Cái sự “xoay dọc-xoay ngang” của gạch Bát Tràng

Cái sự “xoay dọc-xoay ngang” của gạch Bát Tràng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Tuổi thơ tôi lớn lên bằng câu ca dao của mẹ. Mẹ đã ru tôi bằng niềm vui, nỗi buồn và cả những kỉ niệm của một đời con gái. Câu ca rằng: “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây Xây dọc rồi lại xây ngang/ Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”.

Cho đến bây giờ, khi tận mắt chứng kiến những viên gạch Bát Tràng cổ, tôi mới nhận ra rằng cái sự “xoay dọc - xoay ngang” thực ra để chỉ cái tâm trạng rối bời của kẻ đang yêu bởi đơn giản, gạch Bát Tràng vuông chằn chặn, mỗi chiều đúng 30cm. Mà đã vuông vức thì không tồn tại cái khái niệm “xoay dọc - xoay ngang” và cũng chẳng để làm gì.

Xã hội - Cái sự “xoay dọc-xoay ngang” của gạch Bát Tràng

Cách đây khoảng gần 10 năm, một lần ngồi uống bia vỉa hè trong phố cổ, một người Bát Tràng chính gốc kể cho tôi nghe rằng làng Bát Tràng xưa có tên là làng Trường, chuyên làm bát, đĩa nổi tiếng - bát làng Trường. Người Việt có cái tính hay làm đơn giản nên gọi bát làng Trường thành bát Trường.

Thế rồi do húy kị, chữ “trường” thành chữ tràng - kiểu Trường Tiền thành Tràng Tiền - mà thành tên Bát Tràng nay. Thành thực, tôi không biết chuyện này có thật hay ông ta phịa ra để kể cho vui trong bữa nhậu. Những cụ già ở Bát Tràng thì khẳng định rằng cư dân Bát Tràng cổ vốn là những người gốc Hoa Lư. Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đã đem theo những người làm nghề gạch ngói để phục vụ cho việc xây dựng kinh thành.

Xã Bát Tràng gồm hai làng, Giang Cao và Bát Tràng. Nếu đi dọc bờ đê sông Hồng từ Hà Nội về thì làng Giang Cao ở trên, làng Bát Tràng ở dưới. Trước đây, khi cái nghề làm gạch ngói gian nan, vất vả mà lợi nhuận thấp thì chẳng sao cả.

Nhưng từ ngày làng nghề phát triển, cái thương hiệu Bát Tràng là cả một tài sản thì bắt đầu sinh chuyện. Giang Cao cũng cắm biển Bát Tràng (vì đúng là xã Bát Tràng), Bát Tràng cũng cắm biển nhưng khốn nỗi, làng Giang Cao ở phía trên nên khách đến, thấy chữ Bát Tràng là vào giao dịch, mua bán.

Vì thế, làng Giang Cao phát triển rất mạnh và sầm uất, ông con thứ có phần lấn lướt ông con cả đích tôn. Thế là kiện tụng nhau liên miên mấy năm trời và hình như đến nay chưa có hồi kết.Xem ra, việc kinh doanh có cả 1001 điều không ngờ tới.

Gạch Bát Tràng vuông rất nổi tiếng nhưng thực ra người làng Bát Tràng lại không chủ tâm làm loại gạch “xoay dọc, xoay ngang” này. Họ thường mua sét từ Dâu, Keo về pha với nước để lọc lấy đất tinh làm hàng cao cấp như bát đĩa, đôn chậu… Phần đất thô được đem trộn với những mảnh bát, mảnh sành vỡ (người dân ở đây gọi là trăng, cuội) rồi đóng thành từng viên lớn để làm khuôn nung bát đĩa.

Thực chất, gạch Bát Tràng là những cái khuôn của những mặt hàng cao cấp khác. Do được dùng nhiều lần, nghĩa là được nung đi nung lại, cái khuôn trở nên rất rắn chắc, đặc biệt là chống được nấm mốc. Sau này, gạch Bát Tràng nổi tiếng, nhu cầu tiêu thụ cao, người Bát Tràng nung loại gạch này để bán. Thế là từ “đậu phụ”, gạch Bát Tràng đã biến thành “mì chính”.

Doanh nhân Lê Thu Cẩm, ông chủ của cơ sở làm gạch với hơn 3000 m2 và hàng chục nhân công hiện là người duy nhất còn lại ở Bát Tràng làm gạch theo lối cổ. Đất được dận (xéo) bằng chân, gạch được đóng bằng khuôn và nung bằng lò gạch cổ, đốt trấu. Nghĩa là ông làm gạch như 7 - 8 đời trước đây cha ông anh đã làm để bán cho các lăng tẩm của Khải Định, Tự Đức, Minh Mạng…

Gần đây, khi đi thăm Hoàng Thành Thăng Long, nhìn những viên gạch dù dãi dầu mưa nắng vẫn còn đỏ ong, bỗng nhớ về câu chuyện gạch làng Trường. Và chợt hiểu Thăng Long - Hà Nội là nơi kết tụ tinh hoa của mọi miền quê đất nước.

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám