Bi hài chuyện cúng thuê, lễ mướn ở Đền Bà Chúa Kho

Bi hài chuyện cúng thuê, lễ mướn ở Đền Bà Chúa Kho

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Vài năm trở lại đây, dịch vụ cúng thuê, lễ mướn là một "nghề" rất được thịnh hành ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Và có lẽ, cũng chỉ ở đây thì nghề... lạ này mới có "đất dụng võ". Xung quanh dịch vụ lạ lùng này, có vô số những câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt.

Có vay - có trả

Đền Bà Chúa Kho, từ lâu đã có tiếng là linh thiêng. Người dân đồn rằng, vào mỗi dịp đầu năm, ai thành tâm cúng lễ, ắt cả năm sẽ làm ăn phát tài. Vậy nên, cứ vào tháng Giêng hằng năm, người dân thập phương lại đổ về đây cúng lễ, "vay tiền" của Bà Chúa để cả năm làm ăn phát tài phát lộc.

Xã hội - Bi hài chuyện cúng thuê, lễ mướn ở Đền Bà Chúa Kho

Lượng người đến Đền Bà Chúa Kho “trả lễ” tăng vọt vào dịp cận Tết

Đến cuối năm (thường là vào tháng 12 âm lịch), những người đã vay tiền của Bà lại tự động trở về đây một lần nữa để trả lễ hậu tạ. Và, tất nhiên, các thủ tục xin, vay, trả cũng phải được khấn đúng theo những bài "khấn xin lộc, cầu tài", "khấn vay tiền", "khấn trả lễ". Người dân đến lễ, rất ít người thuộc nằm lòng được những bài văn khấn đó nên để không bị khấn sai, khấn nhầm, họ đành nhờ cậy đến những người chuyên hành nghề cúng thuê, lễ mướn ở Đền.

Thoạt nghe tưởng buồn cười, lại có cả nghề cúng thuê lễ mướn. Thế nhưng, những ai đã từng đến vay tiền của Bà Chúa để làm ăn thì không còn lạ lẫm với những nhóm người, già có, trẻ có, nhưng đa phần là phụ nữ ở độ tuổi 30 - 40 cứ đứng từng tốp từng tốp một. Họ quan sát rất tinh và "tác nghiệp" nhanh tới mức đôi khi khách đến không kịp trở tay.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Giang ở Thanh Trì, Hà Nội sau đây chỉ là một trong 1001 chuyện bực mình từ những người hành nghề cúng thuê lễ mướn. Hồi đầu năm nay bà Giang có đến đây xin vay tiền của Bà Chúa. Số là, bà và con gái cùng chung vốn mở một cửa hàng bán quần áo vài năm nay nhưng làm ăn có vẻ không khả quan lắm. Nghe theo lời mách nước của một vài người bạn, bà Giang cùng con gái tìm đến Bà Chúa để vay tiền vay lộc. Vì là đến lần đầu tiên nên sau khi nghe lời mật ngọt của một người phụ nữ cũng trạc tuổi mình rằng: "Chị đi xin lộc Bà Chúa chị để em kêu với Bà cho. Em ở đây quen Bà Chúa rồi, kêu Bà, Bà dễ xem xét hơn. Chị ở xa về, một câu ngập ngừng, hai câu ngập ngừng, Bà nghe khó lọt. Em kêu hộ chị gọi là giúp hai mẹ con thôi, lộc phúc tùy tâm chị".

Bà Giang nghe vậy thấy cũng hợp lý, lại thầm nghĩ "người Quan họ" nhiệt tình. Ai ngờ, sau khi được dẫn đi khắp các ban bệ, cầu khấn xong xuôi, người nhiệt tình nọ đề nghị hai mẹ con cô “mừng tuổi”. Bà Giang lúc đó mới ngớ người ra, rút tờ 20 ngàn trong túi đưa cho người khấn thì bị chê là: "Lộc ít - lộc rơi, phải 100 ngàn thì về mới làm ăn thuận lợi được. Xởi lởi thì Bà Chúa cho, đã về đến cửa Bà Chúa thì đừng bo bo vào mình như thế". Bà Giang không còn cách nào, đành mất thêm 100 ngàn coi như... rải lộc vậy.

Vấn nạn khó dẹp?

Nghề cúng thuê, lễ mướn đã bị coi như một vấn nạn, và mang lại những hình ảnh xấu đến mảnh đất và con người xứ Kinh Bắc. Thậm chí, Ban quản lý Đền còn phải đặt biển "Không nhờ cúng thuê, lễ mướn" ở ngay trước sân Đền để cảnh báo người dân không bị rơi vào những trường hợp bực mình.

Ông Trần Đình Lập, đại diện Ban quản lý đền Bà Chúa Kho cho biết: "Có nhiều trường hợp người dân đến đây đi lễ vay, lễ trả to tiếng xô xát với những người xin cúng. Khi điều tra ra thì chúng tôi mới rõ nguyên nhân là do: Hai vợ chồng cùng đi trả lễ. Người vợ thì muốn có người cúng hộ cho có bài có bản, cúng hay thì đến tai Bà Chúa, Bà phù hộ cho. Người chồng thì không tin vào những chuyện nhảm nhí, cốt là ở cái tâm của mình. Vì thế mà có sự to tiếng, dẫn đến xô xát".

Nhiều trường hợp đi lễ là những người trẻ, những người ít khi tiếp xúc, thậm chí là chưa từng biết đến những bài khấn nôm. Do tâm linh, cũng là do tâm lý, người ta nghĩ rằng: Nếu như khấn cúng một cách bài bản, trôi chảy thì lộc sẽ đến dễ dàng hơn! Không có gì để kiểm chứng cho điều này, nhưng vô hình trung họ tin rằng: Cúng khấn bài bản, có đầu có cuối cũng coi như thành tâm và họ thấy yên tâm khi tâm nguyện của mình đã được một người chuyên nghiệp cầu giúp. Anh Trần Việt Hùng (thành phố Thái Nguyên), một tín đồ của đền Bà Chúa cho biết: " Mình là đàn ông, chỉ biết mải mê làm ăn cũng không rành chuyện cúng khấn. Đến đây có dịch vụ cúng khấn hộ cũng thấy tiện cho mình".

Như vậy, chính từ tâm lý của nhiều người, do không quen thậm chí là ngại cúng khấn nên họ mong muốn có được người khấn chuyên nghiệp, bài bản để giúp họ truyền tải tâm nguyện đến tai Bà Chúa được tốt hơn. Vì thế, đâu đó trong hàng ngàn người đến Đền Bà Chúa Kho để trả lễ hay vay tiền xin lộc sẽ vẫn còn những người xác định "sinh nghề tử nghiệp" với cúng thuê, lễ mướn như một... nghề chuyên nghiệp.

"Sẽ có biện pháp xử lý ngay"

Ông Trần Đình Lập, Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho cho biết: "Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những trường hợp xin cúng thuê lễ mướn gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của không gian tín ngưỡng Đền Bà Chúa Kho. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ không khắt khe nếu như khách thập phương có nhu cầu nhờ người cúng lễ. Đây là chốn tâm linh nên mọi chuyện là do tâm nguyện của mỗi người. Đối với những trường hợp bắt chẹt khách, ép giá cao, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa của cả vùng miền thì quý khách đến Đền vui lòng báo với Ban quản lý Đền. Những ngày cao điểm cuối năm và đầu năm, chúng tôi luôn bố trí an ninh túc trực. Chỉ cần nhận được phản ánh của khách, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý ngay".

Dương Thu