Đã hơn 100 năm nay, cho dù có những năm hạn hán kinh niên, ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô nhưng nước trong giếng lúc nào cũng đầy ắp.

Thế Hoàng