Bí ẩn dòng tộc ‘nhất dương chỉ’ bốn thế hệ ở miền Tây

Bí ẩn dòng tộc ‘nhất dương chỉ’ bốn thế hệ ở miền Tây

Thứ 7, 24/12/2016 | 09:03
0
Cả 3 thế hệ trước, mỗi bàn tay, bàn chân đều “độc ngón” và chỉ xuất hiện ở con trai, nhưng “bản sao” ở thế hệ thứ tư giống y hệt như cha, ông của mình lại là bé gái.

Anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, ngụ ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cho biết, anh là thế hệ thứ 3 và là người con trai duy nhất với bàn tay, bàn chân chỉ đều chỉ có 1 ngón. Dù tứ chi đều chỉ một ngón nhưng các thao tác vẫn vô cùng hoạt bát, nhanh nhẹn.

Xã hội - Bí ẩn dòng tộc ‘nhất dương chỉ’ bốn thế hệ ở miền Tây

Dù tứ chi của anh Bình đều chỉ một ngón nhưng các thao tác vẫn vô cùng hoạt bát, nhanh nhẹn (Ảnh Thanh Lâm).

“Cha và ông nội của tôi tứ chi cũng đều “độc ngón” nhưng sức khỏe vẫn bình thường. Đặc biệt, trong thời kháng chiến, cha và ông nội tôi từng góp công sức của mình trong công cuộc bảo vệ quê hương đất nước. Sau giải ngày phóng, cha tôi là thương binh, còn ông nội được Nhà nước truy tặng liệt sĩ”, anh Bình tự hào.

Cũng theo lời anh Bình, cả 3 thế hệ trước (ông nội, cha và anh Bình – PV) mỗi bàn tay, bàn chân đều “độc ngón” và chỉ xuất hiện ở con trai, nhưng “bản sao” ở thế hệ thứ tư này lại là bé gái (hiện gần 3 tuổi) con của anh. Riêng con gái lớn của anh Bình đang học lớp 9 thì tay, chân đều lành lặn như người bình thường.

Xã hội - Bí ẩn dòng tộc ‘nhất dương chỉ’ bốn thế hệ ở miền Tây (Hình 2).

Bàn chân của anh Bình chỉ duy nhất có 1 ngón nhưng anh chạy được xe máy, có điều anh không thi lấy bằng lái được (Ảnh Thanh Lâm).

Mặc dù bị khiếm khuyết nhưng anh Bình vẫn hết sức lạc quan trong cuộc sống. Hằng ngày, ngoài việc phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc con nhỏ thay vợ, thì mỗi khi có người thuê phụ hồ là anh Bình đều nhận lời.

“Vì cuộc sống nên vợ tôi đành phải đi TP. HCM tìm việc làm kiếm tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Ở quê nhà, ai thuê gì làm nấy, người ta lành lặn khỏe mạnh làm việc tốt và được trả công 120.000 đến 150.000 đồng, còn tôi kém hơn nên chỉ kiếm được 70.000 – 80.000 đồng/ngày”, anh Bình chia sẻ.

Xã hội - Bí ẩn dòng tộc ‘nhất dương chỉ’ bốn thế hệ ở miền Tây (Hình 3).

Anh Bình và con gái út hơn 2 tuổi cũng với bàn tay, chân “độc ngón” như những thế hệ trước (Ảnh Thanh Lâm).

Ông Nguyễn Văn Ức, trưởng ấp Bưng Lớn B (xã Tam Ngãi) cho biết: “Thời chiến tranh, tôi nghe nhiều đồng đội cũ của ông Nguyễn Văn Cộng (cha anh Bình) thuật lại, ông Cộng từng xin gia nhập đi bộ đội, nhưng nhìn tay, chân ông khiếm khuyết chẳng ai nhận. Đến khi thấy ông làm nhuần nhuyễn từng thao tác lắp đạn vào băng, ngắm bắn,… nên sau đó ông mới được nhận vào. Đến khi giải phóng ông Cộng trở về quê hương và đã mất cách đây khoảng 5 năm”.

Ngày 23/12, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phan Văn Kha – Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) xác nhận: “Gia đình anh Nguyễn Văn Bình thuộc diện nghèo khó, vốn có truyền thống cách mạng. Cụ Nguyễn Văn Bốn (ông nội anh Bình, cũng “độc ngón”) được Nhà nước truy tặng liệt sĩ”.

Thanh Lâm