Hiệp sĩ 'không chân' hai lần được Thủ tướng tặng bằng khen

Hiệp sĩ 'không chân' hai lần được Thủ tướng tặng bằng khen

Thứ 7, 06/07/2013 | 10:36
0
Mặc dù bị liệt đôi chân, nhưng những gì anh làm được khiến mọi người vô cùng cảm phục. Được mọi người biết đến là người đội trưởng mẫu mực, anh dũng của đội dân phòng, nhưng ít ai biết được anh còn là "mỏ vàng" của thể thao người khuyết tật Đà Nẵng.

Hiệp sĩ "không chân" bắt cướp bằng đầu

Chúng tôi tìm gặp anh Lưu Văn Hùng (SN 1967, ngụ Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) những ngày tháng 6. Ngồi trước mặt chúng tôi là người đàn ông tự nhận mình là Hùng "nhí". Trò chuyện một lúc anh cho biết, biệt danh "nhí" là do ngày bé bố mẹ anh bảo anh khó nuôi, nên ngoài cái tên Hùng thì đặt thêm cái tên nhí. Mới đầu chỉ mọi người trong gia đình gọi rồi anh em đồng đội cũng gọi, giờ thành quen không bỏ được.

Xã hội - Hiệp sĩ 'không chân' hai lần được Thủ tướng tặng bằng khen

Anh Lưu Văn Hùng hăng hái tập luyện thể thao.

Nhà anh vốn quê ở huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), nhưng do sự khốc liệt của chiến tranh nên cả nhà phải "dắt díu" nhau ra TP. Đà Nẵng sinh sống. Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 3 anh chị em. Năm anh 13 tuổi,  sau một trận sốt thập tử nhất sinh, các bác sĩ đã giữ lại được mạng sống cho anh, nhưng họ không thể giữ lại cho anh đôi chân lành lặn. Khát khao đến lớp, được vui đùa, ôn bài cùng chúng bạn vẫn cháy bỏng trong anh. Nhưng ước mơ được ngồi trên ghế giảng đường trường đại học Bách khoa Đà Nẵng của anh đành phải gác lại vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Huy chương Vàng bóng bàn Para Games 2003

Dù mang về rất nhiều tấm huy chương cho thể thao người khuyết tật Việt Nam ở các giải đấu khu vực và quốc tế, nhưng ấn tượng nhất trong nghiệp cầm vợt của anh đó là tấm huy chương Vàng mà anh giành được cho đoàn thể thao khuyết tật ASEAN Para Games 2003 tại Hà Nội. Năm đó lần đầu tiên được gọi lên thi đấu cho màu cờ sắc áo của tuyển quốc gia.  Tâm lý lo lắng, thiếu tự tin khiến anh để thua chóng vánh ở ván thi đấu đầu tiên. Nhờ sự động viên kịp thời của người thầy, cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên trên sân nhà đã giúp anh lật ngược tình thế và giành thắng lợi với tỉ số 3-1 mang về tấm huy chương Vàng ở giải đấu khu vực tầm cỡ.

Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, anh quyết định tìm cho mình một nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Bươn chải kiếm sống qua nhiều nghề khác nhau nhưng anh đều nhận được cái nhìn ái ngại của những người xung quanh. Đứng trước nhu cầu đá lạnh ở TP. Đà Nẵng lúc bấy giờ anh quyết tâm mở cơ sở đá lạnh của riêng mình. Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh không chỉ có thể tự nuôi sống được bản thân mà còn tạo ra việc làm cho 3 lao động với thu nhập thường xuyên từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Năm 1997 khi anh đăng kí tham gia đội dân phòng địa phương, mọi người nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngại. Nhưng sau nhiều vụ việc nghiêm trọng được anh cùng đồng đội hoàn thành, mọi người phải nhìn anh bằng ánh mắt khác. Nói như đồng chí Trưởng công an phường Hòa Khánh Bắc  thì Hùng đã làm được những việc mà người lành lặn không dễ gì làm được, bởi Hùng không chỉ biết làm kinh tế, còn giúp đỡ anh em trong đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Không chỉ dũng cảm, quyết liệt trong những lần truy bắt kẻ cướp cạn trên đường, anh còn được biết đến khả năng chỉ huy tài tình của bản thân mình. Anh bảo mình không có "chân" thì phải bắt cướp bằng đầu. Tháng 3/2013, anh cùng các anh em trong đội cơ động của phường rất day dứt trước tình trạng mất cắp thường xuyên tại KTX trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Đội nhận nhiệm vụ với lãnh đạo công an phường quyết tâm trả lại cho các bạn sinh viên ở KTX có thể yên tâm học hành.

Anh cùng các đồng đội nhận nhiệm vụ liên tục theo dõi bám sát cơ sở ba ngày liền không phát hiện ra đối tượng nào khả nghi. Đến chiều ngày thứ 4 khi mọi người cho rằng, vụ việc đã đi vào ngõ cụt thì phát hiện thấy đối tượng khả nghi xâm nhập vào KTX. Khai thác nhanh thông tin từ bảo vệ KTX xác định đối tượng là sinh viên năm 3 của trường khi lên phòng không có cặp khi xuống lại có cặp latop cộm sau lưng.

Nhận định rất có khả năng đây là đối tượng gây ra các vụ mất cắp trong KTX thời gian qua. Anh cùng các đồng đội khẩn trương bám theo đối tượng, khi đối tượng đến tiệm cầm đồ cách KTX hơn 1km, bằng các nghiệp vụ đấu tranh anh và toàn đội đã buộc thủ phạm phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Sau này anh mới biết được thủ phạm gây ra hàng loạt vụ trộm cắp ở KTX là con nợ của số đề, cá độ bóng đá, với số tiền khá lớn.

Xã hội - Hiệp sĩ 'không chân' hai lần được Thủ tướng tặng bằng khen (Hình 2).

Anh Lưu Văn Hùng và con trai.

"Mỏ vàng" của thể thao khuyết tật Đà Nẵng

Rất ít người biết được hiệp sĩ "không chân" Lưu Văn Hùng là nhà vô địch ASEAN Para Games 2003 diễn ra ở Việt Nam. Năm 1997 khi được một người hàng xóm cho biết sở Thể dục Thể thao Đà Nẵng đang có kế hoạch tuyển vận động viên khuyết tật môn bóng bàn. Niềm đam mê bóng bàn trong lòng anh trỗi dậy, khi những kí ức về một thời tuổi thơ dùng chiếc bảng thay vợt đạp bóng nay lại dội về. Lá đơn đăng kí của anh nhanh chóng được chấp nhận.

Hai lần được Thủ tướng tặng bằng khen

Với anh niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng bằng khen cho thành tích đoạt HCV nội dung bóng bàn ở ASEAN Para Games 2003 diễn ra ở Việt Nam. Thế nhưng, trong Hội nghị giao lưu các điển hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP. Đà Nẵng năm 2012. Một lần nữa anh lại vinh dự được Thủ thướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng bộ Công an - Đại tướng Trần Đại Quang tặng bằng khen vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2012 của cá nhân anh.

Anh Hùng đến với nghiệp thể thao khi đã bước qua tuổi 30. Cái tuổi mà một vận động viên bình thường có thể đạt được thành tích cao đã khó, với một vận động viên khuyết tật như anh lại càng khó hơn. Những ngày tháng đầu tiên tập luyện, việc lên xuống làm quen với xe lăn, tập di chuyển với xe vô cùng khó khăn, khiến anh không chỉ đổ mồ hôi mà còn cả máu trên sàn tập. Theo anh nếu không có niềm đam mê đến cháy bỏng mà bản thân mình giành cho bóng bàn, thì anh đã từ bỏ từ ngày đầu tập luyện rồi.

Nỗ lực vượt khó, cháy hết mình cho bóng bàn của anh được thể hiện ngay sau đó. Trong giải bóng bàn toàn quốc năm 1997 anh mang về cho TP. Đà Nẵng không chỉ một mà ba tấm huy chương khác nhau ở các nội dung đồng đội. Đặc biệt anh còn mang về cho riêng mình tấm HCV ở nội dung đánh đơn ở sân chơi dành riêng cho người khuyết tật. Nhờ những thành tích xuất sắc liên tục trong thời gian dài, anh được chọn làm đại diện cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham gia thi đấu ở các đại hội thể dục thể thao giành cho người khuyết tật ở khu vực, châu lục.

Cũng nhờ thể thao anh mới cưới được vợ. Chị Nguyễn Nguyên Mai Trâm vì cảm phục nghị lực vượt khó của anh đã đem lòng yêu thương anh. Mười năm sau khi quen nhau, anh chị nhận được sự đồng ý, chúc phúc của cả hai bên gia đình. Hơn một năm sau đám cưới diễn ra, một bé trai kháu khỉnh chào đời khiến cả đại gia đình anh vỡ òa trong hạnh phúc. Với anh niềm hạnh phúc lớn nhất bây giờ là được đưa đón cậu con trai hơn ba tuổi Lưu Nguyễn Minh Huy đến trường mỗi sáng. Được quây quần bên mâm cơm gia đình mỗi tối, sau những buổi tập luyện miệt mài để chuẩn bị cho giải bóng bàn toàn quốc dành cho người khuyết tật diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 7.                  

Nguyễn Cường

‘Cùng người khuyết tật hợp sức chinh phục đỉnh Fansipan’

Thứ 4, 19/06/2013 | 20:42
“Chúng tôi đã và đang làm việc với người khuyết tật và hiểu được những nhu cầu của họ. Chúng ta hãy cùng người khuyết tật hợp sức chinh phục đỉnh Fansipan lần này”.

Người khuyết tật mỏi mòn chờ bằng lái

Thứ 6, 07/06/2013 | 13:37
Rất nhiều người khuyết tật mong muốn được tự lái xe để chủ động đi lại, có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng. Nhưng với quy định hiện hành, họ không đủ điều kiện thi lấy bằng lái.

Người khuyết tật và chuyện chăn gối 'xa xỉ'

Thứ 5, 16/05/2013 | 17:19
Cũng có nhu cầu sinh hoạt tình dục như người lành lặn, song người khuyết tật bị mất một phần cơ thể nên luôn gặp trở ngại trong hạnh phúc lứa đôi.

Cô gái thủy tinh gieo niềm tin cho người khuyết tật

Thứ 7, 02/03/2013 | 20:30
Căn phòng chưa đầy 10m2 của chị Nguyễn Thị Thu Thương vừa làm nơi ăn ở, vừa là nơi làm việc và thậm chí làm lớp học cho những học viên khuyết tật đến học nghề.

Hạn chế xe cá nhân, người khuyết tật đi bằng gì?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Nhiều hội viên khuyết tật băn khoăn không biết tới đây sẽ đi lại bằng gì, nếu như phương án hạn chế phương tiện cá nhân được thông qua.

Dự án "miếng cơm, manh áo" cho người khuyết tật

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Với việc tham gia xây dựng những dự án hỗ trợ cộng đồng, hàng ngàn sinh viên đã có những hoạt động tình nguyện mang bản sắc rất riêng.